Làng Tuyên Bá xưa có tên là Hiệu Bố hay
Tuyên Bố, tên nôm là Nắp Chanh thuộc tổng Quảng Bố, huyện Lương Tài. Nay
Tuyên Bá là một trong 6 thôn thuộc xã Quảng Phú, huyện Lương Tài.
Theo
bản thần tích chữ Hán hiện còn bảo lưu được ở đình Tuyên Bá, Đức thánh
“Quốc vương Lã Công Nam Để” sinh ngày mồng 8 tháng 4 năm Bính Tý, tướng
mạo khôi ngô, dáng như rồng phượng. Từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, có
khí phách; khi trưởng thành là người văn võ toàn tài, học lực thông
suốt. Một lần qua trang Hiệu Bố (nay là Tuyên Bố), các bậc phụ lão thấy
tướng mạo của ngài khác lạ, biết là vĩ nhân, bèn xin lưu lại lập trường
dạy học, giáo hóa nhân nghĩa cho dân. Năm 20 tuổi, do lập được nhiều
công lao trong việc giúp Hùng Duệ Vương giữ yên bờ cõi, nên Ngài được
nhà vua ban cho thực ấp ở vùng Kinh Bắc. Lã Công bèn lấy trang Hiệu Bố
làm thần tử, miễn trừ binh lương, lại ban cho dân tiền, vàng làm của
công, mua ruộng, tậu ao; ông còn dạy dân canh tác, khuyên răn nhân nghĩa
hòa mục, thương dân như phụ mẫu, ai ai cũng kính phục.
Sau
đó Ngài chọn một khu đất linh ở trang Hiệu Bố, thiết lập sinh từ rồi
ban cho dân “15 hốt vàng” để bảo vệ trông coi là hương hỏa về sau. Khi
vua Thục thay ngôi vua Hùng, Lã Công bèn về đạo Kinh Bắc để nghỉ ngơi
dưỡng nhàn, sau hóa vào ngày mồng 4 tháng Giêng. Để ghi nhớ công lao của
ông, nhân dân nhiều nơi ở vùng Lương Tài đã lập đền, đình tôn thờ Lã
Công làm thành hoàng làng. Trải qua các triều, Lã Công đều tỏ rõ linh
ứng, được phong sắc và ban tặng mỹ tự là: Quốc vương Lã Nam Để hộ quốc
tí dân đại vương thượng đẳng. Từ đó trở về sau thần càng ling thiêng,
che trở cho nước, cứu giúp nhân dân, trải qua các đời đều được phong là
“Thượng đẳng tối linh đại vương”.
Qua
khảo sát, nghiên cứu và căn cứ vào các tư liệu hiện còn tại địa phương
như thần tích, sắc phong, văn bia… có thể xác định đình Tuyên Bá được
xây dựng vào khoảng thời Lê Trung Hưng (TK XVIII), đến thời Nguyễn được
trùng tu tôn tạo, trở thành một trong những ngôi đình to đẹp trong vùng.
Trong kháng chiến chống Pháp, đình Tuyên Bá đã tiêu thổ để không cho
giặc lấy vật liệu xây đồn, bốt; ngai, bài vị đức Thánh cùng các đồ thờ
tự của đình được rước về chùa thờ phụng.
Năm
2012, được sự nhất trí đồng tâm của toàn Đảng, toàn dân, đình Tuyên Bá
được phục dựng trên nền xưa đất cũ theo dáng vẻ truyền thống. Đó là tòa
đại đình to lớn kết cấu kiểu chữ đinh gồm 3 gian 2 chái tiền đình và 3
gian hậu cung; bộ khung to khoẻ, vững chắc được trang trí đắp vẽ tinh
xảo các đề tài truyền thống “tứ linh, tứ quý” trên các mảng cốn, đầu dư,
con rường, đầu bẩy; các tài liệu hiện vật trong đình cũng được sưu tầm,
bổ sung và bày đặt rất tố hảo trang nghiêm.
Đình
Tuyên Bá còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật cổ quý như: bản thần
tích chữ Hán, 7 đạo sắc phong có niên đại thời Lê-Nguyễn; hệ thống
hoành phi, câu đối; hậu bành, long ngai, bài vị, mũ áo, cân đai của
Thần, bát hương, siêu đao, gươm trường… Những tài liệu hiện vật này là
minh chứng sống động của đình Tuyên Bá trong lịch sử và còn cho biết
nhiều thông tin về ngôi đình, địa danh hành chính, phong tục tập quán
của làng xã Tuyên Bá xưa kia.
Lễ
hội truyền thống đình Tuyên Bá được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng 4 âm
lịch hàng năm nhằm kỷ niệm ngày Thánh đản; là dịp để nhân dân địa phương
thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ, tri ân công đức của đức Thánh với
cộng đồng dân làng. Trong ngày hôi, nghi thức tế rước đức Thánh được tổ
chức rất trọng thể, trang nghiêm; phần hội với nhiều trò chơi dân gian
thu hút đông đảo nhân dân địa phương, thắt chặt mối đoàn kết tình làng
nghĩa xóm, làm giàu thêm truyền thống văn hóa của địa phương.
Đặc
biệt làng Tuyên Bá còn có tục kết nghĩa giao hảo với làng Đào Xuyên
(Hưng Yên) và làng Thanh Gia, Lĩnh Mai (cùng xã). Hàng năm vào ngày hội
lệ, các làng tổ chức tế lễ giao lưu thể hiện sự đoàn kết, đùm bọc, giúp
đỡ nhau giữa các cộng đồng làng xã, một tục lệ đẹp của nhân dân nơi đây.
Ngày 26 tháng 4 năm 2013, đình làng Tuyên Bá đã được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Nguyễn Thị Trọng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét