Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Đến Bảo Lộc để sống chậm hơn

(iHay) Nhiều người vẫn xem Bảo Lộc là một điểm dừng chân hơn là một điểm đến. Nhưng hãy thử một lần quan sát thật chậm, bạn sẽ có những trải nghiệm rất khác về một thành phố tưởng chừng như rất nhàm chán này.


Bảo Lộc chìm trong sương mù cũng đẹp huyền ảo chẳng kém gì người anh em Đà Lạt - Ảnh: Nguyễn Văn Thương

Nằm ở độ cao 800m so với mực nước biển, Bảo Lộc không nóng như Sài Gòn, cũng không lạnh như Đà Lạt. Thành phố ôn hòa này quanh năm xanh mát với nhiệt độ trung bình vào khoảng 21- 230C. Ít nắng, nhiều mưa và sương mù bao phủ nhiều ngày trong năm – những đặc điểm về thời tiết khiến cho thành phố Bảo Lộc trở nên nên thơ và lãng mạn không kém xứ Đà Lạt mộng mơ.

Thành phố Bảo Lộc thường là điểm dừng chân của du khách khi đi từ phía Nam và các tỉnh Đông Nam Bộ đến Đà Lạt
Bên cạnh những nét đặc trưng về khí hậu và thời tiết, sự đa dạng của địa hình với núi cao, đồi dốc và thung lũng đã góp phần kiến tạo nên những cảnh đẹp thật sự thiên nhiên nằm rải rác khắp cao nguyên Bảo Lộc.
Từ dòng thác Dambri ngày đêm tuôn trào…
Cho dù bạn không biết gì về du lịch Bảo Lộc, chắc hẳn bạn cũng đã từng nghe qua cái tên thác Dambri. Hay nói cách khác, chưa đến Dambri thì xem như bạn chưa từng đến Bảo Lộc. Với độ cao 60m, đây được xem như là một trong những thác nước hùng vĩ bậc nhất của Cao và Tây Nguyên.
Khu du lịch thác Dambri là một quần thể du lịch bao gồm khu vui chơi, hồ, thác và rừng nguyên sinh rộng hàng ngàn hecta. Khu du lịch này cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 18km về hướng Tây. Đường khá dễ đi, nên bạn có thể đi xe máy hoặc taxi đến thác. Ngoài ra, hãng trà Tâm Châu mỗi sáng và chiều đều cho xe đưa rước nhân viên ra vào khu du lịch thác Dambri, bạn có thể xin đi nhờ mà chẳng phải mất đồng nào. 

Thác nước Dambri hùng vĩ có độ cao bậc nhất tỉnh Lâm Đồng

Thang máy cao 50m bên cạnh thác được xây dựng với mục đích giúp người già, trẻ em và người có sức khỏe yếu có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng thác. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thang máy hiện đại này đã làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ của thác Dambri
… đến những bờ hồ không gợn sóng
Không mạnh mẽ ào ạt như dòng thác, những bờ hồ êm ả dịu dàng của Bảo Lộc luôn biết cách làm cho tâm hồn con người ta trở nên nhẹ nhàng hơn. Hãy bắt đầu một buổi sáng yên bình với những bước chân lơ đãng bên bờ hồ Bảo Lộc hay tìm cảm giác thư thái ở hồ Nam Phương sau một ngày mệt nhoài với những cung đường phượt.

 Hồ Bảo Lộc trong xanh chẳng gợn sóng từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng
của thành phố này

Chiều trên hồ Nam Phương - Ảnh: Nguyễn Văn Thương
“Máu” hơn một tí, bạn có thể đi xe máy dọc theo quốc lộ 55 khoảng 30km để chiêm ngưỡng mây nước đất trời xanh biếc của hồ Hàm Thuận (thuộc xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận).

Hồ Hàm Thuận có diện tích đến 1.800 hecta, được bao quanh bởi rừng núi nương rẫy, giữa hồ lại có những “đảo” nhỏ xanh biếc tạo nên một vẻ đẹp quyến rũ và thanh bình

Cung đường đến hồ Hàm Thuận cũng là một cung đường đáng để người đi phượt tận hưởng
Từ một tu viện tĩnh mịch đầy chất thiền…
Nếu muốn trải nỗi lòng ở một nơi tín ngưỡng tôn giáo mà ngại đi xa, bạn có thể ghé qua nhà thờ Bảo Lộc hay chùa Phước Huệ ở ngay trung tâm thành phố với những nét kiến trúc khá độc đáo.
Còn nếu muốn thật sự tĩnh tâm nơi thiền tịnh, bạn hãy đến Tu viện Bát Nhã, nằm giữa một vùng đồi mênh mông trà và thông xanh mát. Chầm chậm bước qua những bậc thang đá phủ rêu xanh để đến với một không gian trầm mặc, khí trời trong lành, quan cảnh xanh tươi, tiếng suối róc rách.
Không gian tuy động mà tĩnh này như muốn đánh thức tất cả các giác quan của bất cứ ai trót tìm đến. Tâm hồn vướng bụi trần của con người dường như cũng được lọc sạch để tận hưởng.

Nhà thờ Bảo Lộc

Tu viện Bát Nhã. Những bậc thang đá phủ rêu xanh sẽ đưa bạn đến một con suối nhân tạo hoang sơ

Suối và thác nhân tạo bên trong tu viện

… đến những đồi trà xanh ngút ngàn
Cây trà có một lịch sử khá lâu đời ở Bảo Lộc. Dù trong nông nghiệp, kinh tế hay du lịch, trà luôn góp một phần không nhỏ trong sự phát triển của thành phố này. Chính vì lẽ đó, đâu đâu trên những con đường quanh co, những ngọn đồi nhấp nhô hay ngay cả ven quốc lộ, bạn cũng có thể nhìn thấy những vườn trà xanh tươi mơn mởn.

Những người nông dân nối nhau ra đồng trà - Ảnh: Nguyễn Văn Thương

Người nông dân hái trà trong sương sớm với những chiếc áo mưa đủ sắc màu khiến cho vườn trà rực lên một vẻ đẹp bình dị. - Ảnh: Nguyễn Văn Thương
Và trước khi rời khỏi thành phố Bảo Lộc, bạn đừng quên ghé vào quán trà Trâm Anh nằm ngay trên quốc lộ 20. Điểm đặc biệt của trà quán này là bất kỳ người khách nào bước vào cũng sẽ được mời một ly trà hoặc cà phê miễn phí. Tất nhiên, sau khi được thưởng thức trà thơm cà phê ngon, hiếm ai không chọn vài sản phẩm mang về làm quà - một hình thức kinh doanh lạ và hiệu quả, đẹp lòng chủ, vừa lòng khách.

Ngay cả khi "tham lam" gọi cả cà phê lẫn trà, bạn cũng sẽ nhận được nụ cười thân thiện
Bảo Lộc đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, từ một quận của Đồng Nai Thượng trở thành tỉnh lỵ của Lâm Đồng cũ rồi thị xã Bảo Lộc và cuối cùng định hình với cái tên thành phố Bảo Lộc. Vậy mà, thiên nhiên lẫn con người nơi đây vẫn luôn giữ được vẻ đẹp thanh bình và gần gũi như những cư dân Mạ đầu tiên của xứ B’Lao xưa. Nhớ về những chuyến đi Bảo Lộc, trong tôi vẫn còn đọng lại cảm giác yên bình của một phố núi hiền hòa thích sống chậm.
- Bảo Lộc cách TP.HCM 180km, cách Đà Lạt 110km và cách thành phố Phan Thiết 100km.
- Mất khoảng 6 tiếng để đi từ TP.HCM đến Bảo Lộc bằng xe khách.
- Nên đến Bảo Lộc vào khoảng tháng 12 đến tháng 4 năm sau, đó là thời điểm ít mưa nhất trong năm.
- Vì không phải là một thành phố du lịch điển hình nên rất khó tìm một nơi cho thuê xe ở Bảo Lộc. Một số khách sạn dùng xe máy riêng cho khách thuê, một số lại không. Nếu không thuê được xe máy, bạn có thể di chuyển trong thành phố này bằng xe ôm hoặc taxi.
Phượt ký của Phạm Như Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét