Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Chốn thiêng Am Vãi

(BGĐT)-Hỡi ai đi gần về xa
Hội chùa Am Vãi tháng Ba nhớ về
Chùa Am Vãi mới được tu bổ, tôn tạo.
Con đường từ thị trấn Chũ đi xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được trải nhựa sạch sẽ, đến xã Nam Dương có một lối rẽ bên trái đường với tấm biển đề "Đường lên chùa Am Vãi". Theo lối đường rừng quanh co dưới những tán cây xanh tốt, chùa Am Vãi thấp thoáng hiện ra giữa rừng cây, tựa lưng vào núi Am Ni. Đứng ở sân chùa, phóng tầm mắt ra xung quanh thấy phía dưới là thung lũng, sông Chũ uốn lượn chảy qua những cánh đồng, vườn cây ăn quả trù phú, xa hơn nữa là dãy Yên Tử mờ xanh. Địa thế chùa tuyệt đẹp, khung cảnh hoang sơ, tĩnh lặng, không khí trong lành khiến những ai đến đây đều muốn lưu lại thật lâu để vãn cảnh và chiêm nghiệm sự linh thiêng của ngôi chùa hàng trăm năm tuổi.
Chùa Am Vãi thuộc địa bàn thôn Biểng, xã Nam Dương (Lục Ngạn). Trụ trì chùa hiện nay là nhà sư Thích Thanh Bình. Đưa chúng tôi đi thăm cảnh chùa, bà giới thiệu: Theo những gì được ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí và Lục Nam địa chí thì "chùa Am Vãi nằm trên đỉnh núi Am Vãi thuộc vòng cung Yên Tử cao hơn nghìn trượng... Truyền tích đây là nơi công chúa nhà Trần xuất giá tu hành". Một số tài liệu khác lại nhận định chùa Am Vãi nằm trong hệ thống chùa tháp được xây dựng từ thời Lý - Trần, cách đây cả nghìn năm, có mối liên hệ mật thiết với khu vực Yên Tử. 
Giếng Tiên và dấu chân Phật.
Đến thời nhà Nguyễn, chùa đã qua thời hưng thịnh, dần bị hoang phế. Những năm gần đây, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, chính quyền địa phương và ngành văn hóa đã đồng ý để người dân hưng công xây dựng lại chùa ngay trên nền cũ. Đến nay khu vực chùa đã hình thành hệ thống khá hoàn chỉnh, đặc biệt là các công trình kiến trúc do con người xây dựng đều gắn liền với những thắng cảnh tự nhiên.
Ngay trên đỉnh núi nhưng gần chùa có hai giếng nước, thực chất là hai dòng nước ngầm tuôn chảy không ngừng từ lòng núi. Hai giếng này không bao giờ cạn, nước trong vắt, du khách nào đến đây cũng đều kính cẩn xin uống một vài ngụm, lấy nước rửa mặt mũi chân tay với mong muốn thêm khỏe mạnh, may mắn. Cách đó không xa là tảng đá có hình dấu chân Tiên. Ngược núi đi lên phía trên, du khách cảm nhận rõ hơn sự giao hòa của đất trời, xen lẫn trong thảm cỏ là những loài cây bản địa hàng trăm năm tuổi, được thiên nhiên tạo tác thành những dáng, thế rất sinh động, lạ mắt.
Dấu tích hang Tiền, hang Gạo vẫn còn đây gắn với câu chuyện nhuốm màu thần thoại. Chuyện kể rằng trước đây chùa có một vị sư trụ trì, hàng ngày từ trong hang gạo, tiền chảy ra vừa đủ để nhà sư sống. Một ngày nọ chùa có khách đến chơi, vị sư liền khơi cho hang chảy thêm nhiều tiền, gạo. Vậy là từ đó hang không còn tiền, gạo nữa. Hiện nay, cửa hang đã bị bịt kín, nhưng vẫn là nơi được nhiều người tìm đến thắp hương. Ngay phía trên cửa hang là hình một con rùa đá khổng lồ, đầu nhô hẳn ra ngoài, người dân địa phương cho rằng thần linh đã trấn yểm rùa đá để bảo vệ kho báu trong hang Tiền, hang Gạo.
Nơi cao nhất của núi có bàn cờ tiên và dấu chân Phật. Sự tác động của tự nhiên qua hàng triệu năm đã hình thành một dấu chân khổng lồ hằn in trên tảng đá. Truyền thuyết kể rằng trên đường vân du, Đức Phật đã để lại dấu chân nơi này. Ngày nay những ai muốn cầu tự, sinh con khỏe mạnh đều cố gắng ướm chân mình vào dấu chân lạ thường đó. 
Tiềm năng để phát triển loại hình du lịch tâm linh, văn hóa, sinh thái ở khu vực chùa Am Vãi rất lớn, nếu gắn kết với tuyến Yên Tử thì càng mở rộng cơ hội để thu hút du khách. Hy vọng cùng với thời gian, nhiều người sẽ tìm đến Am Vãi để chiêm ngưỡng những gì thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây.
Khuê Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét