Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Thầy dạy học của vua Tự Đức nổi tiếng tài ba và viết chữ xấu

Ông là danh tài người Hà Nội, nổi tiếng học rộng, thơ hay, sau khi từ quan đã về quê dạy học.

Thầy dạy học nào của vua Tự Đức nổi tiếng tài ba và viết chữ xấu
Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), húy là Định, sau đổi thành Siêu, tên tự là Tốn Ban, hiệu là Phương Đình. Ông là con của thầy đồ nghèo, quê gốc ở làng Lủ, huyện Thanh Trì (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Theo cuốn Danh nhân Hà Nội, từ nhỏ Nguyễn Văn Siêu đã nổi tiếng về tư chất thông minh và tài năng văn học. Năm 12 tuổi, cậu học trò này tự làm một bức hoành phi và một đôi câu đối dán ở buồng học.
"20 tuổi, Nguyễn Văn Siêu đến tập văn bài tài nhà danh nho Phạm Quý Thích, được tiếng là hay chữ. Với quan niệm đạo vô khúc kính, ông không vội đi thi để tìm đường vào quan lộ. Mãi đến năm 26 tuổi, Nguyễn Văn Siêu mới sắm sửa lều chõng đi thi. Ngay lần đầu tiên, ông đỗ Á nguyên ở trường thi Hà Nội", sách này viết. 
Tài liệu nghiên cứu của tác giả Trần Lê Sáng (Viện nghiên cứu Hán Nôm), cũng cho hay khi học với tiến sĩ Phạm Quý Thích, Nguyễn Văn Siêu dốc chí học tập,  "đêm khuya che đèn ghi chép, chưa từng bỏ sót một chữ".
Hơn 10 năm sau khi đỗ cử nhân thứ hai trong khoa thi Hương (năm 1825), Nguyễn Văn Siêu lại đỗ phó bảng khoa thi Hội (năm 1838). Lúc này, ông được triều đình nhà Nguyễn giao giữ chức Kiểm thảo ở Hàn Lâm Viện, sau thăng lên Nội các, kiêm chức Thị giảng phụ trách việc dạy dỗ các hoàng tử Hồng Bảo, Hồng Nhậm (sau này là vua Tự Đức).
Theo nhiều tài liệu ghi lại, Nguyễn Văn Siêu viết chữ xấu. Vua Tự Đức từng làm thờ đùa rằng:
Thần đâu mà chữ xấu như ma
Lem lọ cho người ngó chẳng ra
Nếu phải họa phù trừ quỷ tặc
Khôn thiêng thì phải hộ Hoàng gia
Tài liệu Danh nhân Nguyễn Văn Siêu - cuộc đời và văn nghiệp của nhà nghiên cứu Trần Lê Sáng và Nguyễn Đình Chú cho biết, Nguyễn Văn Siêu tính tình thẳng thắn, "ai thích thì chơi, không thích thì thôi". Trong bài Phương Đình Tử phóng ca, Nguyễn Đình Siêu từng viết:
Ái ngã giả lai, ố ngã khứ
Khứ hậu bỉ thử vô tiết tiết
Ngã ninh diện xích vô bối phi
Ngã cố tri xảo nhi vi chuyết.
Dịch nghĩa:
Ai yêu ta thì đến, ai ghét ta thì đi
Đi rồi đó cùng đây không tiếc nuối
Ta thà mắng ngay vào mặt, không thèm nói vụng sau lưng
Ta biết thừa cách xảo trá, nhưng cứ ú ớ ra vẻ vụng về.
Khi Cao Bá Quát bị án tru di tam tộc, không ai dám biểu lộ xót thương, riêng Nguyễn Văn Siêu đã làm câu đối viếng hương hồn anh em nhà họ Cao và có bài thơ khóc than cho người bạn chí cốt Cao Bá Quát
Nguyễn Văn Siêu khi bắt đầu làm quan ở Kinh đô Huế (1839) đã được vua Minh Mạng rất yêu quý, tin tưởng. Chưa đầy một năm sau khi bước vào quan trường, ông được vua thăng làm Lễ bộ chủ sự. Dù phẩm hàm còn thấp, Nguyễn Văn Siêu vẫn được đặc cách làm Phó chủ khảo trường thi Thừa Thiên.
"Năm 1841, vua Thiệu Trị lên ngôi, Nguyễn Văn Siêu càng được ưu ái. Ông được thăng Lễ bộ Viên ngoại lang, rồi thăng Nội các Thừa chỉ; năm Đinh Mùi (1847) lại được thăng Thị giảng học sĩ. Chương Hoàng Đế thường thân mật nói chuyện với ông, lại cho Thái tử Hồng Nhậm đến gặp ông, nghe giảng kinh điển và thơ văn. Vào thời gian này, quan Học sĩ Nguyễn Văn Siêu được triều đình giao soạn nhiều văn bản quan trọng...", tài liệu đồng tác giả của Trần Lê Sáng (Viện nghiên cứu Hán Nôm) ghi.
Dưới thời vua Tự Đức (tức Thái tử Hồng Nhậm, trị vì năm 1847-1883), Nguyễn Văn Siêu tiếp tục được tin tưởng, trọng dụng. Vua thăng ông lên làm Thị độc học sĩ, cho đi sứ nhà Thanh để học hỏi nhiều điều, sau về lại thăng chức Tập hiền viện học sinh, Kinh diên khởi cư chú.
Năm 1851, Nguyễn Văn Siêu được bổ nhiệm làm Án sát tỉnh Hà Tĩnh, là chức quan phụ trách án tụng của tỉnh này.
Tài liệu Danh nhân Nguyễn Văn Siêu - cuộc đời và văn nghiệp của nhà nghiên cứu Trần Lê Sáng và Nguyễn Đình Chú ghi chép lại một số câu chuyện Nguyễn Văn Siêu xử án.
Một lần quan Án Siêu thấy hai người đang giành giật nhau kịch liệt một tấm vải. Ông cho gọi đến hỏi và ai nấy cũng nhận tấm vải đó là của mình, tố người còn lại là kẻ cướp. Quan huyện sở tại và mọi người đều cho rằng vụ này khó xử. Nguyễn Văn Siêu sau đó đã dùng mẹo, bảo xé đôi tấm vải chia cho mỗi người một nửa để công bằng.
"Đinh hớn hở thuận ngay, Bính thì rầu rĩ. Quan liền cho lính bắt tên Đinh, bảo: Chính mày cướp vải, vì vậy mày không tiếc xé tấm vải, khôn hồn khai thực sẽ được khoan hồng; nhược bằng điêu toa sẽ bị tội nặng. Tên Đinh thấy quan bắt đúng tội, phải khai thực chính y cướp vải", tài liệu ghi lại. Ở vụ án tìm kẻ trộm gà, Nguyễn Văn Siêu cũng dùng mẹo mà bắt được kẻ gian.
Sau thời gian làm quan ở Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Siêu được đổi về làm Án sát tỉnh Hưng Yên. Khi thấy nhiều cảnh ngược tai, trái mắt chốn quan trường, ông đã xin cáo quan về quê dạy học, biên soạn sách vở và sáng tác văn chương. Nguyễn Văn Siêu nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực từ văn học, sử học, địa lý, triết học... và để lại nhiều tài liệu cho đời sau.
Năm 1865, Nguyễn Văn Siêu đã lên ý tưởng và cho xây dựng cầu Thê Húc, tháp Bút ở khu vực Hồ Gươm, tu sửa đền Ngọc Sơn.
Tháp Bút cao 4m với đỉnh là một ngòi bút lông dựng ngược, trên thân ba tầng có khắc ba chữ Tả thanh thiên (viết lên trời xanh) của Nguyễn Văn Siêu.
Cây cầu dẫn vào đền Ngọc Sơn gồm 15 nhịp, 32 chân gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, được đặt tên là Thê Húc với nghĩa ngưng tụ hào quang.
Với việc góp phần tạo nên cụm di tích nổi tiếng, sau trở thành biểu tượng của Hà Nội, Nguyễn Văn Siêu được đời đời ghi nhớ công ơn. Năm 1872, Nguyễn Văn Siêu mất, ông được lập đền thờ ở quê nhà làng Kim Lũ. Tên của ông được đặt cho đường phố ở quận trung tâm của hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Nhiều trường học cũng đặt theo tên ông.

Quỳnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét