Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Phan Huy Chú: biên soạn bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam

Năm 1821, khi đang làm ở Quốc tử giám, ông dâng sách và được vua Minh Mạng khen là "soạn thật khéo", thưởng hậu hĩnh.

Nhà bác học nổi tiếng thời Nguyễn. 
Nhà bác học nổi tiếng thời Nguyễn
Phan Huy Chú (1782-1840) là nhà bác học lớn của lịch sử trung đại Việt Nam, đã biên soạn Lịch triều hiến chương loại chí, bộ sách được đánh giá là bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam.
Cha ông là Phan Huy Ích, nhà nho có tiếng đậu tiến sĩ đời Hậu Lê, từng làm quan cho nhà Tây Sơn. Mẹ là Ngô Thị Thực, con gái của Ngô Thì Sĩ, em gái của Ngô Thì Nhậm. Ông sinh ra và lớn lên ở thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội ngày nay), được cha mẹ nuôi dạy chu đáo, lại từng được cậu ruột Ngô Thì Nhậm rèn dạy từ lúc 6 tuổi nên nổi tiếng hay chữ.
Sau hai lần thi Hương (năm 1807 và 1819) chỉ đỗ tú tài, ông thôi việc thi cử, chuyên tâm vào nghiên cứu và viết sách. Tác phẩm có giá trị nhất của ông là Lịch triều hiến chương loại chí, gồm 49 quyển, chia làm 10 chí: Dư địa chí; Nhân vật chí; Quan chức chí; Lễ nghi chí; Khoa mục chí; Quốc dụng chí; Hình luật chí; Biên chế chí; Văn tịnh chí; Bang giao chí. Tác giả đã khảo cứu các sự kiện từ triều Lê trở về trước, trọng tâm là triều Lê - Trịnh.
Năm 1809, Phan Huy Chú bắt tay vào biên soạn bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí, đến năm 1819 thì hoàn thành. Để toàn tâm toàn ý cho công việc, ông bỏ nhà vào núi trú ẩn, nhằm tránh khách khứa, bạn bè thường ngày vẫn tìm đến giao du. Thậm chí, ông còn lấy nghệ bôi vào mặt, tay và đun nước thơm như đang sắc thuốc để cáo bệnh mà tránh bạn bè.
Năm 1821, vua Minh Mạng biết tiếng Phan Huy Chú, cho triệu ông vào kinh đô Huế, cử giữ chức Biên tu trường Quốc tử giám ở Huế. Năm này, ông dâng lên vua bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí do mình biên soạn, Vua khen "soạn thật khéo" và thưởng cho ông một áo sa, 30 lạng bạc, 30 cái bút và 30 thỏi mực.
Năm 1960, 120 năm sau ngày ông mất, Hội Sử học Việt Nam đã tổ chức dịch tác phẩm ra chữ quốc ngữ, dày đến 1.450 trang và ghi nhận: "Lịch triều hiến chương loại chí là bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam, là cả một kho tư liệu cần thiết cho công tác nghiên cứu và xây dựng các khoa học xã hội...".
Sách Lịch sử Việt Nam (xuất bản năm 2017) viết: "Lịch triều hiến chương loại chí là bộ bách khoa thư lớn nhất của Việt Nam thời trung đại. Từ nguồn tư liệu sưu tầm công phu, đồ sộ và có hệ thống, tác giả đã cung cấp khối lượng tri thức quan trọng trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa...".
Nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam G.P.Muraseva đánh giá: "Lịch triều hiến chương loại chí xứng đáng được gọi là bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống Việt Nam. Thực tế không có công trình nào sánh nổi về bề rộng của phạm vi các vấn đề trong lịch sử sử học Việt Nam thời phong kiến".
Năm 1823, Phan Huy Chú được bổ nhiệm làm Lang trung bộ Lại. Ông mạnh dạn dâng sớ điều trần bốn việc: bớt thuế, bớt lính; thực hiện chế độ quân điền; bãi bỏ những cuộc hành binh dẹp loạn; nghiêm trị bọn sâu mọt chuyên đục khoét lương dân. Việc dâng sớ điều trần đã bị vua Minh Mệnh quở trách.
Năm 1825, ông được sung vào sứ bộ sang Trung Quốc và năm 1828 làm Thừa phủ Thừa Thiên, rồi một năm sau làm Hiệp trấn Quảng Nam, sau đó bị giáng chức. Năm 1831, ông được cử làm Phó sứ sang Trung Quốc lần hai, khi về bị cách chức vì tội "lạm quyền", cụ thể thế nào thì không được sách sử đề cập. Năm 1832, ông đi Biên lực ở Giang Lưu Ba (nay là Indonesia). Xong nhiệm vụ trở về ông được khôi phục giữ chức Tư vụ bộ Công...
Vua Minh Mệnh chuộng tài năng nhưng dè dặt với tầng lớp nho sĩ Bắc Hà có quan hệ với triều Tây Sơn. Phan Huy Chú cũng như nhiều bậc tài trí thời ấy đã không được vua thực sự tin dùng. Vịn cớ đau yếu, ông xin từ quan về nhà mở trường dạy học ở làng Thanh Mai, nay là xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì rồi mất tại đó năm 1840, thọ 58 tuổi.
Ngôi mộ của Phan Huy Chú ở xã Vạn Thắng năm 2014 được xếp hạng di tích quốc gia. Các hậu duệ của ông đã gìn giữ, xây lại mộ từ năm 1994, trên mộ có ghi chữ quốc ngữ "Mộ tổ họ Phan".
Theo Lịch sử Việt NamHải trình chí lược được Phan Huy Chú viết vào năm 1832, thời gian tác giả được cử đi "hiệu lực" ở Indonesia. Thuyền đi qua đâu, tác giả chép rõ những điều mắt thấy tai nghe ở đó. Ông chú trọng tới kỹ thuật tiến bộ, tổ chức chính trị, quân sự của thực dân Anh, Hà Lan và phong tục tập quán của cư dân bản xứ.
Ngoài Hải trình chí lược, Phan Huy Chú còn có tác phẩm địa lý nổi tiếng Hoàng Việt địa dư chí, là quyển địa lý chung của Việt Nam, được in năm 1833. Ông cũng sáng tác thơ như tập Hoa thiều ngâm lục trong thời gian đi sứ Trung Quốc.
Phố Phan Huy Ích dài 176m, đi từ phố Nguyễn Trường Tộ đến phố Quan Thánh, thuộc quận Hoàn Kiếm. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, thời Pháp thuộc, đây là phố giám mục rue Monseigneur Deydier, sau cách mạng đổi là phố Lê Hữu Cảnh. Thời Pháp tạm chiếm, phố lại được đổi tên là Bùi Viện và từ năm 1964 mang tên Phan Huy Ích.
Phố Phan Huy Chú dài 364m, đi từ phố Lê Thánh Tông đến phố Hàn Thuyền. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, so với bản đồ Hà Nội 1831 thì phần lớn phố này nằm trong lòng hồ Hữu Vọng. Mãi tới năm 1915-1920, khu vực này phần lớn là ao hồ. Sau thực dân Pháp cho lấp đi, mở ra các phố Phan Huy Chú, Phan Chu Trinh, Hàng Chuối... Thời Pháp thuộc, đây là phố rue Raffenel.

Xuân Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét