Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Sài Gòn chuyện đời của phố: Loại sơn 'tân kỳ' và 'mỹ diệu'

Nghệ thuật vẽ tranh sơn mài được tìm tòi và phát triển nhờ các giáo sư và sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, đã sớm có thành tựu với nhiều tác phẩm được yêu thích từ thời Pháp thuộc.
Lớp làm tranh sơn mài tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn
Lớp làm tranh sơn mài tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn
Sau khi hai miền chia cắt năm 1954, sơn mài ở từng miền có hướng đi khác nhau. Ở miền Nam, số họa sĩ theo đuổi nghệ thuật sơn mài không nhiều, nổi tiếng nhất vẫn là họa sĩ tài danh Nguyễn Gia Trí.
Tiếp đó là các họa sĩ Ủ Văn An, Lê Thy, Trương Văn Thanh, Nguyễn Thành Lễ... Năm 1942, họa sĩ Ủ Văn An (cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương) có tổ chức một triển lãm cá nhân tại khách sạn Continental với nhiều phác thảo cho sơn mài, là phong cảnh ông ghi chép trên đường từ VN đến Campuchia. Nhưng cuộc triển lãm lớn về tranh sơn mài ở miền Nam chính là của các giáo sư Trường Mỹ nghệ Gia Định là Lưu Đình Khải, Nguyễn Văn Long và Nguyễn Văn Anh (đều là cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương), tổ chức tại sảnh phía trước Nhà hát Thành phố năm 1952.
Ngành mỹ nghệ ở miền Nam trước và sau 1954 tìm thấy ở nghệ thuật sơn mài cơ hội làm ra những tác phẩm tráng lệ, sang trọng như trước kia từng làm mê mẩn giới sưu tập nghệ thuật thời Pháp thuộc, nên họ đã tiếp tục lưu giữ và phát triển nó. Chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật ngày càng cao trong tác phẩm của các công ty mỹ nghệ lớn như Thành Lễ, Trần Hà ở Bình Dương và Công ty Mê Linh ở Sài Gòn.
Họa sĩ vẽ tranh sơn mài giai đoạn cuối thập niên 1950 cho đến 1975, nay hầu như không còn mấy người. May thay, trong số đó, chúng tôi gặp được họa sĩ Nguyễn Văn Trung, họa sĩ theo đuổi sơn mài khá bền bỉ từ sau 1954 cho đến sau này, để tìm hiểu thêm về hoạt động của giới làm tranh sơn mài trước 1975.
Năm 1958, đoàn đại biểu Nam VN đi dự triển lãm Công giáo quốc tế tại Bruxelles (Bỉ) đặt Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn làm vài tác phẩm để mang đi triển lãm. Trong đó, thực hiện một bộ tranh sơn mài bao gồm 12 bức tranh vẽ 12 giai đoạn cuộc đời của Chúa Giê-su mà Giáo sư Lê Văn Đệ giao cho 12 sinh viên thực hiện, và một bức tranh lớn diễn tả nỗi thống khổ của chúa Giê-su trong sự tích Công giáo dài tới 1,8 m, cao khoảng 1,2 m, gồm ba bức ghép lại.
Sau đó, lại có đặt hàng tranh sơn mài từ tổ chức Lao động miền Nam Việt Nam để tặng tổ chức Lao động quốc tế tại Thụy Sĩ. Đó là bức tranh rất lớn, ngang gần 3 m, dài 7 m lấy tên là Lao động Việt Nam. Khi thực hiện xong tác phẩm này, trường nhận được số tiền lớn, xây hồ nước, xây phòng ủ tranh gắn máy lạnh, mua vật liệu sơn mài. Bức tranh này sau được đưa sang thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) trưng bày trong một cuộc triển lãm của VNCH và có Tổng thống Ngô Đình Diệm sang khánh thành.
Sơn nhân tạo
Khoảng năm 1960, giới kỹ thuật ở Sài Gòn đã sáng chế ra một loại sơn nhằm thay thế nguyên liệu sơn ta giá cao, để làm tranh sơn mài. Đó là sơn nhân tạo của kỹ thuật gia Phạm Văn Thành.
Loại sơn này được báo chí lúc đó cho là “tân kỳ và mỹ diệu, có đủ màu như sơn dầu, dễ dùng, không đắt và rất bền”. Sơn này được giới thiệu là hợp chất của vài nguyên liệu nhập từ nước ngoài, pha trộn với vài thứ nhựa cây trong nước, có cả nhựa cây sơn (không nói là nhựa cây sơn từ đâu), giữ được nguyên thể của nhựa cây sơn nhưng mau khô hơn, chỉ 14 hay 15 tiếng là mài được, có thể dùng cọ hay thổi như sơn ta. Sơn này bóng láng như sơn mài, có thể cẩn trai ốc, khảm vỏ trứng, vẽ vàng bạc được, không cần ủ mài, sơn lên đồ gỗ, đồ sành đều được. Đã vậy khi khô sơn có thể chết như sơn ta, nghĩa là khi lớp này khô, lớp khác chồng lên thì khi mài đi, hai màu không bị lẫn lộn qua nhau.
Với nhiều ưu điểm như vậy, kỹ thuật gia này và một số người rất tin tưởng vào tương lai ứng dụng sơn trong ngành mỹ nghệ miền Nam. Đã có một cuộc triển lãm tranh và đồ mỹ nghệ thực hiện bằng sơn nhân tạo này tại Phòng Triển lãm Đô thành tại Sài Gòn vào tháng 1.1961 và họa sĩ Nguyễn Cường đã dùng sơn này sáng tác các họa phẩm trưng bày tại Câu lạc bộ báo chí Sài Gòn tháng 1.1962. Tuy nhiên, sau những hoạt động đó, không thấy ai nhắc đến phát kiến này nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét