SGTT.VN - Nhiều hàng quán trung, cao cấp ở Sài thành
đang lên cơn sốt thực đơn một giống chim nửa quen nửa lạ: chim trĩ đỏ
khoang cổ.
Phượng hoàng về phố.
|
Quen, bởi vài năm nay, không ít dân có tiền thích thú
tiêu khiển tao nhã Sài Gòn đã không ngại chi tám triệu đồng, để có một
cặp trĩ đỏ nuôi kiểng trước nhà cho đẹp mắt và phần nào thể hiện đẳng
cấp. Họ cưng chúng lắm.
Lạ, bởi nghe nói nó thuộc giống chim phượng (phụng),
một trong tứ linh (long, lân, qui, phụng), chuyên đem lại những điều may
mắn. Chỉ có chư tiên mới dám xài sang: cưỡi phụng dạo chơi, theo truyền
thuyết Á Đông.
Trở lại đời, trước chim trĩ được liệt vào sách đỏ - cấm
khai thác. Nay nhờ thuần dưỡng thành công, nhằm bảo tồn nguồn gen quý
của giống chim này, nên trữ lượng trĩ nhà ngày càng tăng. Kéo theo mô
hình nuôi kiểng và thịt nẩy nở khắp cả nước, ban đầu ở Tây Nguyên, đến
phía Bắc, xuống Bình Phước, về một số tỉnh miền Tây Nam bộ.
Hạnh ngộ
Gần một năm trước, trong dịp về Vĩnh Long ăn giỗ ở nhà
một vị tướng, chúng tôi có diễm phúc thưởng thức thịt giống chim “vua”
này. Không phải trong bữa cỗ. Anh Toàn, thầy giáo dạy cấp 2 môn sinh,
thổ địa ở đây, có nhã ý mời chúng tôi về nhà đãi chim “chỉ” (trĩ). Vậy
là lặng lẽ vắng mặt.
Đôi chim cùng đẹp!
|
Thấy chồng mạnh tay thộp con trĩ trống nặng khoảng
1,3kg, bỏ vào bao, chị vợ buồn rười rượi như em Lan sợ mất chàng Điệp.
Công lao chị chắt chiu 12 tháng ròng, nếu đem bán “nằm ngủ” cũng không
dưới 550.000 đồng, bằng giá một tạ lúa thời điểm đó.
Hiểu ý, anh chồng làm công tác tư tưởng ngay: “Con này
xấu mã, còn có tật phá chuồng đi hoang, sớm muộn gì cũng bị chồn tha cáo
bắt.”
Để khỏi chùn lòng “chiến sĩ”, tiệc chim phượng diễn ra ở
nhà chú Bảy hàng xóm. Chú Bảy có biệt tài làm mồi nhậu ngon nhất xóm và
luôn thủ bình rượu chuối hột hậu vị thật đằm.
Thím bảy lắc đầu nói: Mèn ơi! Chim này lạ quá. Mần làm sao?
“Cưỡng bức cho nó chết thật nhanh. Nhổ lông sống rồi
thui sơ như gà nòi, chứ không trụng nước sôi. Rửa bằng nước ấm pha vài
trái ớt hiểm giã giập. Chặt miếng vừa gắp, ướp - nướng muối ớt với chút
rượu đế, dầu mè,” tôi bị làm cố... vấn.
Thịt chim đỏ hồng, không có một chút mỡ luồn và dưới
da. Từng lớp khói lụa lãng đãng tỏa lên (canh than nóng vừa), rồi thơm
lừng.
“Trời! ngon kịch liệt tụi bây ơi! Rượu cây nhà lá vườn không xứng chút nào, thiệt ngại”, chú Bảy nếm trước.
Quả thật thịt chim ngọt thanh, đậm nên gây ấn tượng lẫn
cảm tình sâu đậm cho thực khách. Thịt gà rừng, chim cu tôi từng ăn,
nhưng quả là một trời một vực. Thêm thấm thía câu “gà ngàn kiếp vẫn là
gà đừng mơ hóa phụng”, ở nghĩa đen.
“Mèn ơi! Ngon lạ lùng! Mai mốt thèm biết kiếm đâu ra!”, thím Bảy cắn cái đùi rồi tỉ tê.
Anh bạn thầy giáo gắp mời chú Bảy trái cật với cặp tinh hoàn, nháy mắt nói: “Con này sung lắm chú ơi. Mời chú “bảo bối” của nó!”
- Thiệt hả mậy?
- Thiệt! Một con dư sức “chăm sóc” ba - bốn “bà” mái,
hiếu chiến kinh khủng. Nếu để một bà “hầu”, chỉ có nước chết hoặc bệnh
hậu nặng, vì suy kiệt.
- Đáng nể! Đáng nể! Bà chạy vô buồng rót cho tui chai rượu cốt nghe!
Câu chuyện đến đây chuyển sang một đề tài khác, nóng không kém: chim phượng hoàng có chung thủy không?
Đẹp hơn tranh
Muốn rõ ngọn ngành, phải quay về quan sát tập tính
chúng trong tự nhiên. Cũng không dễ chút nào, bởi rừng già ngày càng héo
hon, muông thú teo tóp dần. Một số nhà điểu học ngày nay cũng không có
nhiều tư liệu về giống chim “thiêng” này.
May sao gặp ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, thân vương triều
Nguyễn, ở Gò Vấp, TP.HCM. “Phụng hoàng chính là con trĩ”, ông gật đầu
xác nhận.
Thời trai trẻ, vào mùa xuân, ở rừng núi Quảng Trị, ông
Ưng Viên từng thấy vài con phượng hoàng đang ăn trái bớm, gần giống trái
trâm nhưng chát hơn. “Ồ! Đẹp lộng lẫy lắm”, hiếm khi ông khen chân
thành như vậy.
Cố nhà văn tài hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường có tả về mùa
yêu của chúng thật sống động, bối cảnh cuối xuân năm 1967: “Phía tây nam
Huế, trong thung lũng A Sao có một khu rừng cổ xưa mọc toàn những cây
tùng. Tôi đã có lần đến đấy, giữa cái thế giới im lặng sâu thẳm của nó,
ngồi ngắm đàn phượng hoàng cất cánh lao lên đón ánh mặt trời; và mãi mãi
tôi còn giữ trong tâm trí hình ảnh của khu rừng ấy, như một vẻ đẹp
huyền thoại ... Có tiếng “xòa” từ trên cao đổ xuống. Tưởng là một cơn
mưa đang tới, nhưng tôi vẫn lười biếng chưa vội ngồi dậy. A Pách gọi:
- Ha lê này, dậy mà xem! (thỉnh thoảng A Pách vẫn gọi tôi bằng cái từ thân mật ấy của miền tây, nghĩa là “dượng”).
- Gì thế, A Pách?
- Con triêng nó về kia.
- Là con gì?
- Chim phượng hoàng ấy mà. Nó đang xuống ở đằng kia!
Tôi bật dậy, bước vội theo A Pách. Một quãng, chúng tôi dừng lại, hơi ẩn người sau một gốc cây lớn. Từ đó, cách khoảng vài chục mét, tôi nhìn thấy rõ bầy chim phượng đang đi lại, nhảy nhót trên những cành tùng.
Ðó là những con chim lớn có bộ lông đen huyền, với những đoạn trắng ở cổ, ở đuôi và ở giữa cánh; nổi bật trên cái khối đen kia là đôi chân vàng tươi, chiếc mỏ lớn, gồ ghề uốn vòng lên thành mào, đỏ rực lên như thể là con chim ngậm lửa. Mình to, cổ cao, đuôi dài, dáng đĩnh đạc mạnh mẽ, đàn phượng hoàng xuất hiện với tôi lần đầu như những con chim rực rỡ bay ra từ truyền thuyết. Chúng bước dọc theo những cành tùng, trò chuyện không ngớt bằng những tiếng “cộc... cộc” trong cổ họng. A Pách bảo tôi:
- Anh nhìn xem đôi phượng đang đuổi nhau trên cành kia: mỏ đỏ thẫm là phượng trống, chim mái màu đỏ gạch. Bây giờ là mùa cưới hỏi của nó nên chim phượng kêu nhộn hơn những tháng khác.
Tiếng “cộc... cộc” càng dồn dập, bầy phượng trở nên sôi động khác thường. Chúng chia thành cặp, cắn vào đuôi, rượt đuổi nhau, dập dìu chuyền đôi qua các cành, tốc độ mỗi lúc một khẩn trương. Và hẳn là đã đến lúc hưng phấn của tình yêu, chúng đập cánh mạnh đến nỗi cả vòm lá tùng lay động như bị cuốn vào một cơn gió lớn. Ðiệu múa của đàn phượng diễn ra trước mắt tôi, cuồng nhiệt và loang loáng màu sắc. (Lúc này tôi mới nhận ra thêm rằng mặt dưới của cánh phượng được phủ kín bằng một lớp lông trắng muốt.) Như một khán giả ái mộ không tự kiềm chế được, tôi vỗ tay reo lên: “Tuyệt diệu!”.
“Vút! vút!” Trong phút chốc cả đàn chim đã bay mất, ném vào không gian những tràng tiếng kêu “ô... hoang - ô... hoang” vang lừng...
- Ha lê này, dậy mà xem! (thỉnh thoảng A Pách vẫn gọi tôi bằng cái từ thân mật ấy của miền tây, nghĩa là “dượng”).
- Gì thế, A Pách?
- Con triêng nó về kia.
- Là con gì?
- Chim phượng hoàng ấy mà. Nó đang xuống ở đằng kia!
Tôi bật dậy, bước vội theo A Pách. Một quãng, chúng tôi dừng lại, hơi ẩn người sau một gốc cây lớn. Từ đó, cách khoảng vài chục mét, tôi nhìn thấy rõ bầy chim phượng đang đi lại, nhảy nhót trên những cành tùng.
Ðó là những con chim lớn có bộ lông đen huyền, với những đoạn trắng ở cổ, ở đuôi và ở giữa cánh; nổi bật trên cái khối đen kia là đôi chân vàng tươi, chiếc mỏ lớn, gồ ghề uốn vòng lên thành mào, đỏ rực lên như thể là con chim ngậm lửa. Mình to, cổ cao, đuôi dài, dáng đĩnh đạc mạnh mẽ, đàn phượng hoàng xuất hiện với tôi lần đầu như những con chim rực rỡ bay ra từ truyền thuyết. Chúng bước dọc theo những cành tùng, trò chuyện không ngớt bằng những tiếng “cộc... cộc” trong cổ họng. A Pách bảo tôi:
- Anh nhìn xem đôi phượng đang đuổi nhau trên cành kia: mỏ đỏ thẫm là phượng trống, chim mái màu đỏ gạch. Bây giờ là mùa cưới hỏi của nó nên chim phượng kêu nhộn hơn những tháng khác.
Tiếng “cộc... cộc” càng dồn dập, bầy phượng trở nên sôi động khác thường. Chúng chia thành cặp, cắn vào đuôi, rượt đuổi nhau, dập dìu chuyền đôi qua các cành, tốc độ mỗi lúc một khẩn trương. Và hẳn là đã đến lúc hưng phấn của tình yêu, chúng đập cánh mạnh đến nỗi cả vòm lá tùng lay động như bị cuốn vào một cơn gió lớn. Ðiệu múa của đàn phượng diễn ra trước mắt tôi, cuồng nhiệt và loang loáng màu sắc. (Lúc này tôi mới nhận ra thêm rằng mặt dưới của cánh phượng được phủ kín bằng một lớp lông trắng muốt.) Như một khán giả ái mộ không tự kiềm chế được, tôi vỗ tay reo lên: “Tuyệt diệu!”.
“Vút! vút!” Trong phút chốc cả đàn chim đã bay mất, ném vào không gian những tràng tiếng kêu “ô... hoang - ô... hoang” vang lừng...
Người miền tây rất quý chim phượng vì đức tính chung
thủy vợ chồng của nó. Nó làm ổ trong bộng cây đại thụ, đẻ mỗi lần hai
trứng; quả to bằng trứng ngỗng, màu lốm đốm. Phượng trống được phân công
ấp trứng, còn con mái đi tìm mồi về nuôi cả cha lẫn con. Thời gian ấp,
con trống thải phân ra bít kín dần bộng cây, chỉ để lại miệng lỗ vừa cho
vợ nó đút mồi vào. Ðủ ngày tháng thì phượng mái phải dùng mỏ đập vỡ
miệng lỗ để đưa chồng con nó ra. Lúc mới ra, phượng trống rất yếu, đi
đứng cứ lảo đảo, vì lông rụng gần hết; lông rụng để lót ổ cho con nó. Ít
lâu sau, nó mọc lông mới; chim phượng nom cứ trẻ mãi vì mỗi năm nó thay
lông một lần, màu đen tuyền nhưng nhìn gần thì có ánh xanh. Bố còn phải
tập bay cho con, còn mẹ vẫn tiếp tục nhiệm vụ hậu cần cho cả gia
đình...” (Trích Đời Rừng, trong tập bút ký Ai Đã Đặt Tên Cho Một Dòng
Sông).
Rất có thể đó là bầy trĩ đen. Và lẽ nào trĩ đen chung
thủy hơn trĩ đỏ? Hay do “no cơm ấm cật” nên hậu duệ của những chàng trĩ
càng sung mãn hơn? Mong các nhà điểu học quan tâm lý giải giúp!
Trứng trĩ trị bệnh?
Thông tin từ trang web trangtraicuchi.com ghi: “Trứng
trĩ được dùng cho những người bị thiếu máu, nhức đầu nặng, hen phế quản,
viêm dạ dày. Normalizes trong trứng cũng tốt cho huyết áp và cải thiện
tiêu hoá. Bởi vậy thực phẩm này rất có ích cho trẻ em, những người ốm
yếu và phụ nữ mang thai.” Rao bán 40.000đồng/trứng trĩ.
Ông Ưng Viên cho trứng trĩ cũng bổ cỡ trứng... gà tre,
cả trứng chim công cũng “bá láp” luôn. “Chỉ có trứng của ba con: gà cồ
ta, trích cồ và chim cút mía mới thật nên thuốc”, ông lưu ý.
Nếu ngày trước trĩ hoang đẻ ít thì nay trĩ nuôi đẻ suốt
cả trăm trứng, vẫn không thèm ấp. Báo hại, đám gà mái tre hoặc máy ấp
trứng công suất nhỏ phải gồng mình đảm đương nhiệm vụ của mẹ quạ ôm
trứng tu hú.
Trứng trĩ thì “không ăn thua”, nhưng riêng khoản thịt ông Ưng Viên đánh giá rất cao. Tất nhiên, phải có bài thuốc Bắc kèm theo.
Nấu sao mới bổ?
Hiện đầu bếp các nhà hàng lớn ở Sài Gòn vẫn chế biến trĩ như gà với các món phổ thông: luộc, quay, xào lăn...
Nướng ngon số một!
|
Ngọt thơm trĩ tiềm ớt hiểm.
|
Lạ miệng phở phượng hoàng.
|
Tệ nhất là món gỏi.
|
Trĩ bị luộc như gà!
|
Ông Ưng Viên tặc lưỡi cho rằng làm vậy thì quá uổng.
Cũng là món nướng nhưng phải quý phái và lắm công phu. Hỗn hợp gia vị
thoa ngoài không thể thiếu lá é rừng (é ta), hẹ sẻ, ớt hiểm rừng, ngò
rí. Phụ gia tẩm trong phải có nước cốt của lá tía tô và lá cam non. Chất
tạo mặn là muối hột. Cao tay hơn thì xài muối hầm hoặc nước mắm ngon cô
lại. Muốn béo, nêm dầu phộng. Than nướng phải dùng than ổi sẻ hay than
tre, tệ lắm cũng than đước. “Vậy mới mới thơm ngon cực kỳ!”, ông Ưng
Viên chép miệng nói. Theo ông món này còn trợ hô hấp, tốt cho những
người bị suyễn hay viêm phế quản lâu ngày.
Các món cầu kỳ cấp độ 4 là nem công, chả phụng, ông lại
cười ruồi bí hiểm. Hỏi mãi, ông mới tiết lộ đôi chút: “Thịt công ngon
nhưng độc lắm, phải thật giỏi nghề thuốc Bắc mới dám chế biến. Không thể
thiếu trái trám giúp giải độc. Vả lại, công càng hiếm nên trĩ phải thế
mạng.”
Thực Phổ Bách Thiên, của nữ sĩ Tỷ Quê có dạy làm nem
công: “Muốn khéo nem công thịt vế sau,/ Da heo với mỡ thái in nhau,/ Mè
đường thính muối riềng cùng tỏi/ Nạc quết đều rồi sẽ bóp màu”. Ông Ưng
Viên tiết lộ thêm: trĩ kỵ nêm tiêu. Còn món chả có ba dạng: chiên,
nướng, hấp. Rất cần ít thịt ba rọi của heo cỏ cùng tổ hợp: ít nước mía
sên, nước mắm cô, tỏi... hài hòa. Phải quết đều tay, cần mẫn đến vã mồ
hôi mấy lượt, để chúng quyện chặt vào nhau.
Thế nhưng món sau cùng, mới giúp chim hoàng ngồi vững
trên ghế công thần trong thực đơn vương giả. Đó là hầm thuốc Bắc với các
bài “dương xuân bạt độc và bồi nguyên”. Giúp bồi bổ và khử độc hiệu
quả, chống suy nhược sau những trận bệnh nặng, kích thích thèm ăn.
Sau nữa, hẳn bạn sẽ thắc mắc: ăn chim có gặp may thật
không? - Riêng tôi, có vài niềm vui mới: biết được một loài chim lạ cho
thịt thơm ngon líu lưỡi, quen thêm hai -ba bạn tốt, thầy giỏi.
Nếu thử, biết đâu bạn còn hên hơn tôi!
Cũng cần nói thêm, trĩ nuôi gồm hai dạng. Nuôi kiểu nhà
nghèo, cho ăn lúa hoặc bắp, có cải thiện vỏ hến, rau muống... như của
thầy Toàn vừa kể. Dạng khác, ăn cám tổng hợp dành cho gà, bổ sung rau
cỏ, tép rong, cỡ 6 - 7 tháng đã nặng từ 1.3 -1.5kg/con, cho thịt sảm và
lạt hơn. Thế nên ông Ưng Viên phản ứng gay gắt: “Nuôi kiểu đó thì chim
bà cũng dở, nói chi chim phượng.”
Bài, ảnh: Tấn Tới
Theo anh Lê Quang Thắng, chuyên cung cấp trĩ thịt, ở làng Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, hiện hàng quán phía TP.HCM ăn trĩ mạnh gấp ba lần ở Hà Nội. Cụ thể, trung bình mỗi tháng anh gửi vào Sài Gòn 320 con, tỉ lệ chim trống chiếm 2/3. Vì nhà vườn đang cần trĩ mái để nhân đàn. Và không quá 100 con về Hà Nội. Giá từ 280.000 - 300.000đồng/kg. Mỗi con nặng từ 1.2kg - 1.5kg. Phía Bắc, mô hình nuôi trĩ thịt đang phát triển mạnh ở tỉnh Hà Nam. |
Thông tin thêm:
Nơi cung cấp chim trĩ thịt và nuôi kiểng:
+ Trang trại Thanh Phong, ở ấp 2, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. ĐT: 0917109910.
+ Vựa Nghĩa Thắng, ở làng Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. ĐT: 0972660808.
Hàng quán bán các món chim trĩ ở TP.HCM:
+ Hàng Dương 1, ở 132 đường 65 khu định cư Tân Quy Đông, P.Tân Phong, Q.7
+ Hàng Dương 2, số 224 đường 48, P.5, Q.4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét