Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Nghề cổ ở làng biển


Làng biển Thanh Bình (Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình) hiện vẫn còn ẩn trong đó những kỹ năng khai thác thủy hải sản thô sơ nhất. Họ dùng lá tre làm mồi nhử cá một cách cổ xưa. Lạ hơn nữa, ngư dân ở đây từng làm diều để bắt cá mấy trăm năm có lẻ, mồi câu mực của họ là lông cò, lông vịt, lông chim... Chúng tôi tìm về làng biển này để tận nghe, tận thấy một trong những độc chiêu sinh tồn hiếm có bên bờ biển Đông.
Nghề kéo lưới gần bờ cổ xưa ở Thanh Bình.
Tạ cá cách bờ trăm mét
Thôn Thanh Bình nằm khép nép dưới chân rú cát cuồn cuộn bên bờ biển Đông. Làng hướng mặt nhìn lên núi cao, lưng tựa vào cơ man cát trắng. Cả làng có nhỉn hơn 60 chiếc thuyền đánh lộng gần bờ. Cho đến nay, hầu như khắp các làng biển Việt Nam đã không còn duy trì nghề cổ xưa đánh bắt cách bờ 100m nữa, các làng biển đã vươn khơi ra đến Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng mảnh làng nhỏ bé này vẫn thu mình với các nghề thủ công nặng nhọc trước vô biên sóng vỗ ào ạt réo rắt đất làng.
Ông Dương Thanh Sơn (58 tuổi) vẫn theo nghề lưới tủ của tổ tiên truyền lại từ hơn 400 năm trước. Chỉ khác, ông nhỉnh hơn ngư dân trong làng là vay được mấy triệu đồng sắm cái máy không phải chèo tay. Chiếc thuyền gỗ 20CV của ông đủ sức đương đầu với mấy con sóng cách bờ chừng một hải lý, nhưng theo ông chưa bao giờ đi biển xa như thế, chỉ bám lộng như cha ông trước đây.
Chiều nay cũng như chiều hôm qua, y hệt những buổi chiều con nước thanh bình, ông cùng 20 bạn chài khác khiêng lưới xuống thuyền, ra biển. Ngôn ngữ riêng làng biển gọi là nghề lưới tủ, họ chạy thuyền cách bờ chưa đến 100m, lưới được thả xuống, những trai đinh trên bờ bắt đầu thu lưới với 2 hàng dây đứng chéo nhau, già có, trẻ có. Người già nhất 80 tuổi vẫn ra biển mưu sinh. Mẻ lưới thả xuống chừng 45 phút, mọi người bắt đầu hô hầy kéo lưới. Họ dũi chân trên cát trắng, cật lực kéo tấm lưới nặng trịch, ở hông mỗi người kéo có cái lẩy niềng cột vào dây lưới.
Ông Sơn giải thích: “Đó là cách giữ cho lưới không bị sóng cuốn, cũng để giữ sức cho người kéo không bị chùng chằng qua lại mà cố định mỗi chỗ trên dây”. Những người kéo trên bờ lúc đầu đứng sát mép nước, một giờ sau họ đã nhích sâu trong bãi, lưới thu lên, phía trong có chừng 50kg cá các loại. Chủ yếu là cá nhỏ, ít mực, ít cá hố, ít cá đuối, còn lại cá trích ve, cá sơn nhiều ê hề. Theo ông Sơn: “Ngày xưa người ta gọi đây là cá long hội, nói trại là “lôi họng” vì xương. Ngày nay nó được ưa chuộng khi nấu tươi với xơ mít muối, vì cá này không ngâm tẩm bất cứ thứ gì, kéo lên được mua hết sạch, bán trong làng”.
Một ngày biển kéo lưới như thế chừng 4 lần, sáng 2 lần trước lúc bình minh, chiều 2 lần trước lúc hoàng hôn. Ông Sơn cho biết, ngày tốt thu được 2 tạ cá lông hội, bình thường bán mỗi ký 10.000 đồng, tổng thu được 2 triệu đồng, chia đều cho 20 người, mỗi người được 100.000 đồng. Có ngày ít, mỗi người chỉ được chia 10.000 đồng. Mùa đánh bắt được 6 tháng, 6 tháng còn lại nghỉ ngơi vì gió mùa. Làng biển bãi ngang nhỏ bé Thanh Bình chỉ đắp đổi qua ngày như thế.
Nghề cổ xưa
Một người bạn gốc gác làng Thanh Bình, xa xứ mưu sinh, kể với tôi, ngôi làng ấy có nghề biển cổ xưa dùng lá tre để câu cá, những ngư dân điêu luyện từng một thời lấy lá cọ phơi khô làm diều, ra trước biển làng thả dây diều bắt cá như một sự kỳ tài hiếm gặp. Họ còn dùng lông gà, lông chim hoặc lông vịt để câu mực rất độc đáo.
Tôi muốn tiếp cận nghề cổ xưa đó, bởi tôi e rằng rồi chẳng bao lâu nó sẽ trở thành dĩ vãng giữa ánh sáng văn minh hiện đại. Cũng vì đó là một trong những kỹ năng sinh tồn và đánh bắt trên biển hết sức thông minh và kỳ công. Việc tạo ra công cụ uyển chuyển với sóng nước là một kỳ tích của tư duy cũng như đó là bảo chứng tuyệt vời của kinh nghiệm sống, dễ gì bắt gặp được hôm nay. Nhưng quả thật, bao nhiêu trí nhớ của người làng biển Thanh Bình về nghề cổ xưa này dường như đã hoài công. Nó thực sự không còn duy trì cho đến hôm nay. Kỹ năng tuyệt vời đó chỉ còn dáng dấp qua lời kể từ một số người già và một số ngư dân sừng sỏ.
Ông Sơn là một ví dụ, ông còn nhớ, thuở nhỏ, ông chứng kiến ông nội mình làm diều để bắt cá đuối hoặc cá hố gần bờ và cả lá tre để câu cá kim mỏ dài. Thời đó lâu lắm, theo những gì ông còn nhớ lại, cá vùng lộng còn nhiều, các phương pháp đánh bắt đều thủ công, nên chỉ cần lặn biển gần bờ đã đưa được cá lên để đổi gạo qua ngày. Không hề có máy móc hiện đại, không thuốc nổ tận diệt, cá cứ sinh sôi, người làng biển chỉ thành thạo chèo thuyền đã áp dụng được cách câu cá bằng lá tre hoặc bắt cá bằng diều.
Ông Sơn trình diễn lại việc dùng lá tre làm mồi câu cá, hai lá tre ốp lại, móc câu ở giữa, lúc xuống nước lá tre đu đưa như con cá nhỏ nhử cá lớn.
Ông Sơn kể: “Lá cọ ngày xưa và cả ngày nay ở làng biển không có, phải lên vùng miền núi Tuyên Hóa tìm mua, về phơi khô, thấm nước cho khỏi rách và khỏi giòn. Mỗi lá cọ to như thế còn chặt khung tre căng ra làm diều, người ngồi trên mảng cứ thế thả diều, một sợi dây buộc từ dây diều xuống mảng để cố định cho diều bay, dây nối từ diều được cột câu và mồi thả xuống biển, rồi người trên mảng cứ chèo đi, đàn cá bơi dưới đó thấy mồi chuyển động chúng lao vào và cắn câu”. Mỗi lần cá cắn câu, người ngồi mảng lại buông hờ sợi dây trên mảng, diều bay phật lên, cá mắc câu. Trí nhớ của ông Sơn lúc nhỏ còn sót lại rằng: “Có khi là cá đuối, có khi cá hố đến mấy ký mỗi con, nhưng có khi cũng chỉ bắt được cá nhỏ”. Chính vì không đưa lại năng suất đánh bắt, khiến cách câu thủ công này khuất dần theo thời gian và chỉ còn tồn tại qua lời kể. Tôi đề nghị ông có thể tái diễn nó được không, ông buông lời thở dài: “Phải lên núi xa kiếm lá cọ về phơi khô, mất công quá”.
Ông chỉ có thể làm mồi câu từ lá tre, bởi cây dễ tìm, lá không quá hiếm. Chiếc lá tre bao đời nay chỉ có công dụng nấu bếp một thời với nhà nông nhưng người làng biển biết dùng để làm mồi câu. Hai chiếc lá tre gần đồng đều, ông buộc cuống lá vào nhau, ở giữa là chiếc câu nhỏ, lá tre khi khép vào, nhìn xa chẳng khác gì mồi ngon cho cá biển.
Tái diễn lại cách câu thủ công làm tôi hồi tưởng những ngư dân đi câu mực vẫn dùng mồi là con tôm cao su sặc sỡ để đánh lừa ánh nhìn của loài mực nhút nhát. Và như khơi lại quá khứ, ông Sơn cùng các ngư dân làng kể thêm, ngày trước họ dùng lông chim, lông gà trống, lông cò buộc lại ở câu chùm rồi đi câu mực, bởi mực thích những thứ lóng lánh, huyền ảo. Ngày nay thì câu bằng lá tre hay dùng diều bắt cá, câu mực bằng lông chim hoặc lông gà đã biến mất. Cũng bởi nhu cầu năng lượng của người dân ngày càng cao, không thể dùng lá tre để câu từng con mà phải có công cụ kéo hàng cây số để vây từng đán cá lớn, khiến nghề câu cổ xưa biến mất.
Thật ra, tôi không hoài cổ khi nghề câu bằng diều và lá tre, hoặc câu bằng lông vũ biến mất, nó là điều tất yếu để đi tới những kỹ năng hiện đại của máy móc và lưới lớn.
Nghề biển cổ xưa nay chỉ còn trong tiềm thức, nhưng nó là minh chứng cho trí tuệ cha ông là quả cảm, đã vượt qua các khắc nghiệt bằng chiếc lá bé bỏng hay chiếc lông mềm mại của tự nhiên để duy trì sự sống cho hậu thế tiếp diễn cảm hứng sống hiện đại hôm nay.
MINH PHONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét