Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Chúa Nguyễn Phúc Lan: thủy quân Việt lần đầu thắng quân châu Âu

Dưới thời chúa Nguyễn, công cuộc khai phá miền đất Nam Trung Bộ được đẩy mạnh, thủy quân đầu tiên trong sử Việt đánh bại Hà Lan.

Ảnh minh họa: Nghiencuulichsu
Ảnh minh họa: Nghiencuulichsu
Nguyễn Phúc Lan sinh năm 1601, là con trai thứ của chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Năm 1635, chúa Sãi mất, Phúc Lan lên thay, trở thành vị chúa thứ ba của chính quyền Đàng Trong, được người thời bấy giờ gọi là chúa Thượng.
Năm 1644, được quân tuần biển báo tin Hà Lan đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn, chúa Nguyễn Phúc Lan tập trung quần thần lấy ý kiến. Giữa lúc đó, thế tử Nguyễn Phúc Tần chưa được lệnh của cha đã đốc suất chiến thuyền tiến thẳng, bất ngờ đột kích.
"Chiến thuyền trước sau lướt nhanh như bay. Giặc trông thấy cả sợ, nhằm thẳng phía đông mà chạy, bỏ rơi lại một chiếc thuyền lớn. Thế tử đốc quân vây bắn. Tướng giặc thế cùng phóng lửa tự đốt chết. Thế từ bèn thu quân về", Đại Nam thực lục tiền biên chép.
Chúa Nguyễn Phúc Lan nghe tin thế tử đi một mình nên sợ, tự đốc suất đại binh tiếp ứng. Vừa tới cửa biển, trông khói đen bốc mù trời ở phía xa, chúa liền ra lệnh cho các quân tiến lên. Tới khi được tin thắng trận, chúa mừng lắm. Dù trách móc vì thế tử Phúc Tần tự quyết nhưng chúa vẫn khen ngợi và trọng thưởng.
Chiến thắng trước Hà Lan dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan là lần đầu tiên thủy quân Việt Nam đánh thắng một lực lượng thủy quân từ châu Âu.
Lên ngôi được một năm, chúa Nguyễn Phúc Lan chuyển thủ phủ từ làng Phước Yên (Quảng Điền, Thừa Thiên) qua làng Kim Long (Hương Trà, Thường Thiên).
Theo sách Lịch sử Việt Nam, sau năm 1640 thấy tình hình thuận lợi, “nước nhà phong phú”, “vẫn có ý đánh miền Bắc”, chúa Nguyễn ráo riết cho kén chọn bộ binh, thao diễn trận pháp. Chúa lệnh cho ba huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang làm trường thao diễn thủy quân và cho đắp núi đất cao hơn 300 thước, rộng 150 thước để thao diễn cách bơi chèo và bắn súng.
Thấy vậy, năm 1643 Trịnh Tráng sai Thái bảo Trịnh Tạc và Trịnh Đệ thống lĩnh đại quân xâm phạm Nam Bố Chính. Tướng đứng đầu quân Nguyễn là Bùi Công Thắng chết trận. Quân Trịnh đánh chiếm cửa Nhật Lệ.
Tháng 3/1643, Trịnh Tráng lại dẫn vua Lê tiến đóng quân ở xã An Bài, Bắc Bố Chính (thuộc Bình Chính, tỉnh Quảng Bình, một làng cách cửa sông Gianh chừng 4km). Một tháng sau, Trịnh Tráng sai Trịnh Đào đánh lũy Trung Hòa (thuộc làng Mỹ Hòa, Quảng Bình). Quân Nguyễn phòng thủ vững chắc. Quân Trịnh đánh không được. Trời nóng bức, quân bị chết nhiều, Trịnh Tráng phải cho rút về.
Sau năm năm rút quân, đầu năm 1648, thủy quân của họ Trịnh tiến vào cửa biển Nhật Lệ, mở ra cuộc chiến thứ tư trong nội chiến Trịnh - Nguyễn. Tướng Hoàng Lễ của họ Nguyễn chống cự nhưng bị thua, phải cầu viện Nguyễn Phúc Kiều. Kiều sai Nguyễn Triều Văn đem thuyền chiến đến cứu viện nhưng người này nhút nhát, không chịu tiến khiến quân Trịnh tiến vào chiếm dinh Quảng Bình.
Chúa Nguyễn Phúc Lan sai con trai Nguyễn Phúc Tần cùng các tướng Tống Hữu Đại, Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Triều Văn lĩnh thủy binh, chúa thân chinh đem đại binh đi sau, đóng trại ở Trung Chi (thuộc huyện Đăng Xương).
Quân tiến đến dinh Quảng Bình, Nguyễn Phúc Tần hội bàn các tướng, cho thủy binh phục sẵn ở bên tả sông Cẩm La, chặn đường tháo lui của họ Trịnh, rồi sai Nguyễn Phúc Tiến đem hơn 100 con voi đực, đang đêm đánh thẳng vào dinh quân Trịnh, mở đường cho bộ binh đánh theo sau.
Quân Trịnh bị đánh bất ngờ, thua chạy, lại bị quân thủy đánh truy kích, đều bị chết đuối. Quân Nguyễn đại thắng, bắt sống đươc ba tướng và ba chục nghìn tàn quân của nhà Trịnh
Theo Lịch sử Việt Nam, để xử lý số tù binh này, Nguyễn Phúc Lan đã họp các tướng lĩnh. Có người cho rằng “Quan giặc tráo trơ để đấy sợ sinh biến, không bằng đưa họ đi chốn núi sâu hay nơi hải đảo để khỏi lo về sau”. Lại có người cho rằng “Giết tướng hiệu đi còn thì thả về miền Bắc”.
Nhưng chúa Nguyễn Phúc Lan nói: “Hiện nay từ miền Thăng (tức phủ Thăng Bình), Điện (tức phủ Điện Bàn) trở vào Nam là đất cũ của người Chăm, dân cư thưa thớt, nếu đem chúng an tháp vào đất ấy, cấp cho canh ngưu điền khí, chia ra từng bộ từng xóm, tính nhân khẩu, cấp cho lương ăn để chúng khai khẩn ruộng hoang, thời trong mấy năm, thuế má thu được, có thể giúp quốc dụng, và sau hai mươi năm sinh sản ngày nhiều, có thể thêm vào quân số, có gì mà lo về sau”.
Nói xong, chúa tha cho hơn 60 tỳ tướng trở về, còn ba chục nghìn tù binh được chia nhỏ ra ở các nơi, cứ 50 người lập thành một ấp, cấp cho lương ăn nửa năm. Chúa Nguyễn lại lệnh cho nhà giàu bỏ thóc cho vay và cho họ được tìm lấy những nguồn lợi ở nơi sinh sống.
Từ đó, vùng đất Thăng, Điện đến Phú Yên làng mạc liền nhau, sau thành hộ khẩu. Đây là cuộc thiên cư lớn của họ Nguyễn trong công cuộc khai phá miền đất Nam Trung Bộ.
Theo Đại Nam thực lục tiền biên, năm 1646 chúa Nguyễn Phúc Lan định phép thi 9 năm một kỳ, ra lệnh cho các học trò về khoa chính đồ và khoa hoa văn đến công phủ ứng thi.
Khoa chính đồ thi ba ngày. Ngày thứ nhất thi tứ lục, ngày thứ hai thi thơ phú, ngày thứ ba thi văn sách. Người trúng được định làm ba hạng giáp, ất, bính và được giao các chức vụ tùy thuộc vào từng hạng như tri phủ, tri huyện, huấn đạo…
Khoa hoa văn cũng thi ba ngày, mỗi ngày đều viết một bài thơ. Người trúng cũng chia làm ba hạng và được bổ dụng các chức vụ phù hợp. Kỳ thi này được gọi là “Thu vi hội thí” (thi hội mùa thu).
Năm 1647, chúa Phúc Lan bắt đầu mở khoa thi, được ghi nhận là thi hội mùa thu đầu tiên ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn. Kỳ thi này có bảy người đỗ chính đồ, 24 người đỗ hoa văn, đều được bổ dụng.
Tống thị là vợ lẽ của trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ (người con trưởng đột ngột qua đời của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên), tức chị dâu của chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan.
Năm 1639, Tống thị vào yết kiến. Sách Đại Nam thực lục tiền biên chép: "Tống thị có vẻ xinh đẹp, khéo ứng đối, từng nhân việc vào ra mắt, đem tình trạng đau khổ kêu xin và xâu một chuỗi (ngọc) bách hoa để dâng. Chúa thương tình, cho được ra vào cung phủ. Thị thần có người can nhưng chúa không nghe".
Nhờ vào địa vị với chúa, Tống thị làm giàu bằng cách nhận hối lộ của những kẻ luồn cúi, cầu cạnh, thẳng tay bóc lột dân đen. Bà còn xúi chúa trừng trị những người mà bà oán ghét, những cận thần trung nghĩa dám can gián chúa, những kẻ tỏ ý khinh miệt việc làm bất chính của bà.
Còn chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, từ ngày có Tống thị ở bên, trở nên nóng nảy, xa xỉ. Từ một quân vương chiến công hiển hách, chúa dần bỏ bê quốc sự, coi nhẹ xã tắc sơn hà. Năm 1640, thấy biên cương không có gì đáng lo, chúa quay sang chăm yến tiệc vui chơi, xây dựng cung thất công dịch không ngớt.
Thấy vậy, nội tán họ Phạm, một người cương trực, đã liều thân can rằng: "Xưa kia Nghiêu Thuấn dùng nhà cỏ tranh không xén, xà mộc không đẽo, mà chư hầu cảm nhận, bốn rợ mến đức, hà tất phải nhà cao cửa rộng mới yêu thích đâu? Nay họ Trịnh trên thì ép vua Lê, dưới thì hiếp công khanh, vốn có ý nhòm ngó ta. Chúa nên lo lắng siêng năng, xem xét thời cơ, mở mang bờ cõi. Nếu không nghĩ điều ấy mà chỉ chăm việc thổ mộc, thì thần chưa biết như thế có nên không"?
Chúa nghe và hiểu ý nội tán Phạm, liền nói "Đấy đều là do người ta xu nịnh bày ra, thực không tự ý ta" rồi tức thì ra lệnh đình bãi các việc xây dựng lâu đài, dần lánh xa Tống thị và quan tâm việc chính sự trở lại.
Năm 1648, trong cuộc chiến lần thứ tư với quân Trịnh, chúa Nguyễn Phúc Lan phải tự cầm quân đi hỗ trợ. Sau thấy người không được khỏe mới trao binh quyền cho con trai Nguyễn Phúc Tần và tướng Nguyễn Hữu Dật chỉ huy, còn mình rút về. Bệnh nặng, đến phá Tam Gang thì chúa mất, ở ngôi 13 năm, thọ 48 tuổi.
Lăng Trường Diên ở xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay. Ảnh: Ngọc Thạnh
Lăng Trường Diên ở xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay. Ảnh: Ngọc Thạnh
Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan được an táng tại núi An Bằng thuộc huyện Hương Trà. Lăng mộ chúa được gọi là lăng Trường Diên.
Ngày nay, lăng Trường Diên thuộc xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lăng nằm gần phía dòng Hữu Trạch của sông Hương, cách bờ sông khoảng 300 m, xoay mặt về hướng bắc. Hiện lăng Trường Diên xuống cấp nghiêm trọng với bờ thành ngoài bị vỡ.

Dương Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét