Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Bảo tồn giá trị văn hóa cổ ở Hùng Lô

Truyện xưa kể rằng, thời vua Hùng dựng nước miền quê này nằm ở Trung tâm của bộ Văn Lang với tên gọi Khả Lãm Trang, sau đó đổi thành An Lão, rồi tiếp đó có tên là Làng Xốm (kẻ Xốm), còn giờ đây gọi đây là xã Hùng Lô thuộc thành phố Việt Trì - Cố đô Văn Lang xưa. Theo thần tích của làng vào một ngày trời đẹp Vua Hùng cùng công chúa cưỡi ngựa hồng ngược triền sông Lô đi tuần thú. Khi qua Khả Lãm Trang vua thấy nơi đây có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp lại có khí thiêng ắt sẽ là vùng địa linh nhân kiệt bèn dừng lại thăm thú vấn an khuyên bảo dân chúng khẩn hoang vỡ đất xây dựng quê hương. Cảm kích trước tấm lòng bao dung, nhân ái đó dân làng đã lập miếu thờ để truyền đời hương khói.
Khu di tích lịch sử văn hoá Đình Xốn và xã Hùng Lô (thuộc quần thể di tích lịch sử văn hoá Đền Hùng) được xây dựng trên dải đất rộng 500m2 gồm các hạng mục công trình kiến trúc như: ngôi miếu cổ được xây dựng từ thời lý cao Tông (1197) với bức hoành phi đề 4 chữ đại tự “Tham thiên tán hoá” ý nói Vua Hùng tham sự đạo trời để giúp dân; Ngay kế bên đình Xốn được xây dựng hoàn chỉnh vào thời Lê Trung Hưng niên hiệu chính hoà (1647) nhằm phát triển tâm linh từ ngôi miếu cổ thể hiện ở bức cuốn thư đặt ở phương định với 4 chữ đại tự “Tổ Triệu Sơn Hà” hàm ý “Tổ tiên dựng đất nước”.
Đây là ngôi đình được xây dựng với quy mô kiến trúc khá hoàn chỉnh, gồm: 5 gian nhà tiến tế, tiếp đến là phương đình 2 bên là lầu chuông, lầu trống, trong cùng là toà đại đình. Đây là công trình trọng yếu với kiến trúc hoành tráng gồm 3 gian, hai trái, 4 mái rộng cao, 4 góc đao cong vút như 4 cánh hoa xoè nở, hàng gạch hộp rỗng hoa chanh chạy theo bờ mái và những con kìm, con số gắn trên đầu nóc. Những khúc quanh trên nóc mái được gắn những tác phẩm đồ gốm quý được giữ gìn nguyên vẹn từ ngày khởi tạo. Trên nóc đình đắp Lưỡng long chầu nguyệt. Về nội thất cả 3 gian đền đều đặt bn thờ. Những cuốn, ván, thanh kẻ, đầu dư ở cả ba gian đều được phủ đầy những hình trạm kênh bong lấy rồng làm nền. Trên lớp nền đó được trạm khắc mô tả những hoạt động văn hoá - xã hội của con người lúc đương thời như: luyện võ, đấu quyền, đấu vật và các tích truyện “Cờ lau tập trận”, “Bát tiêu qua hải”, “Chức lâm thất hiên”, “Vinh quy bái tổ”, “Vũ hội ngày xuân”... Đặc biệt ở gian giữa toà Đại đình được bài trí từng lớp cửa võng đến trước cửa thượng, trong cung đặt 3 bộ Long ngai toàn bộ nội thất của toà đại đình đều được sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Ngoài những giá trị về kiến trúc Đình Hùng Lô còn như một bảo tàng thu nhỏ lưu giữ được nhiều cổ vật quý như đỉnh, đèn, lư hương, hạc đồng và một số bình sứ cổ, cùng những hương án, sập thờ, đồ chấp kích và nổi bật là 4 cỗ kiệu văn, 1 bộ kiệu bát cống và được đánh giá rất cao về nghệ thuật điêu khắc cổ thời hậu Lê thế kỷ thứ XVII. Các kiệu văn, kiệu cống trên được sử dụng vào những ngày lễ hội rước hương đăng, đẳng vật được sản phẩm của địa phương dâng lên Đền Hùng vào ngày giỗ tổ và cả trong lễ hội làng Hùng Lô.
Những ai một lần đến nơi đây chiêm ngưỡng ngôi đền trong dáng chiều nhạt nắng ta không khỏi ngỡ ngàng trước những đường nét kiến trúc vừa bay bổng vừa chất chứa suy tư. Và hoà trong dòng chảy của lịch sử ngôi đền này đã trở thành nơi hội tụ của những buồn vui, nơi gửi gắm tâm linh của bao thế hệ, để cho những đứa con của làng dẫu có đi xa vẫn hướng về đất cội. Dù rất khiêm nhường nhưng người Hùng Lô vẫn có thể tự hào vì tới nay ngôi đền không chỉ là báu vật riêng của làng mà nó đã đi vào lịch sử và trở thành di sản văn hóa của toàn dân tộc.
Ngoài đền Xốm một di tích lịch sử, văn hoá cấp Quốc gia nơi đây còn lưu giữ được gần 50 ngôi nhà cổ từ một trăm đến xấp xỉ 200 năm tuổi mang đậm nét kiến trúc truyền thống của làng cổ Việt Nam. Khi trở lại Hùng Lô không chỉ khách thập phương mà cả người Hùng Lô xa xứ đều cảm thấy lòng mình bâng khuâng khi dừng bước trước những ngôi nhà cổ kính này. Trên những chồng bồn, kẻ bảy, câu đầu của những ngôi nhà cổ này đều được trạm khắc những biểu tượng lân, ly, quy, phượng, tùng, trúc, cúc, mai. Đây thực sự là những tác phẩm điêu khắc đặc sắc được tạo nên từ những bàn tay thợ tài hoa và thông qua đó họ gửi gắm một triết lý sống phương Đông, đó là sự hoà đồng giữa con người với thiên nhiên trong một tâm thế khoan dung tự tại. Điều này càng được thể hiện rõ nét trong tổng thể kiến trúc của những ngôi nhà cổ. Với hệ thống cửa sổ, cửa ra vào và các ngạch trên, ngạch dưới đã tạo nên một không gian thông thoáng đón nhận đủ ánh sáng và gió trời. Nguyên liệu làm nên những ngôi nhà cổ này là gỗ, tre, nứa, lá những thứ có sẵn trong tự nhiên và gần gũi với cuộc sống của người dân Việt. Vì lẽ đó mà đi liền với ý thức bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống, người dân Hùng Lô còn cảm nhận được một sức hút vô hình từ những ngôi nhà cổ, chính nó đã thức tỉnh con người tìm về với những giá trị đích thực đó là ý nghĩa sinh thái và nhân văn được hàm chứa trong kiến trúc những ngôi nhà cổ.
Giờ đây khi cuộc sống đã khấm khá hơn, chủ nhân của những ngôi nhà cổ ở Hùng Lô đã bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng thậm chí hàng tỷ đồng để tu sửa, tôn tạo lại những ngôi nhà cổ. Đây là số tiền không nhỏ đủ để đầu tư xây mới một ngôi biệt thự khang trang bề thế, nhưng chính họ đã ý thức được rằng Đình Xốm cùng những ngôi nhà cổ mãi mãi là chứng nhân lịch sử, là báu vật của làng, góp phần làm nên một sức sống trường tồn của một miền quê đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Khuông Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét