Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Ai là tác giả bài thơ 'Lá diêu bông'?

Hình ảnh lá diêu bông trong một bài thơ như câu chuyện cổ tích của thi sĩ này đã làm say mê nhiều thế hệ độc giả.

Hoàng Cầm (1922-2010) là nhà thơ lớn trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông sáng tác nhiều thể loại song thành công và nổi bật nhất vẫn là thơ.

Lá diêu bông được giới phê bình văn học đánh là một trong số ít bài thơ tình hay nhất trong mấy chục năm nay. Bài thơ là câu chuyện tình đơn phương của cậu bé tám tuổi đối với người chị nhà bên đã mười sáu.
Lá diêu bông không có thật, chính nhân vật chị cũng không biết, không hiểu nhưng đưa ra lời thách đố. Với nhân vật em, lá diêu bông là điều kỳ diệu, bởi có nó thì cậu sẽ được "gọi làm chồng".
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo
Đứa nào tìm được lá diêu bông

Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em đi tìm thấy lá
Chị chau mày
Đâu phải lá diêu bông.
Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãn bên sông.
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim.
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọi.
Diêu Bông hời...
ới Diêu Bông!
Hoàng Cầm từng kể, ông viết Lá diêu bông vào một đêm mùa đông năm 1959 tại nhà riêng ở phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. Bài thơ là mối tình thật đẹp bắt đầu từ năm ông lên tám tuổi.
"Lời bài thơ do một giọng nữ rất trong trẻo, nhưng không phân biệt được là giọng của ai, cứ đọc lên rành rọt từng lời một và tôi nghiêng người về phía ngọn đèn ngủ chép tốc ký". 
Trần Tiến (sinh năm 1947) là nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc trữ tình Việt Nam với nhiều tác phẩm: Chị tôiSao em nỡ vội lấy chồngChiếc vòng cầu hôn... Sao em nỡ vội lấy chồng là bài hát được sáng tác năm 1990 phỏng theo bài thơ Lá diêu bông của nhà thơ Hoàng Cầm. 
Bài hát kể chuyện một thiếu nữ thề ước với người con trai yêu cô nếu tìm được lá diêu bông thì sẽ lấy làm chồng, mặc dù cô biết đó là một loại lá không có thật. Thời gian trôi qua, người con trai cất công đi tìm chiếc lá thần thoại đó nhưng người yêu của anh đã đi lấy chồng từ thuở nào.
Ru em thời con gái kiêu sa
Em đố ai tìm được lá diêu bông
Em xin lấy làm chồng.
Vào thập niên 1980, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cho Lá diêu bông với nội dung bài thơ được giữ nguyên, nhạc sĩ chỉ thêm vào hai câu ở cuối bài:
Em đi trăm núi nghìn sông
Nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ.
Bên kia sông Đuống ra đời năm 1948 khi Hoàng Cầm đang công tác ở Việt Bắc thì nghe tin giặc Pháp đánh phá quê hương mình.
Sông Đuống có tên gọi khác là Thiên Đức, vốn là nhánh của sông Hồng nối với sông Thái Bình, chia tỉnh Bắc Ninh ra làm hai phần Nam (hữu ngạn) và Bắc (tả ngạn). Quê Hoàng Cầm ở Nam phần tỉnh Bắc Ninh, ngay bên bờ sông Đuống.
Bên kia sông Đuống là bài thơ của thế giới Kinh Bắc, cái nôi văn hóa cổ nổi tiếng một thời với đình chùa lễ hội, với dòng tranh Đông Hồ độc nhất vô nhị và làn điệu quan họ ngọt ngào. Theo chia sẻ của Hoàng Cầm, đây là nơi ông yêu như máu thịt.
Bài thơ lần đầu tiên được đăng trên báo Cứu quốc tháng 6/1948 rồi được phổ biến rộng ra toàn quốc.
Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp loáng
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay.
Cảm hứng chủ đạo trong phần đầu bài thơ là nỗi đau tiếc nuối trước cảnh quê hương thanh bình bị tàn phá. Vùng quê Kinh Bắc trong hoài niệm nhà thơ, được gợi lên bởi hương lúa nếp thơm nồng và những bức tranh làng Hồ, những đình chùa cổ kính, những hội hè đình đám.
Tái hiện trong tâm trí nhà thơ, Kinh Bắc còn là xứ sở của buôn bán sầm uất đông vui, là miền quê lao động và con người cũng mang vẻ đẹp chân chất: những cô hàng xén, những cô dệt sợi, những bà cụ, những em nhỏ...
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Trầm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối. 
Quê hương Bắc Ninh và dòng sông Đuống nhiều lần xuất hiện trong thơ Hoàng Cầm với nỗi nhớ da diết, như ông từng nói về quê cha đất mẹ:
Tôi người quan họ
Quê mẹ bên này sông
Cách quê cha một dòng
Nước trắng…
Ngoài thơ, Hoàng Cầm là tác giả của những tác phẩm kịch thơ tiêu biểu nhất trong phong trào Thơ mới. Vở kịch thơ nổi tiếng đầu tiên Hận Nam Quan ra đời năm 1942.
Vở kịch thơ Kiều Loan cũng ra đời trong thời kỳ này, nhưng chỉ diễn được một đêm thì phải ngừng lại do tình hình chiến sự căng thẳng trước ngày Toàn quốc kháng chiến.
Ngôn từ trong kịch thơ Hoàng Cầm được giới phê bình đánh giá là trau chuốt và gọt giũa tỉ mỉ. Bởi nhiều đoạn thơ, nếu tách ra khỏi vở kịch vẫn có thể là những bài thơ với cảm xúc lạ lùng, hình ảnh thơ đầy ám ảnh, mang đậm dấu ấn tác giả.
Tôi đứng chờ khuya xanh biếc ngõ
Trăng khuya cúi mặt nhớ phương trời
Rượu ngập hàm dương mắt dị kì
Cười rụng đầu người thuyền xuôi máu đỏ
Ta vương tình, trắng nõn áo cung phi.
Hoàng Cầm, tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ra tại làng Lạc Thổ, nay là xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, trong một gia đình nhà Nho nghèo sống bằng nghề làm thuốc Đông y.
Ông làm thơ từ năm lên tám, bắt đầu được in từ những năm 1936-1937. Bút danh Hoàng Cầm xuất phát từ tên của một vị thuốc quý. Ngoài ra, ông còn có các bút danh: Bằng Việt, Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi.
Nhà thơ Hoàng Cầm (phải) và nhà văn Kim Lân năm 2003. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Nhà thơ Hoàng Cầm (phải) và nhà văn Kim Lân năm 2003. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Những năm kháng chiến, Hoàng Cầm gia nhập quân đội, chuyên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Năm 1957, ông là một trong số hội viên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.
Những tác phẩm chính trong sự nghiệp sáng tác của ông gồm: Trương Chi (xuất bản năm 1993), Bên kia sông Đuống (thơ, 1948), Kinh Bắc (thơ, 1959), Men đá vàng (truyện thơ, 1973), Mưa Thuận Thành (thơ, 1959), Lá diêu bông (thơ, 1993), Đến từ hư không (thơ, 2000)...
Từ năm 1993, thơ ông được in nhiều và liên tục được tái bản do nhu cầu tìm đọc của công chúng. Năm 2007, Hoàng Cầm được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Lê Nam
Ai là tác giả bài thơ Lá diêu bông?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét