Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Cao Bá Quát :'ông thánh thơ ngông'

Làm quan triều Nguyễn nhưng ông vẫn nghèo vì tính "ngông", không ngại chỉ ra cái sai của vua và quan lại triều đình.

Ai được mệnh danh là ông thánh thơ ngông
Thế kỷ 19, nền văn học Thăng Long (Hà Nội) nổi bật cặp "Thần Siêu" (Nguyễn Văn Siêu) và "Thánh Quát" (Cao Bá Quát). Tài năng văn chương của hai ông đã được vua Tự Đức ngợi khen "Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán", tức văn như của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì đời Tiền Hán cũng không đáng kể nữa.
Cao Bá Quát (1809-1855) quê gốc làng Phú Thị (Gia Lâm, Hà Nội), nhưng sinh ra và lớn lên ở khu Đình Ngang, phía nam thành Thăng Long. Theo cuốn Danh nhân Hà Nội, gia đình ông truyền thông khoa bảng, có nhiều người từng giữ chức vụ trọng yếu trong triều đình như Binh Bộ thượng thư Cao Dương Trạc (đời Lê Trung Hưng), Tư nghiệp Quốc Tử Giám Cao Huy Diệu (thời vua Gia Long). Tuy nhiên, đến thế hệ cha của Cao Bá Quát là Cao Tửu Chiếu chỉ làm thầy đồ nghèo.
"Từ thuở nhỏ, Cao Bá Quát đã nổi tiếng thông minh, học giỏi. Năm 1832 ông thi Hương, đỗ Á nguyên", sách Danh nhân Hà Nội viết. 
Theo Danh nhân Hà Nội, Cao Bá Quát 10 năm theo đòi việc khoa cử. Sau kỳ thi Hương đỗ Á nguyên ở Hà Nội (năm 1832), ông tham gia thi Hội (cấp quốc gia) nhưng nhiều lần không đỗ vì vi phạm trường quy. Tương truyền, quyển thi của Cao Bá Quát thường viết đủ cả 4 lối chữ Chân, Thảo, Triện, Lệ nên bị đánh hỏng.
Dù không đỗ đạt nhưng với tài học rộng, văn hay, năm 1841 Cao Bá Quát được triệu vào kinh đô Huế làm chức Hành tẩu ở bộ Lễ rồi làm quan Sơ khảo ở trường thi Thừa Thiên.
Cuốn Danh nhân Hà Nội ghi lại sự việc này: "Ông cùng bạn tìm cách chữa giúp. Việc bị phát giác, tội của Cao Bá Quát đáng bị chém chết, nhưng sau đó vụ án được xem xét lại, chỉ cách chức và ở tù 3 năm".
Sau một thời gian ra tù, Cao Bá Quát được mời lại vào làm việc ở Viện Hàn lâm của triều đình Huế, chuyên sưu tầm văn thơ. Mặc dù bước vào quan lộ nhưng cuộc đời thi nhân đất Hà thành vẫn luẩn quẩn trong cảnh nghèo khổ, vẫn túp lều tranh rách nát, quần áo giãi dầu nắng mưa bạc thếch
Một lý do khiến Cao Bá Quát dù làm quan nhưng vẫn nghèo khổ là tính "ngông", không ngần ngại "chỉ điểm" cái sai của vua đến quan lại triều đình. Ông thậm chí còn hay dùng thơ để chế giễu chua ngoa những phường xu nịnh, thích thể hiện mình nhưng không tài giỏi.
"Tự Đức là ông vua hay chữ, thích văn chương, thường hay khoe thơ với các quan trong triều đình. Giai thoại kể rằng, một hôm tan buổi chầu, vua Tự Đức nói với các quan rằng: Đêm qua trẫm nằm mơ làm được hai câu thơ thật kỳ lạ, để trẫm đọc cho các khanh nghe. Rồi vua đọc luôn... Cao Bá Quát lúc bấy giờ cũng có mặt, thản nhiên tâu rằng: Tưởng gì chứ hai câu ấy thì từ hồi còn để chỏm đi học, thần đã được nghe rồi. Thần được nghe cả 8 câu kia. Nếu bệ hạ cho phép, thần xin đọc lại tất cả.
Tự Đức đang cao hứng về mấy câu thơ độc đáo của mình, nghe Cao Bá Quát nói thì rất bất ngờ. Ông bảo Bá Quát đọc cho nghe cả bài, nếu không đọc được thì sẽ trị tội kinh thường nhà vua và triều đình.
Cao Bá Quát suy nghĩ một lát như để nhớ lại một bài thơ lâu ngày không nhìn đến rồi cất giọng sang sảng ngâm thơ... Bài thơ vừa đọc xong, các quan nhìn nhau kinh ngạc, còn Tự Đức thì biết Cao Bá Quát chơi xỏ mình, nhưng cũng rất sửng sốt và thán phục. Nhà vua ban thưởng cho Cao Bá Quát chè và quế, nhưng vẫn bắt ông phải thú thật là đã bịa thêm 6 câu", sách Danh nhân Hà Nộichép lại.
Sau nhiều lần tỏ ý kinh miệt triều đình và vua Tự Đức, năm 1851 Cao Bá Quát đã bị đày về làm giáo học ở vùng quê Quốc Oai (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Ít lâu sau, ông xin từ quan lui về ở ẩn.
Với tài văn thơ và cá tính như vậy, Cao Bá Quát được người đời tôn vinh là "ông thánh thơ ngông". 
Năm 1854, Cao Bá Quát tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Cự (thuộc dòng dõi nhà Lê) chống lại triều Nguyễn với vai trò Quốc sư. Cuộc khởi nghĩa bùng nổ ở Mỹ Lương (Hà Tây) sau đó phát triển đánh phá ở hai huyện Thanh Oai và Ứng Hòa.
Nghĩa quân đã đánh chiếm được huyện Kim Bảng (Hà Nam). Đích thân Cao Bá Quát chỉ huy nghĩa quân đánh phá huyện Yên Sơn (năm 1855) và hy sinh trong trận chiến này. Vua Tự Đức sau đó trừng phạt Cao Bá Quát bằng cách tru di tam tộc dòng họ Cao.
Dù bị án với triều đình, văn thơ bị cấm lưu hành và hủy bỏ, nhưng các tác phẩm của ông bằng cách nào đó vẫn được lưu truyền nhiều như: Cao Bá Quát thi tập, Cao Bá Quát thần di cảo, Cao Chu thần thi tập...
Câu chuyện về cuộc đời bi tráng, luôn khẳng khái chống lại cái xấu của Cao Bá Quát được người đời ca tụng. Nhà văn Nguyễn Tuân (ở thế kỷ 20) đã lấy nguyên hình tượng của ông, làm nguồn cảm hứng sáng tạo nhân vật Huấn Cao. Theo các nhà phê bình văn học, Huấn Cao là con người đại diện cho cái đẹp, từ tài viết chữ của một nho sĩ đến cốt cách ngạo nghễ phi thường của một bậc trượng phu, tấm lòng trong sáng của một người biết quý trọng cái tài, cái đẹp.
Một con phố ở quận trung tâm Hà Nội - Ba Đình đã được đặt theo tên "ông thánh thơ ngông" Cao Bá Quát này

Quỳnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét