Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Ngôi chùa cổ bên sông Cầu

BGĐT)-Cẩm Xuyên - ngôi làng cổ thuộc xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng - là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hoá truyền thống phong phú, có giá trị. Trong số đó có ngôi chùa Cẩm Xuyên vừa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Phía trước chùa Cẩm Xuyên.
Các cụ cao niên trong làng cho biết, chùa Cẩm Xuyên có lịch sử từ lâu đời. Xưa kia chùa được xây dựng trên một khu đất rộng, theo bình đồ kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc. Phía trước chùa là tam quan được xây dựng theo lối kiến trúc chồng diêm hai tầng 8 mái, tầng trên có đặt một quả chuông đồng cổ.
Tam bảo và nhà tổ có kiến trúc kiểu chữ nhất dọc gồm 7 gian hai chái. Hai bên là hai dãy hành lang. Tất cả tạo thành một bố cục kiến trúc liên hoàn độc đáo. Các cấu kiện kiến trúc đều được làm bằng gỗ lim và gỗ tứ thiết bền chắc, chạm khắc cầu kỳ. Trong chùa có 28 pho tượng Phật cổ bằng gỗ mít và nhiều tài liệu, hiện vật khác có giá trị.
Trải qua thời gian và chiến tranh, đặc biệt trong kháng chiến chống thực dân khoảng những năm 1950-1951, thực dân Pháp đã nhiều lần bắn đại bác vào phá huỷ di tích. Những năm gần đây, chùa Cẩm Xuyên đã được chính quyền và nhân dân địa phương tu bổ, tôn tạo thêm khang trang, bề thế.
Chùa Cẩm Xuyên hiện nay có bình đồ kiến trúc kiểu tiền công hậu nhất gồm tam bảo và nhà tổ. Tam bảo được xây dựng theo lối chữ công gồm toà tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Kết cấu chịu lực bên trong tam bảo được làm bằng gỗ lim chắc khoẻ, trên các con chồng, đấu kê, kẻ suốt được chạm nổi hoa văn lá cúc lật độc đáo.
Nhà tổ có bình đồ kiến trúc kiểu chữ nhất gồm 7 gian, tường xây bằng gạch chỉ, phủ vữa, quét vôi trắng. Đầu bờ dải được xây giật cấp kiểu tam sơn để nối với cột đồng trụ ở hai bên. Kết cấu chịu lực bên trong nhà tổ được làm bằng gỗ lim và gỗ nhóm 4, tạo bởi 8 vì, mỗi vì 5 hàng chân cột. Trên các con chồng, đấu kê được chạm nổi hình lá cúc lật và hình chữ thọ cách điệu.
Chùa Cẩm Xuyên ngoài những giá trị to lớn về văn hoá vật thể, còn là nơi bảo tồn được những nét văn hoá phi vật thể độc đáo- đó là lễ hội truyền thống. Hằng năm, từ ngày 15 đến 17 tháng Giêng nhân dân địa phương tổ chức lễ hội tại chùa. Trong ngày hội, ngoài những nghi thức rước và dâng lễ cúng Phật, dân làng còn tổ chức các trò chơi dân gian đặc sắc: Kéo co, vật, chọi gà…
Quốc Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét