Mường Lống nằm ở độ cao 1480 m, là một thung lũng giữa những ngọn núi của vùng cao Kỳ Sơn. Người ta vẫn gọi Mường Lống là “Sa Pa của xứ Nghệ”. Đây là vùng đất đặc trưng với 2 mùa rõ rệt: mùa đông và mùa khô kéo dài, là nơi sinh sống của bà con dân tộc Mông.
Nếu như trước đây, đường vào Mường Lống là một thử thách lớn thì đến nay, con đường trải nhựa phẳng sẽ đưa bạn đến Trung tâm xã không mấy khó khăn. Và mùa Xuân là mùa thích hợp nhất để bạn khám phá vùng đất ngập ngời hoa và sương này.
Đi qua Cổng Trời, Mường Lống hiện ra trước mắt bạn qua màn sương trắng mờ ảo diệu. Bạn sẽ không tin nổi, chỉ với một quãng đường ngắn vậy mà bạn như đã lạc vào một miền đất khác, với nhịp sống chậm rãi, yên bình, và nhịp sống ấy trôi đi trong một khung cảnh thơ mộng như chỉ có trong mơ.
Đến Mường Lống sẽ gặp những ngôi nhà gỗ người Mông tựa lưng vào núi. Những ngôi nhà thấp (vì người Mông trước đây hoàn toàn làm thủ công) phù hợp với vùng rẻo cao để tránh sương giá, gió lùa, mưa tạt. Những ngôi nhà màu nâu sẫm với những gác củi kế bên. Củi được đi lấy ở những cánh rừng xa, vì vùng này toàn rẫy đá, và được xếp cẩn thận trong những căn gác lợp mái này. Bếp củi trong nhà người Mông lúc nào cũng đỏ lửa. Vì củi không chỉ phục vụ đun nấu mà còn để người Mông sưởi ấm suốt mùa giá rét. Và trong gian bếp ấy, hầu như nhà nào cũng đều có cối xay ngô, giã thóc.
Có cảm giác rằng tất cả những sinh hoạt thường ngày của người Mông Mường Lống đều diễn ra dưới những tán hoa đẫm sương. Hoa mận, hoa đào rung rinh trên thân cành xù xì rêu mốc. Nếu như mận trắng đến tinh khiết thì đào đá lại hồng lung linh như màu má của những thiếu nữ Mông. Những cô thiếu nữ ngồi thêu bên ô cửa, chỉ thoáng ngẩng lên khi có đám khách lao xao lạ lẫm bên đường. Những thiếu nữ Mông dường như trôi qua tuổi thanh tân quá nhanh để làm đàn bà, nhẫn nại bên bếp lửa với cối xay ngô, nhẫn nại những bước chân vượt dốc xuống chợ, nhẫn nại những bước chân leo rẫy đá…
Đám trẻ con Mường Lống thì hồn nhiên nhất trên đời. Chúng như không hề biết đến sương giá. Dưới những mái sa mu khum khum, dưới tán hoa mận trắng, chúng rủ nhau chơi cù quay, chơi trượt bánh xe. Đứa nào dường như cũng khỏe khoắn, ít bệnh tật. Chúng lớn lên như cỏ cây và biết làm việc từ rất sớm. Nhỏ thì chúng sống trên lưng mẹ, theo bước chân dập dềnh mẹ chúng leo dốc đi làm nương rẫy, đi chợ, đi chơi… Còn lớn hơn một chút chúng đã biết làm việc nhà, biết giúp bà, giúp mẹ xay ngô, biết kiếm củi, gùi củi…
Lễ hội mùa xuân, với trò ném pao, ném còn, chọi bò là nét văn hóa truyền thống của bà con người Mông. Trong những ngày hội ấy, trai gái gặp nhau và bao đôi lứa đã nên duyên. Chợ Mường Lống họp tại trung tâm xã, tháng 2 phiên, cũng là dịp để đồng bào Mông gặp gỡ, giao lưu bên cạnh việc mua bán, trao đổi hàng hóa.
Trước những năm 1990, Mường Lống - Mường Quên được xem là “thủ phủ” của cây thuốc phiện. Loài hoa rực rỡ với hương say quyến rũ chết người ấy đã khiến bao nhiêu người lên đến đây mà “lạc đường, quên lối”. Và sau khi bà con nghe lời Đảng. Chỉnh phủ xóa bỏ cây thuốc phiện, thì thung lũng này đã trở thành “thủ phủ”của mận và đào. Những loài cây này đã biến Mường Lống thành thiên đường hoa.
Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Lống còn khá cao (50,3%) do người dân còn sản xuất, canh tác manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu tự cung tự cấp. Bù lại, Mường Lống còn giữ được vẹn nguyên nhịp sống và bản sắc văn hóa Mông. Tiềm năng lớn nhất của Mường Lống chính là du lịch, chỉ có điều hiện tại ở đây cơ sở vật chất để phục vụ ngành công nghiệp không khói này còn chưa được hình thành.
Hy vọng trong tương lai không xa, Mường Lống sẽ “vượt khỏi Cồng Trời” bằng du lịch, xứng danh là thiên đường hoa của xứ Nghệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét