Dân trí Làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) nằm bên bờ Nam sông Mã. Được đánh giá là 1 trong 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, nơi đây vẫn còn lưu giữ đậm nét dấu ấn văn hóa kiến trúc của nền văn hóa Đông Sơn.
Làng cổ Đông Sơn nằm thu mình giữa một thung lũng nhỏ, có cánh đồng trù mật kề bên. Các tầng văn hóa khai quật được tại di chỉ khảo cổ Đông Sơn đã thể hiện rõ nơi đây có lịch sử định cư liên tục từ thời cổ đại cho tới nay.
Dấu tích còn lại ở làng cổ Đông Sơn chính là các con ngõ nhỏ được lát bằng gạch chỉ đỏ. Bốn con ngõ và bốn xóm được những cư dân trong làng đặt tên là Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng càng tỏ rõ nơi đây từng là một làng quê trù phú, có truyền thống văn hóa rất khuôn mẫu.
Làng vốn được chia thành 6 làng nhỏ, với làng Văn - người học chữ Nho; làng Võ - người đi lính; làng Nhạc - người chơi nhạc; làng Hộ - người trông coi Văn Thánh... Đến nay, người trong làng vẫn tuân thủ những hương ước của làng, với những quy định cụ thể về tang tế, hôn lễ, tế tự, kết chạ...
Những ngôi nhà cổ được xây theo kiến trúc Pháp
Một số ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi cùng hệ thống những di tích Văn Thánh, đền Đức Thánh Cả, Phủ Mẫu, Miếu Nhị, văn bia “Tượng Sơn bi ký”... tại làng không chỉ là di tích, trầm tích văn hóa mà còn là gạch nối gắn kết quá khứ và hiện tại.
Đến với làng cổ Đông Sơn là đến với những ngôi nhà cổ có tuổi đời cả trăm năm. Ẩn chứa trong mỗi ngôi nhà ấy, di tích lịch sử ấy không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, văn hóa, thẩm mỹ mà còn mang trong mình những câu chuyện thú vị và đầy ý nghĩa.
Ngôi nhà của ông Lương Trọng Duệ, ở ngõ Trí được xây dựng từ khoảng hơn 200 năm trước. Căn nhà ban đầu được cất với một nhà chính 3 gian, 2 chái bằng gỗ tốt, lợp ngói âm dương. Các vì, kèo, xà, bẩy... chạm trổ công phu, cầu kỳ mang đậm dấu ấn điêu khắc truyền thống. Ngoài nhà chính còn có 2 nhà ngang đều là nhà 3 gian cũng được những người thợ kỳ công xây cất. Nhà được xây bằng gạch chỉ mỏng, phần mái hiên cũng được lợp ngói.
Căn nhà cổ hơn 200 năm tuổi của gia đình ông Lương Trọng Duệ
Trước cửa chính có hè gắn mành trúc đan hình vuông, cùng với mục đích bình phong còn buộc mỗi người khi ra vào đều phải đi từ hai bên, thể hiện sự tôn nghiêm, lòng thành kính của bề dưới với bề trên. Bởi phía sau tấm mành trúc, bên trong ngôi nhà là nơi thiêng liêng nhất - đặt bàn thờ tổ tiên.
Bức bình phong cũng thể hiện làng cổ quan niệm phong thủy truyền thống của người Việt xưa. Ngoài ngôi nhà của cụ Duệ, hiện làng cổ Đông Sơn vẫn còn 12 ngôi nhà cổ trên trăm tuổi và cả giếng cổ hơn 2.000 năm tuổi.
Không chỉ có kiến trúc cổ độc đáo của ngôi nhà. Căn nhà ông Duệ còn có những bộ sưu tập về tư liệu sản xuất của bà con nông dân hay các dụng cụ đồ đá, đồ đồng, gốm, sứ qua các thời kỳ.
Trong ngôi nhà ông Duệ ngoài kiến trúc cầu kỳ còn có đôi lục bình cổ cũng có độ tuổi vài trăm năm
Những hiện vật trong ngôi nhà cổ này đã tái hiện lại một cách sinh động về đời sống sinh hoạt, sản xuất của vùng quê với nơm, dậm, cối, chày, cày bừa, cuốc xẻng... Hay những mảnh ghép của chiến tranh đã được lưu lại qua mảnh đạn, vỏ bom, bình toong, kẻng báo động...
Với những giá trị kiến trúc nghệ thuật còn lưu giữ được, năm 2006, ngôi nhà của gia đình ông Lương Trọng Duệ đã được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Một góc làng cổ Đông Sơn
Ngoài những ngôi nhà cổ, làng Đông Sơn còn bảo tồn được nhiều di tích liên quan đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo như Văn Thánh, đền Đức Thánh Cả, Phủ Mẫu, Miếu Nhị, Âm Vân tự, Bồ Đề tự, Văn chỉ, Võ chỉ, đình Trung, miếu nhà Bà, văn bia “Tượng Sơn bi ký”...
Nguyễn Thùy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét