Xã Đình Tổ (huyện Thuận Thành) từ lâu đã
nổi tiếng gần xa với ngôi chùa Bút Tháp - một trong những kiến trúc phật
giáo cổ độc đáo nhất Việt Nam. Đến với Đình Tổ du khách còn có dịp được
thưởng thức nhiều món ăn dân dã như: bánh đúc, bánh tro, cháo thái… và
đặc biệt trong mâm cơm đãi khách của người Đình Tổ không thể thiếu bát
tương thơm lừng, đậm đà - đặc sản ở nơi đây.
Tôi
cũng đã có dịp thưởng thức nhiều loại tương khác nhau ở các làng nghề
như tương Đường Lâm, tương bần Hưng Yên, tương nếp Cự Đà... Mỗi loại có
một hương vị riêng nhưng tương Đình Tổ để lại trong tôi nhiều dư vị,
mang đậm cốt cách thân tình, cởi mở của con người nơi đây. Theo chân chị
hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Thị Thẻ, chúng tôi đến thăm nhà bà Chằm
(thôn Bút Tháp), gia đình có truyền thống nhiều đời làm tương. Hôm nay
là ngày nhà bà ngả những vại tương vừa đến độ để kịp cho chuyến hàng
ngày hôm sau. Chiếc cối đá gia truyền được mang ra rửa sạch phơi khô từ
sáng sớm cần mẫn xoay từng nhịp đều đặn tạo ra những mẻ tương vàng ruộm,
mịn sánh, béo ngậy.
Công đoạn xay tương để tạo ra những mẻ tương thành phẩm.
Bà
Chằm năm nay đã ngoài 70 tuổi, vừa thoăn thoắt xay tương bà vừa chia sẻ
về cách thức làm ra món tương độc đáo, thơm ngon ở nơi đây. Trước kia,
người làng Đình Tổ ai cũng biết làm tương. Nhà nào cũng có vài vại tương
sẵn trong nhà để ăn quanh năm. Tương Đình Tổ khác với các tương khác
bởi lẽ nguyên liệu chính là ngô. Ngoài ra còn có đỗ tương và gạo nếp cái
hoa vàng. Tất cả đều được ủ và lên men tự nhiên không dùng bất kỳ một
loại hoá chất hay men phụ trợ nào.
Theo
kinh nghiệm của bà Chằm, làm tương quan trọng nhất là khâu chuẩn bị
nguyên liệu. Ngô làm tương phải là loại ngô đỏ, hạt mẩy, căng; đỗ và gạo
nếp cũng phải kén loại ngon, hạt to, chắc và đều. Ngô sau khi phơi khô
phải sàng kỹ cho hết sạch mày, vỏ bên ngoài, chỉ giữ lại phần sọ bên
trong rồi mới đồ lên thành xôi và cho ủ lên men. Đỗ đem rang nhỏ lửa,
khi tỏa mùi thơm và ngả màu thì vừa ngon. Rang xong đổ
ra mẹt, ngày hôm sau bỏ vào chum sành, đổ nước vừa đủ và ngâm. Trong
suốt quá trình ủ ngâm, định kỳ phải kiểm tra, đánh đều, vớt bọt để tương
có độ sánh, mịn đạt tiêu chuẩn.
Thông
thường một mẻ tương phải được ủ kỹ trong vòng nửa tháng mới có thể mang
ra xay để tạo ra tương thành phẩm. Bà Chằm cho biết: “Làm tương không
hề khó nhưng để làm ra một mẻ tương ngon, bảo đảm vệ sinh đòi hỏi tỷ mỉ,
cẩn thận và cả cái tâm của người làm. Tất cả các khâu đều phải làm sạch
sẽ. Ngay cả chum vại cũng phải được sát muối khử trùng, đánh sạch, phơi
khô kỹ càng. Tất cả đều là những bí quyết truyền đời mà chỉ người Đình
Tổ mới biết được”.
Có
lẽ cũng bởi hương vị thơm ngon, độc đáo mà tương luôn là thứ sản vật
được rất nhiều du khách nhớ tới khi đến thăm Đình Tổ. Trước kia, tương
được làm chủ yếu để dùng trong gia đình, nhưng từ khi lượng du khách đến
làng ngày một nhiều, các nhà làm dôi ra một chút để bán cho khách.
Tiếng lành đồn xa, nhiều lái buôn các tỉnh lân cận và cả khu vực miền
nam cũng tìm đến để mua tương. Trung bình mỗi tháng nhà bà Chằm tập
trung sản xuất tới hơn 300 lít tương vẫn không đủ để cung ứng. Bà cho
biết: “Tương làm hoàn toàn bằng các phương pháp thủ công nên muốn sản
xuất nhiều hơn cũng không được. Tôi giờ đã già nhưng vẫn cố gắng làm cốt
để truyền lại cho con cháu bí quyết và giữ lấy món ăn của ông bà, tổ
tiên”.
Chia
tay, bà Chằm tặng tôi một chai tương mới xay về làm quà kèm theo lời
dặn: “Ăn tương, nhớ hương vị để lại tìm về Đình Tổ nhé”. Quả thực, món
tương bình dị đã trở thành một nét đẹp trong văn hoá ẩm thực của người
dân nơi đây.
Bài và ảnh: Thương Huyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét