Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Chuyện tình lãng mạn nhưng lỡ làng của vị tiến sĩ triều Lê!

Vũ Khâm Lân sinh vào những năm đầu thế kỷ XVIII, năm Đinh Mùi (1727), triều Lê Dụ Tông, ông thi đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân lúc ngoài hai mươi tuổi. Kể từ đó, Vũ Khâm Lân bước vào chốn quan trường, từng được cử đi sứ Trung Quốc, lần lượt trải các chức: Đô ngự sử, Thượng thư, Tham tụng...
Ở triều, ông dự bàn chính sự, ra ngoài ông giữ việc binh cơ, lập không ít công lao, nên được ban tước Ôn Đình hầu rồi Ôn Quận công.
Đương thời, ông có tiếng là người hào hiệp, khảng khái, gặp việc dám nói, dám làm. Bên cạnh đó, ông còn có tiếng về tài văn chương. Theo tài liệu, thì ông là người đã góp thêm nhiều truyện mới vào quyển Lĩnh Nam chích quái, soạn và cho khắc bia bài Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Công Văn Đạt phổ ký nói về cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm (để dựng ở đền thờ vị danh sĩ này), viết bài khen Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ là một "thiên cổ kỳ bút"...
Vũ khâm Lân, mất năm nào không rõ, chỉ biết ông có để lại tập Phủ sát ký mật. Triều đình truy tặng ông hàm Thượng thư.
Xung quanh vị tiến sĩ này còn được người đời kể lại bằng một chuyện tình với cô đào xinh đẹp dù lãng mạn nhưng cũng éo le bậc nhất trong tình sử nước nhà.
Người theo nghiệp xướng ca ngày trước (ảnh mang tính minh họa cho bài viết. Nguồn: Internet).
Vũ Khâm Lân nguyên quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương nhưng sớm mồ côi mẹ. Gặp cảnh mẹ kế con chồng khó khăn nên phải bỏ ra Thăng Long ở trọ tại đất Dịch Vọng, vừa làm thuê vừa học. Năm ấy ở Dịch Vọng mở hội. Trong không khí nhộn nhịp ấy, làng có mời đào nương Diễm Hương trẻ đẹp hát hay có tiếng trong vùng đến diễn. Người đến xem hát đứng kín vòng trong vòng ngoài. Mỗi lần cô đào hát xong một tiết mục, người ta lại thi nhau tung tiền lên để thưởng.
Như nhiều thanh niên trai tráng đến xem hội, chàng học trò nghèo Vũ Khâm Lân đã si mê nhan sắc cô đào Diễm Hương từ cái nhìn đầu tiên. Không có tiền để thưởng cho cô đào, Khâm Lân chỉ đứng nép bên cột đình lẳng lặng xem cô đào biểu diễn. Đâu ngờ cô đào lại chú ý đến anh học trò nghèo đứng nép bên cột đình mà cô nghe tiếng học giỏi đã lâu.
Bất giác đào nương đưa mắt nhìn về phía Khâm Lân thì bắt gặp ánh mắt chàng đang nhìn mình say đắm. Bốn mắt nhìn nhau làm lòng Diễm Hương xao xuyến. Nàng xúc động quá không hát được nữa. Mọi người tưởng nàng đã mệt liền dìu nàng vào trong đình nghỉ ngơi. Chàng thư sinh cũng bẽn lẽn ra về.
Thật chuyện đời cũng lắm bất ngờ, giữa thời phong kiến, tình yêu hôn nhân là chuyện gả bán của các bậc phụ huynh mà đào nương Diễm Hương lại bất chấp rào cản ấy. Sáng hôm sau, nàng chủ động tìm tới nhà trọ của Khâm Lân. Còn đang bồn chồn về chuyện người trong mộng bị ốm mà mình chưa có cách gì đến thăm thì tự nhiên người ta xuất hiện trước mặt khiến chàng thư sinh luống cuống không biết làm sao.
Bao nhiêu điều muốn biết, bao nhiêu điều muốn nói đều quên sạch, chàng chỉ ngượng nghịu hỏi: “Hôm qua chị bị ốm?”. Không dè cô đào lại bạo dạn nói như đã quen nhau từ lâu: mà chàng thì bỏ mặc chẳng đoái hoài. Rồi không để Khâm Lân thanh minh, nàng mạnh dạn đặt vào tay chàng 10 quan tiền và bảo: “Thiếp biết chàng khó khăn nên đến giúp chàng ít tiền gọi là để mua giấy bút học hành”.
Câu chuyện từ lúc gặp gỡ đến giờ cứ đưa Khâm Lân từ bất ngờ này đến bất ngờ khác nên chàng đâm ra ấp úng: “Xin đội ơn nàng, xin có ngày được báo đáp”. Diễm Hương dịu dàng bảo: “Chỉ xin chàng sớm khuya đèn sách, cố sức học hành, thiếp sẽ cho chu cấp tiền cho chàng ăn học”. Thế rồi từ đó, cứ vài bữa nàng lại đến thăm mang theo gạo tiền chăm sóc cho Khâm Lân. Tình yêu giữa họ dần trở nên thắm thiết.
Một buổi diễn ca ngày xưa (ảnh mang tính minh họa cho bài viết. Nguồn: Internet)..
Lạm dụng tình yêu của Diễm Hương, nhiều lần Vũ Khâm Lân muốn nàng chiều chuộng mình như vợ chồng nhưng nàng đều cự tuyệt. Nàng nói: “Nếu thiếp là phường gió trăng thì thiếu gì trang phong lưu công tử theo đuổi. Dẫu là con nhà hát xướng nhưng chàng đừng coi thường thiếp là hạng người hư thân mất nết. Thiếp biết chàng, quý chàng tựa như tìm được người vừa ý để bỏ công giúp đỡ. Đi hát chẳng phải là kế sống mà chỉ là để thiếp chọn anh hùng từ thuở hàn vi. Xin chàng đừng coi thiếp như loại liễu ngõ hoa tường. Đời này con hát có gì là xấu chỉ có người nghĩ xấu về họ mà thôi. Bởi thế từ nay xin cáo biệt”.
Biết Diễm Hương yêu mình cao thượng nên Khâm Lân hổ thẹn xin lỗi mãi. Nhưng từ đó nàng chỉ gửi gạo tiền đến cho chàng mà nhất định không gặp mặt nữa. Khi Vũ Khâm Lân đi thi đỗ Tiến sĩ, sau lễ vinh quy, nhiều nhà danh giá lên tiếng gả con gái cho chàng. Gia đình Khâm Lân cũng đã tìm được một gia đình phú hộ cho chàng làm rể. Nhớ đến cô đào đã giúp đỡ mình thành đạt, Khâm Lân toan cưỡng lại bậc sinh thành, song sự phản đối và ý chí của chàng không đủ mạnh nên đám cưới vẫn tiến hành.
Hay tin Vũ Khâm Lân lấy vợ giàu sang, Diễm Hương đau lòng lắm. Nhưng vì muốn tận mắt nhìn lần nữa kẻ bạc tình nên nàng tìm gặp Khâm Lân. Trước mặt người tình cũ, ông tiến sĩ tân khoa lúng túng: “Tôi vẫn nhớ đến nàng nhưng số kiếp tôi không được may mắn. Nàng tha tội cho tôi”. Diễm Hương cắt ngang: “Ông đừng nói nữa. Tôi đã rõ tâm địa của kẻ phản bội”.
Tự cho là duyên phận lỡ làng, nàng không lấy ai nữa. Sau đó Khâm Lân ân hận cho tìm nàng mãi nhưng không tìm được. 20 năm sau, tình cờ Khâm Lân gặp lại nàng. Lúc này Diễm Hương sống với mẹ và đã già đi nhiều. Ái ngại cho hoàn cảnh của nàng và cũng muốn chuộc lỗi, Khâm Lân xin được đưa nàng và mẹ già về nuôi nhưng được một thời gian bà cụ mất và Diễm Hương cũng bỏ đi đâu không ai biết.
Dù sao ở vào thời đại ngày ấy cũng không thể đổ hết lỗi cho Khâm Lân khi những người quanh ông và cả hệ thống xã hội đều coi xướng ca vô loại chẳng ra gì, dù tâm hồn họ trong sáng tài năng tuyệt luân thì họ cũng chỉ là những con tằm nhả tơ để cho đời thêm vui, thêm đẹp chứ có mấy ai ghi nhận.
Út Tẻo (Dân Việt) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét