Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Mùa bông điên điển vàng

Hàng năm cứ tới mùa nước nổi là bông điên điển lại trổ vàng đồng.

“Điên điển trên bờ ruộng trổ hoa
 Vàng soi đáy nước, tóc buông xòa
 Chàng trai ve vãn “Chờ em nhé!”
 Lố dạng trời hồng, em sẽ qua?”
TTO - Đó là 4 câu thơ vừa tả cảnh vừa tả tình thật lãng mạn của cụ Vương Hồng Sển. Cũng là một loài bông mộc mạc, đơn sơ và thuần khiết như bao loài bông khác, nhưng bông điên điển có một ý nghĩa vô cùng thâm thúy. Nó vừa là là hoa, vừa là thức ăn, vừa là món bánh dâng lên các sư sãi.
Hái bông điên điển mùa nước nổi - Ảnh: Hoài Vũ
Theo tín ngưỡng người Khmer, hàng năm bà con đều làm chay cầu siêu cho tổ tiên hoặc các vong hồn chết oan chết ức. Vào các ngày ấy, từ sáng sớm các vị sư sãi đã ra đồng tìm những mồ mả xiêu lạc để đọc kinh cầu nguyện. Theo phép nhà Phật, các vị sư chỉ dùng cơm được một thời duy nhất. Chính vì vậy các thiếu nữ và trinh nữ trong làng mới giúp các sư một bữa ăn gọi là “làm phước”.
Bông điên điển có tên khoa học là Sesbania Sesban, họ đậu Fabaceae. Người Khmer gợi bông điên điển là Snor. Kinh “Xà No” ở Hậu Giang là biến thể của tiếng Khmer “Snor” vì xưa kia vùng nầy điên điển mọc rất nhiều nên mới gọi là Xà No.
Các cô gái ấy dùng xuồng ba lá, cứ hai cô một xuồng bơi ra giữa đồng tìm các cây điên điển có nhiều bông để dừng lại làm bánh. Các cô chọn những nhánh hoa tươi, đẹp rồi kéo xuống nhúng các chùm bông điên điển vào vịm bột đã chuẩn bị sẵn. Sau đó kéo chùm bông sang chảo mỡ nóng để chiên cho chín vàng. Xong, họ buông nhẹ nhánh hoa trở về vị trí cũ. Bánh đó gọi là bánh treo trên cành làm bằng bông điên điển để dâng cho các sư sãi (*).
Tục lệ ấy đã đi vào huyền thoại và nay đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực người Khmer. Hiện nay một vài địa phương, người Khmer vẫn còn làm loại bánh bông điên điển. Đó là loại bánh làm bằng bột gạo, đường, hột vịt và bông điên điển. Các thứ hòa trộn vào nhau rồi đem chiên với mỡ vừa thơm ngon, vừa giòn béo.
Cụ Vương Hồng Sển đã từng ăn món bánh nầy do mẹ làm trong suốt tuổi thơ. Cụ khen nức nở: “Điên điển đúng mùa thì đơm bông kết trái, cái bông vàng tươi đẹp hơ hớ như cô gái Miên tân, bánh điên điển ngon không chỗ chê”.
Bông điên điển mới hái - Ảnh: Hoài Vũ
Vào những ngày tháng 8 nầy nếu có dịp về Đồng Tháp, An Giang bạn sẽ được thưởng thức hàng chục món ăn được chế biến từ bông điên điển như canh chua bông điên điển, bánh xèo bông điên điển, gỏi bông điên điển, bông điên điển chấm mắm kho, chấm nước cá, bông điên điển xào hoặc ăn kèm với bún cá, bún riêu cua, bún nước lèo…
Ngoài ra còn có một món ăn khoái khẩu đó là dưa chua bông điên điển. Vì ngon và hấp dẫn nên dân gian mới có câu:
“Điên điển mà đem muối chua
 Ăn kèm cá nướng đến vua cũng thèm”
Bông điên điển rất ngon, mùi vị cũng rất riêng, lại là một món ăn mang nhiều ký ức và hoài niệm đối với người dân vùng lũ lụt. Muốn ăn tươi hoặc nấu chín, sau khi mua về chúng ta lựa bỏ những bông khô héo rồi ngâm với nước muối loảng độ 10 phút cho sâu bọ nổi lên, nếu có. Xong, vớt ra để ráo nước trước khi chế biến. Món ăn đơn sơ và mộc mạc nhất hiện nay là xào thịt - tép, làm gỏi và ăn kèm với bún cá. 
Thường nguời ta hái bông điên điển vào buổi chiều, trời chạng vạng vì lúc đó bông vừa mới hé nhụy, tươi ngon. Nếu hái vào buổi sáng hoa nở tròn đầy, ong bướm đã lấy mật không còn tinh túy nữa.
Có một truyền thuyết kể rằng, ngày xửa ngày xưa, khi thần hoa điên điển bắt gặp thần bướm bay qua bay lại toan hút mật. Thần bông điên điển mới nghĩ cách hẹn thần bướm sáng mai mặt trời mọc hãy đến hút để cho hoa thêm lớn thêm xinh. Thần bướm nghe lời. Ngay lúc đó, thần bông điên điển liền báo mộng cho các cô gái mau đến hái trước khi mặt trời mọc. Thần bướm đến trễ tức giận nên đẻ trứng vào bông, trứng nở ra thành sâu.
Bông điên điển xào thịt - tép - Ảnh: Hoài Vũ
Bún cá bông điên điển - Ảnh: Hoài Vũ
Ngày nay bông điên điển không những trở thành một thực đơn quen thuộc trong các nhà hàng, quán ăn bình dân mà còn đi vào thơ ca một cách đậm đà và thi vị:
“Xa xăm nơi đất bưng biền
 Ăn bông mà điên điển
 Nghiêng mình nhớ đất quê
 Chồng xa em khó mà về …”
(Lời bài hát “Bông điên điển” của Hà Phương)
Hay câu ca dao:
“Canh chua điên điển cá linh
 Ăn chỉ một mình ăn chẳng biết ngon”.
HOÀI VŨ
(*) Theo “Tạp bút năm Nhâm Thìn” của cụ Vương Hồng Sển - NXB Trẻ 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét