(BG)-Đền Vua Bà còn được gọi là đền bà Cả Đỏ, thuộc thôn Dưới, xã
Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, cách TP Bắc Giang khoảng 18 km về phía đông.
Theo các cụ cao niên trong thôn kể lại, đền Vua Bà được xây dựng từ
thời Lê để tôn thờ một liệt nữ có nhiều công trạng trong cuộc kháng
chiến chống quân xâm lược phương Bắc.
Một góc đền Vua Bà.
|
Trước đây, ngôi đền to đẹp, tọa trên một khu
đất cao ráo, thoáng đãng, mặt nhìn ra hướng tây. Đền được xây theo bình
đồ kiến trúc kiểu chữ công, trước cửa đền có một khuôn viên rộng lớn
xung quanh trồng nhiều cây nhãn quanh năm xanh tốt, nhân dân trong vùng
thường họp chợ tại vườn. Năm 1947, giặc Pháp càn quét vào làng, phá bỏ
ngôi đền, sau này nhân dân địa phương hưng công xây dựng lại ngôi đền có
kết cấu kiểu chữ nhất, bên trong đền có treo đôi hoành phi, câu đối
ngợi ca công đức của Vua Bà. Hoành phi: "Trị gia phụ quốc" và cặp câu
đối: Muôn thuở nhân dân đền đáp nghĩa, Ngàn đời tổ quốc khắc ghi công.
Đền Vua Bà, nơi thờ bà Cả Đỏ, là người có công lao
lớn trong việc đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập dân tộc. Trong lịch sử
Đảng bộ huyện Yên Dũng có ghi: "…ở làng Cảnh Thụy, có người tên là Đỏ
làm nghề chài lưới đã lập công trong việc dò binh tìm quân địch, để cung
cấp cho nghĩa quân…Sau này mất được thờ ở Cảnh Thụy gọi là đền bà Cả
Đỏ". Trong dân gian còn lưu truyền bà Cả Đỏ có nhiều công lao quyên
lương, cung cấp lương thực giúp nghĩa quân đánh giặc, là nơi đặt kho
lương mễ. Tục truyền xưa kia bà Cả Đỏ thường tiếp tế gạo cho quân lính
nhà Trần, từ căn cứ Kiếp Bạc về đóng tại làng Ổ Cá, làng Cảnh Thụy… Hiện
nay tại các địa phương này vẫn còn có nhiều địa danh liên quan đến
truyền thuyết bà Cả Đỏ như khu Vườn Voi xưa là bãi để luyện voi của
nghĩa quân và cũng là nơi voi nghỉ, nay địa điểm này thuộc thôn Bình
Voi, còn mễ - gạo năm xưa bà Cả Đỏ quyên được nay có địa danh là Ao
Gạo…Ngoài ra, trong quá trình lao động sản xuất, người dân địa phương đã
phát hiện được nhiều hiện vật, bát đĩa thời Trần, trước đây nhân dân
phát hiện được đem để trưng bày tại nhà truyền thống xã.
Bà Cả Đỏ - một người có nhiều công lao to lớn trong
việc giúp quân tướng nhà Trần đánh giặc phương Bắc, khi thác nhân dân
ghi ơn bà lập nên một ngôi đền khang trang để thờ phụng. Lệ hội đền Vua
Bà được tổ chức vào ngày 13 tháng 8 âm lịch hàng năm, là trung tâm sinh
hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Đền Vua Bà hợp với quần
thể núi Vua Bà sẽ là điểm đến du sơn, du thủy, hành hương vãn cảnh. Với
những giá trị tiêu biểu trên, đền Vua Bà được UBND tỉnh xếp hạng di
tích Lịch sử - Văn hóa năm 2005.
Khuê Văn
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét