Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Hố Lửa và những câu chuyện nhuốm màu cổ tích

(BGĐT)-Nằm xen kẹp giữa thôn Xuân Tiến, Sấu Bến (xã Liên Chung) và thôn Tiến Sơn (xã Hợp Đức), địa danh Hố Lửa là một phần đất thuộc về làng Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang). Đây là rẻo đất ít người lui tới, môi trường trong lành, cuộc sống bình lặng và những câu chuyện dân gian thú vị...
Hố Lửa xưa kia nay là vạt sắn xanh tốt.
Có chuyện rằng, nơi đây xưa có những hố lửa cháy nghi ngút, lửa tắt nhiều ngày sau vẫn thấy khói, nên người dân mới gọi như thế và lâu dần thành tên. Chuyện có vẻ hư hư thực thực, nhưng tại huyện Tân Yên, vẫn ít người biết Liên Chung có địa danh Hố Lửa.  

Muốn vào Hố Lửa, đi xe máy thì có thể đi từ làng Hậu xã Liên Chung, hoặc thôn Tiến Sơn, xã Hợp Đức đi vào, nhưng con đường đất càng đi càng bé, cứ như là đang đi vào sừng trâu. Còn đi từ Xuân Tiến xã Liên Chung sang, an toàn nhất là đi bộ. Đây là vùng đất pha giữa đồi núi và ruộng trũng, giữa có con ngòi Ngọng đưa nước từ 8 xã vùng phía trên chảy qua rồi đổ ra sông Thương tại cống Chuông xã Liên Chung.
 
Vào được Hố Lửa rồi muốn tìm người để hỏi cũng hơi khó do dân cư thưa vắng và không mấy người rành về vùng đất này vì hầu hết mới ở đây từ khi Nhà nước có chính sách giao đất.
 
Thực may khi sau khá nhiều thời gian rồi cũng tìm được ông Nguyễn Thế Tầm – một trong những cư dân đầu tiên của miền đất này. Ông Tầm kể: Sau khi xuất ngũ, năm 1982 tôi rời làng Hậu vào đây, lúc đó cả khu này mới có 3 hộ, đất rộng muốn nhận bao nhiêu thì nhận. Sau này mới có thêm các hộ khác đến và giờ tất cả có 27 hộ.

Về địa danh Hố Lửa, ông Tầm cho biết theo lớp người đi trước kể lại, đây vốn là vùng đất trũng, có con ngòi chạy lòng vòng, nước thoát chậm nên xưa rất nhiều tôm cá. Trên các quả đồi, rừng rậm rạp còn có cả hổ. Thời đó, các cụ đánh chài, quăng lưới cả đêm, không có đèn có điện như bây giờ, nhưng trên các quả đồi xung quanh rất nhiều cỏ lông mao, vậy là các cụ đốt đồi để có ánh sáng đánh cá.
 
Toàn cảnh vùng đất Hố Lửa.
 
Có năm, sau khi đốt đồi làm chết cả những con rắn to bằng cần cối gạo. Trên một số quả đồi, có những hố đất đường kính  khoảng 2 m cháy âm ỉ hàng tháng trời, người dân thấy vậy mới gọi là hố lửa. Đi lên quả đồi ngay sau nhà, ông Tầm chỉ những chỗ trước kia có những hố lửa: Những hố này lúc trước khi đào lên, lớp đất phía dưới đen như than đem đi trồng cây rất tốt, giờ các hố đều đã bị san phẳng để trồng sắn. Ông Tầm cười: Có lẽ, đó cũng chỉ là những gốc lim, các cụ đốt làm than để nướng cá, vậy thôi.

Từ một vùng đất hoang sơ đến tận thập kỷ 80 của thế kỷ trước, người dân ở vùng Hố Lửa giờ không còn nghèo vì làm lúa cá, đồi rừng. Cứ như nhà ông Nguyễn Thế Tầm ngoài vài mẫu đồi, 4 sào ao, tận dụng vùng đất trũng từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm ông Tầm thuê vài mẫu ruộng làm lúa cá, trừ chi phí cũng thu trên 70 triệu đồng, không ít hộ nơi này đã xây dựng những ngôi nhà trị giá 500 - 600 triệu đồng.
 
Tuy nhiên, do nằm khá tách biệt nên Hố Lửa vẫn mang trong mình sự hồn nhiên cố hữu, người dân hồn hậu, cảnh quan môi trường trong lành và những câu chuyện dân gian hấp dẫn. 

Trong quá trình xây dựng khu du lịch sinh thái núi Dành, chắc hẳn địa danh Hố Lửa cũng sẽ là điểm đến hấp dẫn. 
 
Châu Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét