Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Nhà văn Kim Lân :nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam

Vợ nhặt là truyện ngắn của nhà văn Kim Lân viết về thời kỳ xảy ra nạn đói năm 1945, được in trong tập Con chó xấu xí (1962).
Nhà văn Kim Lân.
Nhà văn Kim Lân.
Tiền thân của truyện là tiểu thuyết Xóm ngụ cư, được viết ngay sau khi Cách mạng tháng tám thành công. Tác phẩm đang viết dang dở thì bị mất bản thảo, nhà văn sau đó đã dựa vào cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.
Theo đánh giá của các nhà phê bình văn học, giá trị của Vợ nhặt là tố cáo tội ác của thực dân, phản ánh cuộc sống thê thảm của nhân dân trong nạn đói. Qua đó, Kim Lân đã bộc lộ sự cảm thông với nỗi khổ của những người dân nghèo, phát hiện ra vẻ đẹp trong tâm hồn và nhân cách họ.
Truyện ngắn xuất sắc với tình huống "nhặt" vợ, nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế.
Kim Lân từng viết về Vợ nhặt : "Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết.
Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người".
Năm 1945, nạn đói khủng khiếp lan khắp nước, người chết như rạ, người sống cũng dật dờ như những bóng ma.
Tràng là chàng trai xấu xí thô kệch, ế vợ, làm nghề kéo xe bò thuê và sống cùng người mẹ già ở xóm ngụ cư. Một lần kéo xe thóc liên đoàn lên tỉnh, anh đã quen một cô gái.
Minh họa truyện ngắn Vợ nhặt.
Minh họa truyện ngắn "Vợ nhặt".
Vài ngày sau gặp lại, Tràng không còn nhận ra cô gái ấy bởi vẻ tiều tụy, đói rách làm cô đã khác đi rất nhiều. Tràng đã mời cô gái một bữa ăn, cô gái liền ăn một lúc bốn bát bánh đúc.
Sau một câu nói nửa thật nửa đùa, cô gái theo anh về làm vợ. Việc Tràng "nhặt" được vợ đã làm cả xóm ngụ cư ngạc nhiên, nhất là cụ Tứ (mẹ của Tràng) bàng hoàng bởi bà lo hai người sẽ sống ra sao trong tình cảnh thê lương lúc bấy giờ.
Song, gác lại nỗi lo, bà cụ cũng đã hiểu và chấp nhận con dâu. Nhan đề Vợ nhặt- là vợ theo không, chẳng cưới xin gì đã thu hút sự chú ý của người đọc ngay từ đầu.
Tâm trạng của Tràng buổi sáng đầu tiên khi có vợ được Kim Lân miêu tả khá tinh tế, đó là cảm giác mới lạ chưa từng thấy tràn ngập tâm hồn anh ta. "Trong người êm ái lửng lơ như người vừa trong giấc mơ đi ra".
Tràng bỗng chợt nhận ra xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới lạ, nhà cửa sân vườn, lối đi vừa được quét dọn sạch sẽ hiện ra trước mắt. "Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía, cảm động".
Bữa cơm đầu tiên của gia đình họ khi có nàng dâu trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành.
Minh họa truyện Vợ nhặt.
Minh họa truyện "Vợ nhặt".
Ăn xong, cụ Tứ bê một nồi khói bốc lên nghi ngút mà bà gọi là "chè khoán", múc ra cho con trai và con dâu. "Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy", bà cụ Tứ nói.
Nhiều người nhận xét, nồi cháo cám này là đỉnh cao của tấm lòng người mẹ nghèo thương yêu hai đứa con vừa tìm đến với nhau giữa những ngày đói khủng khiếp.
Truyện kết thúc ở chi tiết vào buổi sáng hôm sau tiếng trống thúc thuế dồn dập, quạ đen bay vù như mây đen. Vợ Tràng nói về chuyện Việt Minh phá kho thóc Nhật và Tràng nhớ lại hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới hôm nào
Làng là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Kim Lân viết về làng quê và những người dân quê. Truyện được sáng tác vào những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, được đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ (1948).
Truyện kể về nhân vật ông Hai - người nông dân yêu tha thiết làng Chợ Dầu. Do chiến tranh và do hoàn cảnh gia đình, ông phải cùng gia đình đi tản cư.
Ông Hai luôn khen làng mình với hàng xóm nơi tản cư với vẻ tự hào. Vui sướng chưa được bao lâu thì ông nghe tin làng Chợ Dầu theo Tây, ông đau khổ, tủi nhục, chỉ biết tâm sự với đứa con út.
Khi cùng đường, ông nhất định không quay về làng vì "làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Sau đó, nhận được tin cải chính, làng Chợ Dầu vẫn kiên cường, bất khuất, ông đã rất vui, đi khoe với mọi người. Từ đó, ông lại càng yêu và tự hào về quê mình hơn.
Làng từng được đưa vào chương trình Văn học bậc THCS.
Nhà văn Kim Lân tên thật Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1920, quê ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ được học hết bậc tiểu học rồi phải đi làm.
Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941, tác phẩm được đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật. Một số truyện Vợ nhặt, Đứa con người vợ lẽ, Đứa con người cô đầu, Cô Vịa… mang tính chất tự truyện nhưng đã thể hiện được không khí tiêu điều, ảm đạm của nông thôn Việt Nam và cuộc sống lam lũ, vất vả của người nông dân thời kỳ đó.
Nhà văn được dư luận chú ý nhiều hơn khi đi vào những đề tài sinh hoạt văn hóa thôn quê như đánh vật, chọi gà, thả chim. Các truyện Đôi chim thành, Con mã mái, Chó săn… kể lại sinh động những thú chơi kể trên, qua đó biểu hiện một phần vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân.
Sau năm 1945, ông tiếp tục làm báo, viết văn. Những tác phẩm chính giai đoạn này gồm Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962).
Ngoài sáng tác văn học, Kim Lân còn tham gia đóng phim với một số vai tiêu biểu như Lão Hạc (phim Làng Vũ Đại ngày ấy), Lý Cựu (phim Chị Dậu), Lão Pẩu (phim Con Vá), Cụ lang Tâm (phim Hà Nội 12 ngày đêm).
Ông mất năm 2007 tại Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét