Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Càphê trên cao nguyên đá

SGTT.VN - Từ cực bắc Lũng Cú trở về thị trấn Đồng Văn đã xế trưa, đang định rút điện thoại ra gọi cho cậu em họ – người bạn đồng hành của tôi trong chuyến đi cao nguyên đá lần này; thì nhận được tin nhắn: “Anh ra “càphê Phố cổ” nhé! Em đang ngồi đây…” Hắn gặp bạn và ở lại thị trấn…
Qua gian nhà phía ngoài là mở ra một khoảng sân trong thoáng đãng. Ngồi đây có thể thấy đỉnh núi nhô lên qua khoảng trời ở sân trong. Chỗ ngồi ở nhà dọc bên trái. Cầu thang gỗ đi lên lớp nhà sau.
“Càphê Phố cổ”, tôi đã biết từ... hôm trước. Nó nằm ngay góc chợ Đồng Văn, một vị trí thật đẹp, dễ nhìn, dễ tìm. Nhưng ngày hôm đó, dù biết, tôi còn mải mê với chợ phiên và sau đó đi dinh nhà Vương ở thung lũng Sà Phìn, nên chưa vào bên trong…
Nói đến phố cổ, nói đến càphê Phố cổ, người ta dễ liên tưởng đến Hà Nội, hay Hội An, như một suy nghĩ đã trở thành thói quen. Cũng dễ hiểu, bởi phố cổ Đồng Văn ở miền biên viễn này trẻ hơn nhiều so với lịch sử phố cổ Hà Nội hay Hội An; và càphê thì có vẻ là thức uống của phố thị dưới đồng bằng, chứ không phải ở vùng núi cao. Vậy mà “càphê Phố cổ” ở thị trấn Đồng Văn đã níu chân tất cả những ai trót bước vào đây! Khi qua ngưỡng cửa, tôi đã hiểu điều ấy!
Là một trong số không nhiều những ngôi nhà cổ vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính trong khu phố cổ Đồng Văn đang xuống cấp và suy tàn, “càphê Phố cổ” giống như một điểm sáng mời gọi, càng đúng hơn với chức năng quán xá mà nó đang giữ. Cũng như nhiều ngôi nhà cổ khác ở Đồng Văn, ngôi nhà này mang dấu ấn kiến trúc giao thoa Việt – Hoa, nhưng cũng có những nét đặc sắc riêng. Ngôi nhà được xây dựng vào khoảng những năm 20 của thế kỷ trước, cùng thời kỳ với chợ Đồng Văn và phần lớn các ngôi nhà cổ định hình nên khu phố cổ tồn tại tới bây giờ. Đây vốn là nhà của một địa chủ họ Lương người Tày, rất có thế lực ở vùng Đồng Văn khi xưa. Ngôi nhà ngót trăm năm này cũng trải qua nhiều thăng trầm cùng khu phố cổ, và may mắn là vẫn còn gần như nguyên vẹn.
Về quy mô, ngôi nhà khá lớn so với các ngôi nhà khác cùng thời ở Đồng Văn, với mặt tiền rộng, nhiều lớp nhà và có sân trong. Kiến trúc công trình có nét giống với dinh nhà Vương của “vua Mèo” Vương Chính Đức ở thung lũng Sà Phìn, chịu ảnh hưởng của kiến trúc nhà Thanh (Trung Quốc) với nhiều lớp nhà theo nguyên tắc ngoài thấp trong cao, có sân trong, bố cục khép kín và hướng nội... Cũng nhà ngang trước – sau, nhà dọc hai phía tạo nên sân trong; cũng mái ngói âm dương, cũng hệ kết cấu gỗ… nhưng nét riêng ở ngôi nhà này là xây bằng gạch non, không qua nung. Đây là một kỹ thuật xây dựng của người Tày, khác với nhà trình tường của người Mông và nhiều dân tộc khác. Công trình dường như cũng chịu ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây với những vòm cuốn có gờ, và có ống khói lò sưởi trên mái… Sự đa dạng ấy chứa đựng trong một không gian kiến trúc đầy hoài niệm đã tạo nên những nét hấp dẫn quyến rũ khách hơn nhiều so với… càphê.
Có tay phượt nói vui rằng: cả Đồng Văn chỉ có mỗi quán càphê – là nơi đây. Nói vậy có thể e một vài quán càphê khác ở thị trấn tự ái; nhưng thực ra cũng có cái lý riêng. Bởi chẳng thể nào tìm được một không gian như ở đây, một kiến trúc như ở đây, một tinh thần như ở đây. Đây là nơi khách du lịch dừng chân khó cưỡng, là địa điểm tụ họp mặc nhiên của các tay phượt, các tay chơi ảnh… khi tới Đồng Văn. “Càphê Phố cổ” đủ rộng để chứa nhiều người; và rộng hơn để chứa cả những tâm hồn thênh thang ở trên cao nguyên đá.
Có lẽ, người ta ngồi “Càphê Phố cổ” chẳng phải vì càphê hay cái thứ đồ uống gì khác; mà hình như ngồi ở đó để yêu, để thương nhớ Đồng Văn!
Bài và ảnh: Hà Thành
Càphê Phố cổ: khu phố cổ Đồng Văn, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, Hà Giang.
Một trong những ngôi nhà cổ còn khá nguyên vẹn ở khu phố cổ Đồng Văn.




Dãy nhà dọc phía bên phải rộng hơn, và cũng được thiết kế chỗ ngồi không có ghế (ảnh trái). Hoa văn trang trí tinh tế ở gian giữa tầng trệt lớp nhà sau. Chiếc đèn trang trí bổ sung rất phù hợp với kiến trúc xưa cũ (ảnh phải).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét