Ông là thương nhân nổi tiếng của Hà Nội những năn cuối thế kỷ 19, đầu 20, sở hữu đội tàu chạy khắp tuyến đường sông trong và ngoài nước.
Đầu thế kỷ 20, người Hà Nội xếp hạng "tứ hổ" đất Tràng An là "Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi". Người thứ tư trong danh sách này là doanh nhân Bạch Thái Bưởi - một trong những người giàu có, thành đạt nhất Hà thành. Ông được biết đến với nhiều tên gọi như "Chúa biển Bắc Kỳ", "Ông vua tàu thủy"...
Theo Danh nhân Hà Nội, Bạch Thái Bưởi (1874-1932) quê làng An Phú, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Sinh ra trong gia đình nông dân họ Đỗ nghèo khó, vì cha mất sớm, ông phải phụ giúp mẹ kiếm sống bằng nghề bán hàng rong. Sau đó, có một người nhà giàu họ Bạch nhận ông làm con nuôi và cho ăn học. Ông đổi từ họ Đỗ sang họ Bạch, có tên là Bạch Thái Bưởi.
21 tuổi, Bạch Thái Bưởi được Phủ thống sứ Bắc Kỳ chọn làm người giới thiệu những sản phẩm của xứ Bảo hộ Bắc kỳ ở Pháp. Trước đó, ông học chữ quốc ngữ, tiếng Pháp nhưng bỏ dở để đi làm ký lục cho một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền (Hà Nội). Sau ông chuyển sang làm cho một xưởng thuộc hãng thầu công chính. Lần đầu tiên Bạch Thái Bưởi được tiếp xúc, thu nhận những hiểu biết về máy móc, cách tổ chức, quản lý sản xuất. Ông sớm gây dựng được uy tín trong lĩnh vực mới mẻ này.
Theo Danh nhân Hà Nội, khi Bạch Thái Bưởi từ Pháp trở về Việt Nam là lúc chính quyền thực dân đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, mở rộng xây dựng cầu, cảng, đường xá. Nhận thấy cơ hội lớn trong việc cung cấp gỗ cho chính quyền thuộc địa xây dựng các tuyến đường sắt, Bạch Thái Bưởi đã chung vốn buôn bán sản phẩm này.
Vụ buôn gỗ thắng lớn, "lời lãi được mấy vạn bạc", khiến Bạch Thái Bưởi trở nên nổi tiếng, được gọi là "người "Việt Nam buôn bán ngang hàng với Tây".
Sau 3 năm kinh doanh phát đạt, Bạch Thái Bưởi tách ra làm riêng, chuyển sang buôn ngô xuất khẩu. Thương vụ này khiến ông thua lỗ lớn vì vụ ngô mất mùa, giá tăng cao nên không thu mua đủ số lượng theo hợp đồng.
Không dừng bước trước thất bại, Bạch Thái Bưởi tung nốt những đồng vốn cuối cùng vào kinh doanh hiệu cầm đồ của người Hoa ở Nam Định, thầu thuế chợ ở Vinh và Nam Định, kinh doanh nấu rượu ở Thái Bình, mở hiệu cơm ở Thanh Hóa, chung vốn mở nhà in Đông Kinh ấn quán, đầu tư khai thác mỏ than Quảng Ninh...
Năm 1909, Bạch Thái Bưởi bắt đầu kinh doanh vận tải đường sông, khi doanh nhân người Pháp và Hoa kiều đang chiếm lĩnh toàn bộ thị trường này. Ông thuê lại 3 tàu của một hãng tàu Pháp, chở thư và hành khách đường sông Bắc kỳ, chạy tuyến Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Vinh - Bến Thủy.
"Thương nhân Hoa kiều và người Pháp đã liên kết với nhau hòng bóp chết đối thủ... Bạch Thái Bưởi quyết định hạ giá vé xuống một phần thì lập tức người Hoa hạ giá xuống hai phần... Hai bên cũng không ngừng tân trang tàu và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Tuy nhiên, các chủ người Hoa trường vốn hơn, đã quyết chí đánh bại Bạch Thái Bưởi bằng mọi cách. Bị cạnh tranh quyết liệt, Bạch Thái Bưởi đứng trước nguy cơ phá sản", sách Danh nhân Hà Nội viết.
Đứng trước nguy cơ bị phá sản vì sức ép của doanh nhân người Pháp, Hoa kiều, Bạch Thái Bưởi đã nghĩ ra "thứ vũ khí" mà đối thủ không bao giờ có được, đó là tình đoàn kết, tinh thần dân tộc. Ông đưa người tới các bến tàu diễn thuyết, vận động, phân tích, nêu rõ những thiệt thòi của người Việt Nam và kêu gọi tinh thần tương thân tương ái, người Việt giúp người Việt.
"Bạch Thái Bưởi treo một cái ống trên tàu để người nào thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích thì bỏ tiền vào để giúp chủ tàu giảm lỗ. Kết quả là hành khách dần rời bỏ tàu của người Hoa mà đi tàu người Việt. Từ chỗ không thu đủ tiền thuê tàu, ông đã trả đủ, rồi mua lại 3 con tàu đã thuê", sách Danh nhân Hà Nội viết.
Trên đà thắng lợi, năm 1912 Bạch Thái Bưởi mở thêm tuyến đường thủy mới từ Nam Định đi Hải Phòng. Cuộc cạnh tranh giữa ông và doanh nhân người Pháp, Hoa dần đến hồi kết khi chiến tranh thế giới thứ hai làm cho các đội thủ bị phá sản. Tranh thủ thời cơ, Bạch Thái Bưởi thâu tóm các đội tàu, mua luôn xưởng sửa chữa và đóng tàu của công ty Pháp.
Sau 7 năm kinh doanh trên sông nước, Bạch Thái Bưởi đã tạo dựng cơ nghiệp khép kín từ chạy tàu đến đóng tàu, sửa chữa và đặt được các chi nhánh ở nhiều nơi. Đội tàu vận tải của ông lúc này lên tới 20 chiếc vừa chở khách, vừa cho thuê chở hàng, chạy khắp các tuyến đường sông ở Bắc và Trung kỳ.
Năm 1916, trong Hội nghị kinh tế, do bênh vực quyền lợi của người dân bản xứ bị trị, Bạch Thái Bưởi bị nhiều quan lại người Pháp đe dọa.
Sách Danh nhân Hà Nội ghi lại màn đối đáp giữa Thống sứ Bắc Kỳ và doanh nhân họ Bạch: "Thống sứ Bắc Kỳ là René Robin nguyền rủa rằng: Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi. Ông đã khảng khái đáp lại: Nước này có Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin".
Bạch Thái Bưởi sau đó tiếp tục thành công trên thương trường đường thủy và được mệnh danh là "ông vua tàu thủy", "chúa sông Bắc Kỳ". Công ty của ông mở rộng hoạt động ra khắp Đông Dương, sang cả Hong Kong, Trung Quốc, Nhật Bản...
Tháng 9/1919, công ty của Bạch Thái Bưởi hạ thủy tàu Bình Chuẩn hoàn toàn do người Việt thiết kế, đóng lấy. Tàu dài 42m, rộng 7,2m, trọng tải 600 tấn, chạy bằng hơi nước, vận tốc 8 hải lý/giờ. Sự xuất hiện của chiếc tàu "khổng lồ" do người Việt Nam đóng, nhận được sự chào đón nồng nhiệt của giới công thương.
Sự kiện hạ thủy tàu Bình Chuẩn được xem là tượng trưng cho phong trào "Chấn hưng thương trường cổ động thực nghiệp" của giới tư sản Việt Nam lúc đó.
"Mục đích cuối cùng của phong trào thực nghiệp mà Bạch Thái Bưởi phát động và cổ vũ là cốt làm giàu vì dân giàu thì nước mới giàu", tác giả cuốn Danh nhân Hà Nội nhận xét. Cây viết nổi danh Nguyễn Văn Tố (tức Ứng Hòe) từng tôn vinh ông trên tạp chí Đông Thanh là "Bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong giới kinh tế nước nhà".
Năm 1929, việc kinh doanh của Bạch Thái Bưởi dần sa sút rồi phá sản, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và tàu An Nam của ông chở 150 tấn xi măng bị đắm. Dù còn ấp ủ nhiều dự định lớn lao như: xây nhà máy xay gạo ở Nam Định, đặt ống cống, xây dựng nhà máy nước, nhà máy điện cho thành phố này... nhưng doanh nhân Hà Nội không thể thực hiện. Ông đột ngột mất sau cơn đau tim, thọ 58 tuổi.
Để vinh danh người đã cống hiến cho kinh tế nước nhà, đấu tranh cho dân tộc, tên của Bạch Thái Bưởi đã được đặt cho một con đường tại quê nhà Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội). TP Nha Trang cũng có một con đường ngập tràn hoa giấy được mang tên ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét