(BGĐT)-Trong đời sống văn hoá tinh thần của người Việt, đình làng
không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của cộng đồng làng
xã, mà còn là nơi nuôi dưỡng, bảo tồn những giá trị lịch sử - văn hoá,
kiến trúc - nghệ thuật, thể hiện cái nhìn về nhân sinh quan và vũ trụ
cũng như những khao khát và ước vọng sống mang tâm hồn và hơi thở của
thời đại. Đình làng Ninh Động xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) là
một trong những công trình kiến trúc như vậy.
Phía trước đình Ninh Động. Ảnh tư liệu
|
Đình Ninh Động là một công trình kiến trúc
liên hoàn bao gồm toà tiền đình nối với hậu cung bởi ba gian ống muống
tạo cho đình có bình đồ kiến trúc theo lối chữ công. Phía trước đình là
khoảng sân gạch rộng. Sân nối với tiền đình bởi hệ thống bậc tam cấp.
Toà tiền đình được tạo bởi 5 gian, 2 mái, tường xây gạch, mái lợp ngói
mũi, bờ nóc, bờ chảy xây gạch ngoài phủ vữa, soi gờ. Hai đầu bờ nóc đắp
nổi hai con kìm. Chính giữa bờ nóc đắp nổi trang trí hình lưỡng long
chầu nhật. Phía trước hồi xây dật cấp để nối với trụ biểu-cột đồng trụ ở
hai bên.
Trên đỉnh cột đồng trụ có đắp hình con nghê, thân
khắc chữ Hán với nội dung ca ngợi cảnh đẹp của di tích. Phía trước toà
tiền đình trổ hai ô cửa sổ hình chữ thọ cách điệu. Tiền đình gồm một cửa
chính được đóng theo cửa bức bàn và hai cửa phụ được đóng theo kiểu
thượng song hạ bản. Kết cấu chịu lực bên trong toà tiền đình được tạo
bởi 6 vì, mỗi vì 4 hàng chân cột. Sáu vì được gắn kết theo kiểu thức con
chồng, đấu kê, tiền bẩy, hậu kẻ. Hệ thống vì nách của gian giữa tòa
tiền đình có hai kiểu thức: Kẻ ngồi và cốn.
Đặc biệt, gian giữa toà tiền đình các cốn vì nách và ở
các đầu dư được chạm khắc rồng, đao mác, vân mây, hoa lá mang đậm nét
kiến trúc đan xen của hai thời Lê (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ
XIX)...
Đình Ninh Động là nơi thờ Đức Thánh Tam Giang - vốn
là thuộc tướng của Triệu Quang Phục. Các ông đã phò vua giúp nước, có
nhiều công lao chống giặc Lương thế kỷ thứ VI. Khi hiển Thánh các ngài
còn âm phù giúp cho nhà Lý diệt giặc Tống, phù Lê đánh giặc Minh giúp
cho đất nước được bình yên, nhân dân đời đời no ấm. Hiện có hơn 300 làng
dọc theo sông Cầu từ "Thượng Đu Đuổi, chí hạ Lục Đầu Giang" tôn các ông
làm Thành Hoàng làng, lập đền, đình thờ phụng trong đó có đình Ninh
Động.
Ngoài tư liệu Hán Nôm, đình Ninh Động còn lưu giữ
được một số hiện vật bằng gỗ thời Lê, Nguyễn như kiệu long đình, hậu
bành, lọ hương gỗ, ngựa thờ… Tất cả các hiện vật này đều được sơn thếp
vàng, chạm lộng với đề tài rồng, hổ phù, hoa lá cách điệu. Đây là nguồn
tư liệu vật chất gốc có giá trị nghiên cứu về lịch sử văn hoá, khoa học
của vùng đất Ninh Động qua các thời kỳ lịch sử.
Đình Ninh Động ngoài ý nghĩa to lớn về lịch sử còn là
trung tâm sinh hoạt văn hoá, nơi diễn ra lễ hội cổ truyền. Hằng năm,
nhân dân địa phương mở hội vào ngày mồng 4 tháng Giêng và ngày 13 tháng
Tám âm lịch. Trong ngày hội, dân làng thường tổ chức tế, ruớc long
trọng và các trò chơi dân gian đặc sắc như đấu vật, đập niêu, chọi gà…
Xét giá trị của di tích, UBND tỉnh Bắc Giang có quyết
định xếp hạng đình Ninh Động thuộc loại hình Di tích lịch sử - văn hoá
(Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 6 tháng 1 năm 2012).
Phương Vi
(Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang)
(Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét