Món gà rùn dân dã, đậm đà hương vị làng quê cho chén cơm dẻo thơm trong ngày tết. Gà rùn cũng là món “mồi bén” để những bậc cha chú lai rai dăm ly rượu đế, hàn huyên chuyện trò trong ngày xuân se lạnh.
Những ngày xuân xưa cũ, cuộc sống của người dân quê Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn. Mâm cỗ ngày tết dâng cúng tổ tiên được chế biến từ những loại lương thực, thực phẩm tự nuôi trồng trong gia đình. Trong đó, có những món ăn được chế biến từ thịt gà nuôi thả trong vườn nhà.
Thức ăn của chúng là những hạt thóc rơi vãi quanh gốc rơm hay giun, dế nên thịt dai và khá thơm ngon. Chỉ với một con gà nhưng những bà nội trợ khéo tay chế biến thành nem, gà luộc, cháo gà, thêm đĩa lòng… và cũng không thể thiếu vắng món gà rùn.
Món gà rùn còn gọi là món “gà nghèo”, vì được chế biến từ phần chân, đầu, cổ, cánh và xương sống sau khi cắt lấy phần thịt dành cho những món khác. Chọn những phần ấy để riêng rồi chặt miếng vừa ăn, ướp với gia vị khoảng hai mươi phút cho thấm đều.
Cho ít đường đen chế biến theo phương pháp thủ công vào nồi cùng với ít nước rồi đun nhỏ lửa trên bếp thành nước sẫm màu, đặc sánh thì cho gà vào nồi và dùng đũa đảo đều. Sau đó, đậy nắp và đun nhỏ lửa chừng ba mươi phút, nêm gia vị cho vừa ăn rồi nhấc xuống khỏi bếp, dùng vá múc ra đĩa là đã có món gà rùn đậm đà hương vị.
Đĩa gà rùn dẫu “xương xẩu” nhưng thật bắt mắt với màu vàng sẫm của đường thắng dẻo. Thêm đĩa gà rùn, mâm cỗ đẹp tựa bức tranh đa sắc giữa ngày xuân. Miếng gà rùn với vị ngọt từ đường quyện cùng vị mặn của muối, cay dịu của tiêu lưu mãi nơi đầu lưỡi, chén cơm gạo lúa mới dẻo thơm hơn thường ngày.
Con trẻ nhẩn nha nhấm nháp gà rùn sau cả buổi xúng xính trong bộ quần áo mới, rong chơi cùng chúng bạn. Đĩa gà rùn nằm cạnh chai rượu quê để cha lai rai, chuyện trò với xóm giềng cho thêm tình thân hữu.
Cuộc sống giờ đủ đầy với cao lương mỹ vị trong mâm cỗ ngày tết của nhiều gia đình. Dẫu vậy, nhiều người dân quê tôi vẫn chế biến món gà rùn để tìm hương vị xưa cũ, gợi nhớ về những ngày xuân thắm đượm tình quê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét