Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Lễ hội tung hoa ở nghè Ngũ Giáp

(BG)-Nghè Ngũ Giáp nằm ở phía tây nam của xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang). Đây là công trình kiến trúc có quy mô lớn, bề thế như nhiều ngôi đình ở các làng quê khác, tọa lạc trên một khu đất rộng ở ngã ba đường vào thôn: Mai Trung, Mai Thượng và Thắng Lợi của xã Mai Đình.
Một góc nghè Ngũ Giáp.
Xung quanh nghè là những cây xanh tán lá xum xuê, quanh năm xanh mát. Tổng thể nghè Ngũ Giáp gồm: Nghi môn, hồ bán nguyệt, sân nghè, tiền tế, trung đường và hậu cung. Bên trong hậu cung có các đồ thờ tự như: hai pho tượng thành hoàng, bát hương, khay thờ, giá đài, đài thờ, linh vật (quy, rồng) của thuyền bơi để tổ chức lễ hội bơi trải nổi tiếng của làng Tiếu Mai…
Nghè Ngũ Giáp là nghè của 5 giáp trước đây ở làng Mai, đó là các giáp: Đông Trước, Đông Nam, Tây Trước, Trung Xôn và Bắc Tuyền. Tại đây còn có lễ hội tung hoa nổi tiếng khắp vùng Bắc Ninh - Bắc Giang thuộc khu vực tả, hữu sông Như Nguyệt. Hội lệ mùng 2-2 (còn gọi là hội nghè Ngũ Giáp hay là lễ hội tung hoa). Trước đó 3 ngày, từ ngày 30-1 âm lịch, dân làng tổ chức mở cửa đình, nghè và làm lễ yết cáo thành hoàng làng. Nét đặc sắc trong lễ hội tung hoa chính là lễ tung hoa tại sân đình. Mỗi giáp cử ra một người tung hoa, gọi là phát lộc. Nguồn gốc của lễ này được bà con truyền kể như sau: Thánh Trương Kiều là con trai thứ tư của Đức thánh Tam Giang, khi còn nhỏ tuổi, ngài rất thích trò tung hoa. Sau khi ngài tuẫn tiết, nhân dân trong vùng  đã tổ chức lễ tung hoa để tưởng nhớ. Hoa ở đây là những thanh bánh dày được cắt nhỏ có chiều dài khoảng 3 cm, dày 0,5 cm, nhuộm hai màu đỏ và vàng. Sáng mồng 2-2 âm lịch, sau khi tế thánh ở nghè, cụ thượng đọc bài văn giao hoa. Sau đó cụ thượng đánh một hồi ba tiếng trống thì hoa được tung lên khắp nơi trong khu vực nghè. Không khí ở nghè Ngũ Giáp lúc này vô cùng sôi động, hàng trăm, hàng ngàn người chen lấn, xô đẩy, reo hò và tranh cướp hoa. Dân làng quan niệm, mọi người dự hội ai nhặt được hoa thì đó là điều vô cùng may mắn, bông hoa được tung lên sau khi tế thánh chính là lộc của thánh ban phát…
Nghè Ngũ Giáp là công trình văn hóa tín ngưỡng cổ, được xây dựng từ lâu đời, qua nhiều lần trùng tu, tu sửa nghè Ngũ Giáp vẫn còn lưu giữ được nhiều nét cổ kính, hệ thống kiến trúc và các cổ vật từ xa xưa. Hiện nay, công trình kiến trúc (tiền tế và hậu cung) của nghè Ngũ Giáp vẫn còn giữ được bộ khung kiến trúc mang phong cách tạo dựng thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Qua các cấu kiện kiến trúc đã phản ánh rõ nét phong cách nghệ thuật kiến trúc của thời kỳ này.
Trong nghè hiện còn lưu giữ được hai tượng thành hoàng làng, một đạo sắc niên hiệu Chiêu Thống nguyên niên (năm 1786), một quả chuông đồng đúc năm Tự Đức thứ 4 (năm 1851), hệ thống cổ vật bằng gỗ…Đây là những hiện vật có giá trị lịch sử - văn hoá. Nghè Ngũ Giáp được thiết kế theo kiểu bình đồ kiến trúc hình chữ tam-kiểu thức kiến trúc độc đáo mà hiện nay trên đất Hiệp Hoà nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung còn rất ít nơi bảo lưu được. Quy mô kiến trúc bề thế và có dáng vẻ cổ kính như nhiều công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng khác xét cả về phương diện diện tích và kết cấu mặt bằng kiến trúc. Nghè thờ thành hoàng làng là đức Trương Kiều, con trai của Trương Hống trong tín ngưỡng thờ thánh Tam Giang. Trong hệ thống trên 325 cửa đình, đền, nghè… thờ thánh Tam Giang thì chỉ có số ít các di tích thờ vị thành hoàng này. Nghệ thuật chạm khắc trên kiến trúc gỗ của nghè chủ yếu được thể hiện trên bộ khung chịu lực làm bằng gỗ lim chắc khỏe ở tòa tiền tế. Tại các cấu kiện kiến trúc gỗ này, các nghệ nhân chủ yếu tạo thành những đường gờ chạy quanh, được soi gờ, kẻ chỉ, bào trơn, đóng bén cẩn thận. Mảng tinh tế nhất trong nghệ thuật chạm khắc của nghè được thể hiện tại các con rường, các bức cốn mê…Trên các mảng trang trí ở các đấu kê và các vì kèo, con rường vẫn được tạo thành những thể khối to, mập, với những đường họa tiết hoa văn trang trí đường diềm chạy bo quanh, thể hiện sự kế thừa của phong cách nghệ thuật tạo dựng thời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỷ XVII - XVIII).
Nghè Ngũ Giáp là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân quanh xã Mai Đình. Di tích có ý nghĩa về mặt giáo dục truyền thống và nghiên cứu văn hóa, khoa học và lịch sử.
Khuê Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét