SGTT.VN - Người Vân Kiều ở tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình
có một nhân sinh quan chung thuỷ. Cuộc đời của họ sinh ra đã có tổ tiên
và phải làm ba lễ cúng. Nếu không thực hiện đúng những lễ tiết nơi vùng
đất hoang dã Trường Sơn, họ không được xem như những chiến binh Vân Kiều
thông minh hùng dũng và khi mất đi, họ sẽ không được qua ngõ Miếu
Giàng.
Một trong những lễ cúng của người Vân Kiều mừng con trai lớn tuổi.
|
Giỗ sống cho đứa con trai
Nếu người Kinh ở dưới dãy núi Trường Sơn định cư có tục
thờ người chết, thì người Vân Kiều ở trên những ngọn núi hùng vĩ lại có
tục thờ người sống hết sức kỳ lạ. Chỉ đến khi mất, cả con trai, con gái
mới được đi qua Miếu Giàng, gọi là Giềng Lampe, nơi ấy, các dòng họ của
bản làng được đưa hồn về đó cho Ma Xứ quản. Miếu được chọn là nơi của
một khu rừng mà bản gọi là thiêng, và tuổi của rừng thường lớn hơn những
người già nhất bản, phía đó không ai được chặt cây hay tỉa cành.
Già Hồ Xoan, sống bên kia dốc Ma Nang ở bản Lâm Ninh
(Trường Xuân, Quảng Ninh, Quảng Bình) kể: “Tục lệ của người Vân Kiều là
làm ba lễ cúng sống cho đứa con trai Vân Kiều. Khi mới đẻ, thằng bé được
cúng lễ Rặp chiết để rước hồn từ trời về, già làng buộc sợi chỉ đỏ vào
cổ tay, sợi chỉ được nhuộm từ cây cỏ máu trong rừng, nhằm mong cho nó có
cái sức để sống với rừng với bản, mong cho nó ngoan, khoẻ mạnh để cáng
đáng việc nhà khi lớn lên. Và gia đình lập một cái kệ thờ cho linh hồn
đứa bé ở sát mái nhà sàn, đó là chiếc giỏ tre đựng chén sứ với ba miếng
trầu rừng”.
Đứa con trai Vân Kiều khi lên tám tuổi, được thực hiện
một lễ cúng sống nữa, ấy là lễ Xana chiết, được hiểu là lễ mừng cái hồn
trên trời được phái vào nó từ nhỏ, lớn lên cùng với thể xác. Khi chàng
trai Vân Kiều được 18 tuổi, đủ sức dang rộng cánh tay như sải cánh đại
bàng, nó được làm lễ Rặp chămparơ. Đấy là một lễ quan trọng, thể hiện sự
trưởng thành của trai bản, có khả năng săn bắn, bảo vệ biên giới của
bản làng trước những muông thú. Lần này, cái bát thờ hồn trong giỏ tre
được đưa lên một bậc, thể hiện của tuổi trưởng thành.
Mỗi năm, gia đình của người con trai Vân Kiều phải tổ
chức ngày giỗ đã định vào đúng ngày 18.8 khi con trăng trên núi chếch về
phía tây, ngày mà thần linh của người Vân Kiều vẫn thường xuống bản
thăm nom linh hồn của đứa bé. Trong các lần đánh dấu sự kiện trọng đại
như lễ Rặp chiết, Xana chiết, Rặp chămparơ, già Hồ Xoan cho biết: “Bản
làng vui như hội, nhà của chàng trai phải mổ trâu, hoặc heo gà để đãi
đằng họ hàng, gia đình nào giàu thì mời cả bản, bởi con cái của họ đã
lớn mạnh như cánh chim đại bàng”. Và có bản còn đặt tên chàng trai Vân
Kiều trưởng thành những cái tên thân thuộc như: Ngón Chân Cái, Bàn Tay
Lớn, Người Sừng Bò, Gấu Lớn... tương tự như người da đỏ ở châu Mỹ gọi
tên các bộ lạc như: Sừng Lớn, Bàn Chân To, bộ tộc Gấu Xám...
Lửa của vị thần thông minh
Người Vân Kiều giữa mái Trường Sơn vẫn kể cho con cháu
của mình gốc tích về dòng giống của con người. Theo họ, khi trời đất
sinh ra chưa có con người, lửa là thứ ngự trị trên mặt đất như một vị
thần thông minh và mạnh mẽ, vui tính, nhưng có khi nóng giận.
Già Hồ Xoan kể: “Xưa lắm, khi mặt đất chưa có đất, chỉ
có sỏi và đá, thần lửa làm mọi thứ khô cháy, nên rất buồn. Ngài cầu xin
thần trời cho mặt đất có cái gì đó để ngài khỏi cô đơn. Một hôm, trời
nổi sấm, mây vần vũ, sau cơn mưa lớn, một khúc gỗ khổng lồ đã bị mục và
một con giun to lớn rơi xuống trái đất. Con giun đã ăn khúc gỗ mục. Nó
bắt đầu tiêu hoá và mặt đất tơi xốp được hình thành. Nhưng do nó ăn
không đều lớp gỗ mục và bài tiết không thường xuyên, đã để lại mặt đất
những đồi núi, khe suối, hầm hố khổng lồ. Khi đã có mặt đất, thần lửa
lại muốn có thêm sự sinh động của sự sống, nếu không, ngài sẽ đốt sạch
những gì con giun tạo ra, cho về lại sỏi đá. Nhà trời chiều lòng, một
quả bầu khổng lồ được rơi xuống. Trong quả bầu, con người bước ra, đủ
các màu da, đủ các màu sắc, họ đi về khắp nơi, khắp phía và tạo ra các
bản làng, các sắc tộc khác nhau. Quả bầu còn đựng trong nó nhiều hạt
giống khác nhau và được gió, nước mang đi, rồi phát triển thành màu xanh
của sự sống. Các khu rừng mọc lên, những giống loài phát triển. Trong
số những con người sinh sôi từ quả bầu, có chàng trai và cô gái kết
duyên ở lưng chừng núi, con cái họ sinh ra được ở lại rừng, đó là tổ
tiên của người Vân Kiều”.
Các già làng, trưởng bản Vân Kiều ở núi rừng Trường Sơn
đã kể về tổ tiên của họ qua nhiều mùa rẫy, qua nhiều đời sống từ xưa
đến nay bên bếp lửa về gốc tích của họ như vậy, và truyền thuyết đó lưu
giữ trong tâm hồn của mỗi con người Vân Kiều cho đến ngày nay. Già Hồ
Xoan nói: “Từ lúc có con người, thần lửa vào mái nhà sàn của người Vân
Kiều và ở đó, thần che chở sưởi ấm, làm chín con thú, nấu chín cái nước,
giúp người Vân Kiều sáng lên trong ánh tối ban đêm, tạo cho người của
ta cái trí khôn thông minh như thần để giữ bản giữ làng và sinh thêm con
cái”.
Lễ hoà mục
Người Vân Kiều không chỉ ở Lâm Ninh, mà bất cứ nơi đâu
có bản của họ đều có lễ này, đó là lễ xin lỗi. Người này với người kia
trong nhà có ý trái nhau, đều có lời xin lỗi. Những người nhà này với
nhà khác xích mích nhau, hoặc người bản này với bản khác sai trái nhau
đều phải làm lễ này.
Trong nhà với nhau dễ dàng bằng đôi câu nói chuẩn của
tiếng bản, cả nhà bỏ qua cho nhau. Với người ngoài bản, ngoài nhà, ai đó
có lỗi về đánh nhau, giành đất trên núi, tranh công con thú săn được
với người lớn tuổi, người có lỗi phải chuẩn bị ba hũ rượu nương, một con
gà trống rừng để làm lễ hoà mục. Để có lễ đó, cha của người có lỗi cùng
đứa con đến nhà người được xin lỗi đặt lễ, đồng thời mời theo vị già
làng đáng kính. Họ trao đổi ở bậc cầu thang nhà sàn, nếu lễ được chấp
thuận, lời xin lỗi được tiếp nhận, thì lễ hoà mục được tổ chức, ấy là
bữa rượu bên bếp lửa, họ nói những chuyện tổ tiên keo sơn khăng khít, họ
kể với nhau thời săn bẫy của những chàng trai bản, nói với nhau những
điệu hát cổ xưa để tăng thêm nghĩa tình, khí tiết của người Vân Kiều.
Khi con gà đã cắt tiết đổ vào một chén to, rượu được hoà vào, mọi người
đều uống, xem như mọi lỗi lầm được thứ tha.
Thế nhưng, theo già Hồ Xoan, ông sống từ 70 mùa rẫy
rồi, song ở bản vẫn chưa làm lễ đó, bởi lẽ, người dân của bản sống hoà
thuận, người trẻ kính trọng người già, con trai thương yêu con gái, nên
ông chưa một lần phải hoà giải như vậy. Không chỉ bản của ông Hồ Xoan,
mà những bản anh em khác trong vùng, vẫn chưa có cảnh bất hoà. Bởi theo
ông, núi rừng Trường Sơn cùng ngọn lửa của người Vân Kiều đã giúp họ
chung thuỷ với nhau, yêu thương nhau để thông minh hơn trước cuộc mưu
sinh đầy khắc nghiệt của thiên nhiên.
bài và ảnh: Quốc Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét