Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Ngỡ ngàng món “vịt leo cây”!

TTCT - Xem ra các món vịt luộc, nướng, nấu chao... đã “xưa rồi Diễm”. Có một món mới chỉ nghe mùi thơm đặc trưng mời gọi đã dâng trào hứng khởi. Vịt om tai chua, thực khách sành ăn hay gọi đùa là món “vịt leo cây”.
Mê mải, vịt om nước trái tai chua! - Ảnh: Phi Nguyễn
Mê mải, vịt om nước trái tai chua! - Ảnh: Phi Nguyễn
Vịt nuôi có nhiều giống: vịt cỏ, siêu thịt, vịt Xiêm... Trong đó dân sành ăn khoái nhất là giống vịt cỏ nhỏ con, cỡ 1,3-1,6kg/con bởi thịt loại vịt này ngọt thơm, sớ thịt nhỏ mà dai.
Tiếc thay, cảnh tượng từng đàn chim le le là đà, rợp bóng một góc mặt nước hồ Tây thơ mộng hay quần tụ đen đặc, thong thả rỉa lông miệt Tháp Mười hoang vu trong mùa di cư nay đã hiếm thấy.
Từ đó, món canh (xúp) viagra trân quý từ thịt loại thiên cầm này cũng dần vắng bóng trong mâm cơm đầy ắp tình thâm: Thương chồng nấu cháo le le...
Song, hương vị thịt vịt rằn (vịt cỏ, vịt bầu, vịt cổ xanh) vẫn còn lý tưởng lắm! Bởi phần lớn, người nuôi thường thả rông chúng hoặc nhốt cùng hồ bơi hay vũng nước. Nhờ vậy, chúng tha hồ tắm táp hoặc lặn hụp mò cua bắt ốc nhằm thỏa mãn những cái mỏ háu ăn, bất kể ngày đêm.
Nếu nhốt vịt như gà công nghiệp, chúng sẽ chậm lớn lại hao tốn thức ăn đến xanh mặt. Cho nên sáchNguyễn Phúc tộc Dược minh y kính, của vương triều Nguyễn, gọi “thuốc vịt”  là “điền hoa áp tử” hoặc “áp nhục”, đặc biệt tốt cho lá lách và gan.
Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, thầy thuốc thừa truyền, còn giữ bộ sách quý này. Theo ông Ưng Viên, người mắc chứng phong ngứa ăn vịt lần đầu sẽ bỗng dưng trở thành... nhạc sĩ (gãi đến rướm máu).
Nhưng đừng lo, cứ can đảm cắn mạnh cặp đùi vịt thêm 1-2 lần nữa sẽ hết ngứa ngay. Kể cả lớp da vịt mỡ màng cũng là một vị thuốc tốt giúp trị các bệnh: bạch đới ở phụ nữ, di mộng tinh ở nam giới.
Ngay cả phần da trên ức vịt còn quý hơn, ăn vào giúp tăng sức dẻo dai cho cơ bắp nên rất tốt cho vận động viên.
Vịt om sấu vốn là món ăn ngon quen thuộc của nhiều người dân miền Bắc và không ít dân Sài Gòn. Nhưng những ai diễm phúc nếm qua một lần, thoảng nghe tên đã sôi trào nỗi nhớ: món vịt om tai chua. Món ngon “bá đạo” ấy lại khởi phát từ miền Bắc.
Nói bá đạo có nhiều lẽ. Thứ nhất, có vài gia vị núi rừng, thuộc hàng bắc đẩu tham gia. Thứ hai, không hiểu do cố tật giấu nghề của các bà nội trợ hay do “uy danh” trái sấu quá lẫy lừng nên nghiễm nhiên những món om (um), canh thơm ngon tuyệt diệu - công đầu đều thuộc về sấu.
Rau cỏ thường khiêm tốn, trong món vịt om sấu... giả, ở các hàng quán - Ảnh: Phi Nguyễn
Rau cỏ thường khiêm tốn, trong món vịt om sấu... giả, ở các hàng quán - Ảnh: Phi Nguyễn
Lẽ ra trái tai chua xứng đáng hưởng vinh dự đó. Chính lượng nước cốt từ loại quả rừng nổi màu nâu sẫm, hơi cong quăn tựa tai người, do được phơi (sấy) khô, đã tạo vị chua thanh dịu, thơm quyến rũ gần giống giấm nếp hoặc nước cam giấy chín mọng.
Thưởng thức món này, một cuộc chiến tưng bừng về mùi vị đã nổ ra. Một bên cho rằng mắc khén - thơm nồng và cay ấm, không bạo liệt như tiêu sọ nhưng “nội công” lưu hương thật đáng nể.
Nhưng bên chọn nước mía sên cũng chẳng chịu lép vế, cứ ngào ngạt - kiêu hãnh tỏa hương, thướt tha trong tà áo hồng. Kết cuộc bất phân thắng bại. 
Cuối cùng, tiệc vịt om tai chua giao tình Bắc - Nam cũng được bày ra. Tuy ly rượu ngô hậu hơi nhạt so với đế lưu niên Xuân Thạnh (Trà Vinh), nhưng thịt vịt thì ngọt bùi khó quên. Đặc biệt, vị chua dịu dàng lẫn mùi thơm thanh thoát cứ chờn vờn nơi sống mũi, lượn lờ trên đầu lưỡi người ăn. 
Trái tai chua khô bán nhiều ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội, giá 100.000 đồng/kg, loại 2 - Ảnh: Phi Nguyễn
Trái tai chua khô bán nhiều ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội, giá 100.000 đồng/kg, loại 2 - Ảnh: Phi Nguyễn
“Trong món vịt om sấu, quả sấu chỉ dùng trang trí là chính. Vị nó quá chua, không hãm được sẽ thành chát” - chuyên gia nấu ăn Nguyễn Thị Tuyết (Hà Nội) nhận xét. 
Theo Wikipedia, cây tai chua hay bứa cọng (tên khoa học: Garcinia cowa) là một loài cây thân gỗ, họ bứa, cận chủng với măng cụt, mọc hoang ở ven rừng Đông Nam Á. Gần đây cũng có nơi người ta ươm trồng được.
Tại Việt Nam, cây mọc nhiều ở miền Bắc và Bắc Trung bộ. Trái tai chua, hình cầu hơi bẹp, vỏ dày, khá giống trái ổi lê.
TẤN TỚI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét