Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Đình Sen Hồ - Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia

(BGĐT)-Nằm bên bờ bắc con sông Cầu thơ mộng, Sen Hồ không chỉ nổi tiếng với những làn điệu quan họ cổ làm say đắm lòng người. Nơi đây hiện còn bảo lưu được khá vẹn nguyên hệ thống thiết chế văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng có giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cao, trong đó có di tích đình Sen Hồ.
Đình Sen Hồ (Việt Yên), di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Hữu phương
Đình Sen Hồ (thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên) ngày xưa có tên là Vọng Trần Đình hay Vọng Liên Đình. Tương truyền đình do Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài công đức gỗ để làm vào những năm cuối thế kỷ XVII.

Đình Sen Hồ được tạo bởi bốn hạng mục công trình chính: Nghi môn, hai dãy nhà (tả vu, hữu vu), tòa đại đình và hậu cung. Nghi môn đình được xây theo kiểu tứ trụ. Nghi môn nối với đình bởi khoảng sân gạch rộng, hai bên có hai dãy nhà tả vu, hữu vu. Tòa đại đình được tạo bởi 3 gian 2 chái nối với 2 gian hậu cung tạo bình đồ kiến trúc theo kiểu chữ đinh (J). Tòa đại đình có chiều dài 20,4m, chiều rộng 10,7 m, tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, 4 mái với 4 đầu đao mập, vút cong thanh thoát.
 
Trên cao chính giữa bờ nóc đắp nổi đề tài lưỡng long chầu nhật. Bờ dải, bờ guột gắn dải gạch rỗng hoa chanh. Các đầu dư, con chồng, kẻ, bẩy chạm kín đề tài tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai), tứ linh (long, ly, quy, phượng), hình mây lưỡi mác, mây lửa, long vân đại hội, long hóa cúc, hổ phù ngậm chữ Thọ. Đáng lưu ý, ngoài đề tài tứ quy, tứ linh quen thuộc, trên các bẩy hiên hình chữ phúc, chữ thọ, chữ lộc ẩn hiện trong dải mây lửa như muốn gửi gắm ước vọng của người xưa về một cuộc sống no đủ, an bình.

Tòa đại đình nối với hậu cung bởi hệ thống cửa bức bàn được chạm khắc tinh tế, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Hậu cung đình Sen Hồ được tạo bởi 2 gian xây bình đầu bít đốc. Ba vì hậu cung có kết cấu con chồng, giá chiêng, hạ bẩy. Trước hậu cung có hai bức cốn vì nách chạm nổi đôi rồng châu đầu vào trước cung cấm như muốn kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương trước khi vào bên trong hậu cung-nơi được xem là tối linh (linh thiêng nhất) của ngôi đình. Bên trong hậu cung đặt án thờ, bên trên bài trí đồ thờ tự như: Ngai thờ, bài vị, mũ, giá văn, long đao, đài rượu... Các đồ thờ, hiện vật trong hậu cung đình đều được chạm khắc rất tinh xảo, sơn thếp lộng lẫy.

 

Hằng năm, đình Sen Hồ mở hội lớn vào các ngày mùng 5 tháng Giêng-ngày sinh của Thánh; ngày 10 tháng 4 âm lịch- ngày kỵ nhật Thánh.

Theo tư liệu Hán Nôm lưu giữ tại di tích cho biết đình Sen Hồ thờ thành hoàng làng là đức thánh Tam Giang-vốn là thuộc tướng của Triệu Quang Phục. Các ông đã phò vua giúp nước, có nhiều công lao chống giặc Lương (thế kỷ thứ VI). Khi hiển thánh các ngài còn âm phù giúp cho nhà Lý diệt giặc Tống, phù Lê đánh giặc Minh giúp cho đất nước được bình yên, nhân dân đời đời no ấm.
Công lao của các ông đã được sử thần xưa biên ghi trong quốc sử, trong ngọc phả, thần tích, sắc cho nhân dân thờ phụng. Hiện có hơn 300 làng dọc theo sông Cầu từ thượng Đu Đuổm, chí hạ Lục Đầu Giang tôn các ông làm thành hoàng làng, lập, đình, đền thờ phụng.

Với giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, vừa qua đình Sen Hồ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Hoàng Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét