Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Cần Giờ vừa gần vừa tươi nguyên!

SGTT.VN - Với những ai thích lăn vào bếp, có thể gọi món cơm nướng xiên que. Than đước nóng hừng hực. Bạn chỉ cần lăn qua, trở lại xâu cơm không quá 10 phút, đã nghe mùi thơm tỏa ra từ lớp cơm cháy vàng giòn. Nói không quá, đây là món cơm hai trong một mới nhất ở Cần Giờ.
Rừng như chiếc dù kỳ diệu xòa tán xanh cho bóng mát cùng không khí trong lành. Biển dâng gió tươi và nhiều cá tôm nhảy soi sói.
Khoảnh khắc rừng thơ.
Chỉ sợ thiếu thời gian tận hưởng, cũng như chưa rủ được tri âm đồng hành!
Lộc rừng
7g -7g30 sáng, xe vừa qua cầu An Nghĩa, cách trung tâm TP.HCM khoảng 35km, đã nghe tiếng chim rừng véo von, vang xa tưởng như bất tận qua những chồi xanh của vạt cây mắm, đước, chà là... Bao giọng líu lo trầm bỗng, chạy dài, rồi hụt hơi trong khoảng hơn 38.000ha rừng ngập mặn, thông tin từ UBND huyện Cần Giờ.
Từng cơn gió lững thững tập thể dục nhịp điệu. Vì con nước mới “bò” lên gần nửa mương, nên chúng chưa vội chạy nước rút.
Chết mê khô cá úc một nắng nướng!
Song ấn tượng nhất vẫn là, mùi hăng nồng của lớp lá hoai mục lẫn trong bùn non, dưới tán rừng. Cái mùi đặc trưng giúp những ai thích khám phá sẽ ghi nhớ, phân biệt rõ với chút oi nồng, nóng bức chốn rừng khô miền Đông.
Chính lớp bùn đen mun, là nơi vùi mình ẩn náu lý tưởng của đám tôm tép: bạc, đất, sú...; bãi kiếm mồi “mứt” của bọn cua, ba khía... Cuối cùng sẽ làm phân bón tốt cho cây rừng.
Đước xếp hàng thẳng tắp tựa đang duyệt binh hoặc thay mặt rừng xanh nghênh đón du khách. Nhờ đứng gần nhau nên đước to, đước nhỏ đều thẳng tắp.
Thế nhưng, ít ai biết được cây đước xoay sở ra sao để không bị cao huyết áp. “Một số loài đước có bộ lọc muối nằm ở rễ. Số khác lại có những tuyến đặc biệt trên lá… Một phương pháp khác mà cây đước sử dụng là chuyển muối trong nhựa cây từ rễ lên những chiếc lá già sắp rụng.”1
Vẫn chưa tài tình bằng, người mượn mùi khói trong vỏ đước tươi, phối biến thành món cơm rang gần như độc nhất vô nhị ở Sài Gòn.
Quà quán
Đó là bếp trưởng Trần Minh kiêm chủ nhà hàng Duyên Hải, cạnh bến xe buýt Cần Thạnh. Phải thám thính một chút, hỏi nhỏ nhân viên xem sư phụ Minh có nhà hay không. Nếu có, tin chắc bạn sẽ được thưởng thức được một món cơm độc đáo.
Có duyên, còn được xem tướng miễn phí. Thầy Minh thường cười tít mắt dạo đầu: “Dân Nam - Trung - Bắc là Nhân - Trí - Dũng. Không biết chuyện đó là thua rồi!”
Riêng món cơm xông khói thì thắng giòn giã, kể từ ngày khai sinh đến nay đã gần hai năm. Hạt cơm mướt mượt, nóng hôi hổi - vừa thổi vừa ăn - với khô cá dứa một nắng chiên ửng vàng hoặc khô cá út nướng lên thơm tưng bừng, có thể quên bao phiền muộn.
Món cơm xiên que nướng trên than đước.
Vị cơm ngòn ngọt lẫn beo béo. Lượng dầu được gia vào rất ít, nên không đủ để gây ớn ngán. Thần sầu hơn vẫn là mùi vị thoang thoảng của khói bếp nhà quê. Nó da diết gợi nhớ mớ ký ức tươi nguyên của thực khách. Người bùi ngùi hồi tưởng, về chái bếp chất đầy rơm rạ của mẹ ngày mưa bão. Kẻ rưng rưng, chẳng khác gặp lại cảnh khói đốt đồng mờ mịt - chảy nước mắt sống, vùng châu thổ Cửu Long!
Không ít đầu bếp giỏi ở TP.HCM, từng lặn lội về đây, thọ giáo chính thức hoặc lén lút món cơm này. Nhưng đa phần đều rớt lộp độp tựa sung chín rộ. Thầy Minh cười tủm tỉm, rồi chửi đổng trước khi chia sẻ: “Phải vạt một ít vỏ đước tươi. Xé nhỏ. Rang trên chảo gang bằng lửa riu riu, để lấy nhựa ướp thành mùi của khói.” Kế đó sẽ “đi” lửa... phong ba, độ nóng cỡ 200 - 250 độ C, trong dăm ba phút.
Phải công nhận rằng, so với các loại chảo: sắt, nhôm; chảo gang chịu nhiệt cao và “ăn” ít dầu, mỡ nên góp công không nhỏ trong việc “hô biến” những món ăn đẳng cấp của bếp Hoa.
Và rất cần sự xốc, lắc nhịp nhàng từ một đôi tay rắn chắc. Cùng ánh mắt đăm đăm nhìn ngọn lửa nhảy múa trên thành chảo, của người đầu bếp thiện nghệ.
Ôi! Thơm quá mẹ ơi!
Với những ai thích lăn vào bếp, có thể gọi món cơm nướng xiên que. Than đước nóng hừng hực. Bạn chỉ cần lăn qua, trở lại xâu cơm không quá 10 phút, đã nghe mùi thơm tỏa ra từ lớp cơm cháy vàng giòn. Bẻ ra, chợt gặp vài sợi khói lụa uốn lượn thật vui mắt, sướng tay. Nói không quá, đây là món cơm hai trong một mới nhất ở Cần Giờ.
Một chị đồng nghiệp chuyên viết du lịch, ở TP.HCM, từng đến đây điều nghiên. Rồi mắng... yêu: “Quỷ sứ! Sao không chỉ sớm hơn”.
Lưu ý, đi - về Cần Giờ bạn nên chạy chậm và không sát tuyến (khỏi bị thổi còi), cũng đừng vào gần lề (đề phòng cán đinh).
Quán ăn ngon giá vừa phải ở Cần Giờ, gần bến xe buýt Cần Thạnh: Nhà hàng Duyên Hải, hội đủ các món tinh tế lẫn dân dã. ĐT: 083.8740.366 hoặc 083.7860.300 gặp chị Kim Sa. Website: http://www.nhahangduyenhaicangio.com 
1Trịnh Huy Triều, Đấu Tranh Sinh Tồn cuộc sống trong những môi trường khắc nghiệt nhất, NXB.Trẻ.
Bài, ảnh: Tấn Tớ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét