Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Làng cổ Chân Lạc

Nằm bên bờ sông Cầu thơ mộng, làng Chân Lạc (tên nôm là làng Chóa Chợ, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong) vẫn còn nguyên dáng dấp một ngôi làng Việt cổ. Vẻ đẹp nơi đây được bao phủ bởi truyền thuyết về Bà chúa Dâu tằm, về nghi lễ cầu mưa, cầu nước và trên hết là sự bình yên, tĩnh tại tích tụ qua bao trầm tích thời gian.
Theo triền đê sông Cầu uốn lượn đầy nắng, chúng tôi tìm về làng Chân Lạc. Vẫn những ngõ nhỏ quanh co, những nếp nhà lợp ngói đông dương tường gạch, những cây cổ thụ đổ bóng um tùm trên con đường làng hun hút, dấu vết thời gian dường như vẫn còn lưu lại đâu đây. Anh Ngô Văn Long, cán bộ văn hóa xã Dũng Liệt cũng là một người con làng Chóa cho biết: “Chính xác làng có từ bao giờ thì không ai biết. Chỉ biết trong làng có một ngôi đền cổ rất linh thiêng được nhân dân thờ phụng suốt đời này sang đời khác. Ngôi đền là báu vật của làng Chóa gắn liền với lịch sử, tín ngưỡng, đời sống, phong tục tập quán ở đây”.
 
Đền Chóa - ngôi đền cổ kính, linh thiêng lưu giữ nhiều giá trị tâm linh của làng Chân Lạc.
 
 
Trên đường đến đền Chóa, anh Long kể cho chúng tôi về truyền thuyết Bà chúa Dâu tằm. Tương truyền, bà vốn là công chúa con vua Thủy tề. Khi du ngoạn dọc theo dòng sông Cầu thấy người dân lam lũ cực nhọc, Bà đã truyền dạy lại nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Để tưởng nhớ công lao, ân đức của Bà dân làng đã lập đền thờ tại đúng vị trí Bà đã hóa về trời. Trải qua bao biến thiên lịch sử, đến giờ ngôi đền vẫn còn đó, tọa lạc trên một khu đất cao giữa làng, trước mặt là hồ bán nguyệt rộng lớn ngát hương sen. Kiến trúc đền gồm nhà tiền tế, đền trung và đền thượng được xây dựng theo kiểu 3 gian 2 chái, mái ngói đao cong cổ kính, thâm nghiêm.
Trò chuyện với hai ông Đám trông coi đền được biết hàng năm dân làng đều bầu ra hai vị cao niên đầy đủ phúc đức để chăm lo việc hương khói, thờ phụng trong đền. Chỉ có ông Đám mới được vào đền thượng làm lễ thắp nhang, người thường phải bái vọng từ bên ngoài. Ông Đám Nguyễn Duy Bình cho biết: “Chúng tôi phải ăn chay trường, không được rời đền nửa bước. Nhà có ma chay, hiếu hỉ cũng không được về. Những điều mắt thấy trong đền thượng phải sống để bụng chết mang theo chứ không được nói với ai. Bao đời này không ai dám làm trái”. Cũng theo lời ông Bình đền còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý hiếm, nổi bật là 19 đạo sắc phong, 2 bia đá và một gáo đồng có từ thời Đinh. Tất cả đều là bảo vật của làng, được gìn giữ, cẩn thận.
 
Cây sanh cổ thụ mọc trùm lên miếu Hạ Mã ven hồ bán nguyệt.
 
 
Liền kề với đền Chóa là đình và chùa làng. Cả hai được xây dựng từ cách đây hàng trăm năm và vẫn giữ được những đường nét kiến trúc cổ hài hòa với không gian làng quê yên bình. Bao quanh cụm di tích lịch sử độc đáo này là rất nhiều cây cổ thụ tỏa bóng rợp mát. Ấn tượng nhất phải kể đến cây sưa 150 tuổi phía trước đền Chóa. Thân cây sù sì, hơn một vòng tay người ôm, tán cây rậm rạp vươn cao che chắn cho ngôi đền khỏi ánh nắng mặt trời chiếu gắt. Ngay cạnh cây sưa là cây cọ và cây lim vang cũng có tuổi đời tương tự. Đặc biệt cây sanh trồng ven hồ bán nguyệt ngay lối dẫn vào đền còn mọc trùm lên một ngôi miếu nhỏ, phải vạch đám rễ rủ lòa xòa phía trước mới nhìn thấy bức tường miếu cổ kính Anh Long tự hào cho biết: “Từ thời ông bà, cụ kỵ đến giờ đã thấy cây mọc ở đây rồi. Dân làng coi những cây cổ thụ này là cây thiêng, không ai dám xâm hại. Ngày oi bức mọi người tụ họp dưới bóng cây hóng mát. Những người đi xa trở về nhìn thấy bóng cây là biết mình đã về đến nhà.”
Ngồi nghỉ chân bên quán nước dưới gốc cổ thụ, trò chuyện với những người dân hồn hậu, chân chất mới thấy hết vẻ đẹp bình dị ở nơi đây. Đâu đó vang lên tiếng cười đùa của lũ trẻ chăn trâu nghịch ngợm. Bấy nhiêu cũng đủ để nhớ về một miền ký ức xa xăm, đậm đà tình quê hồn Việt.
Thương Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét