Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Đền Sôn - Di tích thờ danh nhân khoa bảng làng Đại Bái

Đền Sôn nằm ở xóm Sôn, thôn Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình. Đây là nơi thờ các vị đỗ đại khoa người làng Đại Bái vào hai triều đại Lê - Mạc (thế kỷ XVI - XVII).
Đền Sôn xưa là ngôi miếu nhỏ, được xây dựng trên một gò đất rộng nổi giữa hồ ven bờ sông Bái Giang nơi dân gian truyền tụng là thế đất “thất ngư đồng quần” (khu đất có hình dáng như 7 con cá đang quần tụ về một phía). Sau này ngôi miếu trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa quy mô bề thế hơn vì vậy nhân dân địa phương gọi theo tên xóm là đền Sôn.
Hiện nay đền Sôn có quy mô khang trang gồm các hạng mục công trình kiến trúc chính sau: Nghi môn, sân, đền chính, tả vu, hữu vu tạo mặt bằng kép kín hình chữ khẩu (hình vuông). Tòa đền chính trùng tu năm Tân Mão (2011) hướng Tây Bắc kiến trúc hình chữ Nhất (-) gồm 3 gian 2 chái. Mặt trước xây tường gạch cao quá dạ tàu, 3 gian chính trổ 3 cửa vòm kích thước bằng nhau, phía trên trang trí “lưỡng long chầu nguyệt”, phía dưới đắp hoành phi câu đối chữ Hán sơn màu đen, xung quanh đắp nổi diềm văn kỷ hà và chữ “Thọ” dáng đỉnh, cánh cửa làm bằng gỗ lim theo kiểu “thượng song hạ bản” chạm khắc “tứ quý”. Mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc, bờ dải đắp hình “hoa chanh hộp rỗng”. Bộ khung nhà làm bằng gỗ lim, kết cấu vì kèo theo kiểu thượng “chồng rường giá chiêng” hạ “tiền bẩy hậu bẩy”. Trang trí chạm khắc tập trung chủ yếu trên các con rường, đầu bẩy, ván bưng đề tài tứ linh, tứ quý cùng hoa lá cách điệu mang phong cách nghệ thuật truyền thống.
Đền Sôn thờ các vị danh nhân khoa bảng làng Đại Bái thi đỗ đại khoa và đóng góp nhiều công lao với dân với nước dưới hai triều đại Lê - Mạc (thế kỷ XVI-XVII).
Hiện tại Đền Sôn còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật cổ có giá trị bao gồm: Một cuốn mục lục viết bằng chữ Hán “Bản xã khoa mục chư tiên sinh” nội dung ghi chép về danh vị, chức tước các vị khoa bảng của làng và các bài văn tế của bản thôn tại đền Sôn. Ba tấm bia đá “Hậu thôn bi ký” dựng vào các năm Gia Long 2 (1803), Tự Đức 28 (1875), Tự Đức 35 (1882), bia khắc một mặt ghi chép về tên tuổi, ngày giỗ của những người cung đức tiền của, ruộng đất được lập hậu tại đền. Hai bia bài vị đá nội dung ghi “Nguyễn Quý Công tự Thuần Nguyên chi linh vị” (bài vị của cụ Nguyễn Quý Công tự Thuần Nguyên tiên sinh), “Bản thôn chư tộc các phái tổ tiên liệt vị” (bài vị của tổ tiên các dòng tộc ở bản thôn). Một quả chuông đồng đúc năm Bảo Đại 12 (1937).
Một bức châm chữ Hán tạo tác vào năm Ất Sửu niên hiệu Khải Định 10 (1925) nội dung ca ngợi truyền thống hiếu học khoa bảng làng Đại Bái: Thiên thu vọng ấp/Lịch đại hương hiền/Khoa danh hoa kế/Quan nghiệp thiền liên/Ư kim vi liệt/Tự cổ do truyền/Tốt linh thần miếu/Ư vạn tư niên. Tạm dịch: Ngàn năm còn vang tiếng/Nối đời có người hiền/Khoa danh nối tiếp đạt/Đường quan nghiệp kéo dài/Đương thời bao hiển hách/Lưu truyền muôn đời sau/Miếu thần mãi linh thiêng/Vạn năm vẫn còn đó.
Ngoài ra còn nhiều đồ thờ tự mới tạo tác khác có giá trị về mặt nghệ thuật như: Ngai thờ, hương án, cửa võng, chấp kích, đỉnh, chân đèn, bảng ghi danh các nhà khoa bảng bằng đồng, 2 biển gỗ “Tiến sĩ đồng triều”, chiêng, trống, bình hoa, hoành phi, câu đối…
Hàng năm vào ngày mồng 10 tháng Giêng Âm lịch nhân dân Đại Bái long trọng tổ chức nghi lễ tưởng niệm các vị đại khoa của làng tại đền Sôn nhằm ôn lại truyền thống hiếu học khoa bảng vẻ vang của địa phương, đồng thời giáo dục con cháu các thế hệ trong làng phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
Nguyễn Văn An
Top

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét