(iHay) Do được chế biến từ 3 loại nguyên liệu chính, gồm đậu phộng, đậu xanh và gạo nếp nên người ta gọi là đậu ba.
Đậu ba phết lá hẹ - Ảnh: Ngô Mã Thiên |
Trước khi chế biến, đem đậu
xanh, gạo ngâm nước, còn đậu phộng thì giã nhuyễn. Trộn chung 3 nguyên
liệu này với nhau rồi xay thành bột. Sau đó, bắc một cái nồi lớn lên
bếp, cho bột đã xay vào, đun lửa, dùng 2 chiếc đũa bếp bằng tre dáo bột
liên tục cho đến khi bột chín, keo lại rồi nhắc xuống. Cách dáo bột làm
đậu ba cũng giống như cách dáo bột để gói bánh nậm.
Cắt lá chuối xanh phủ lên
cái trẹt hoặc cái mâm một lớp để đổ bột đậu chín vào. Để bột đậu không
dính lá chuối, quết lên lá chuối một lớp dầu ăn. Khi đổ bột ra nên dùng
chiếc đũa bếp cào đều mặt bột sao cho bột đậu vừa trải đều vừa có độ dày
cỡ 6-7 cm. Chờ khi bột đậu ba đã nguội, dùng dao cắt ngang, cắt dọc
thành từng miếng cỡ miếng đậu phụ, có hình vuông hoặc hình chữ nhật.
Đậu ba có thể đem chiên
hoặc dùng để kho với thịt heo, đều ăn rất ngon. Tuy nhiên, giới sành ăn
thường ăn đậu ba nguyên chất kết hợp với gia vị là lá hẹ đã phi dầu.
Từng miếng đậu ba được xếp đều lên đĩa. Phi dầu ăn, cho lá hẹ băm nhỏ
vào chảo dầu, đảo nhanh rồi nhấc ra khỏi bếp. Dùng muỗng múc gia vị này
phết lên từng miếng đậu ba. Ăn cách này thường chấm với chén muối mè
hoặc chén nước mắm ớt, chanh, tỏi.
Đậu ba ăn rất dẻo, có mùi thơm quyến rũ và thường được chế biến để đãi cả nhà sau những mùa vụ thu hoạch đậu nhọc nhằn vất vả.
Ngô Mã Thiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét