Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Gia Định trở thành đơn vị hành chính của Việt Nam thời chúa nào?

Là chúa thứ sáu của chính quyền Đàng Trong, ông có công lớn trong việc mở mang "nghìn dặm" bờ cõi phía nam.

Lăng chúa Nguyễn này có tên là Trường Thanh, nằm ở thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay. Ảnh: Võ Thạnh
Lăng chúa Nguyễn này có tên là Trường Thanh, nằm ở thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay. Ảnh: Võ Thạnh
Nguyễn Phúc Chu sinh năm 1675. Năm 1691, khi mới 17 tuổi, chúa cha Nguyễn Phúc Thái qua đời. Phúc Chu được nối ngôi, trở thành vị chúa Nguyễn thứ sáu của chính quyền Đàng Trong. Trong thời gian chúa Phúc Chu trị vì (từ năm 1691 đến năm 1725), lãnh thổ Đại Việt được mở rộng đáng kể sau nhiều cuộc chiến với Chiêm Thành và Chân Lạp.
Sách Lịch sử Việt Nam viết, năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử quan lại của triều đình vào kinh lược xứ Đồng Nai, nơi có sẵn nhiều cư dân người Việt làm ăn sinh sống từ những năm đầu của thế kỷ. Viên quan được lãnh trách nhiệm này là Nguyễn Hữu Kính (còn gọi là Nguyễn Hữu Cảnh).
Theo Đại Nam thực lục tiền biên, chúa Nguyễn Phúc Chu "sai Thống suất Nguyễn Hữu Kính kinh lược đất Chân Lạp, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định)". Mỗi dinh này đều được thiết lập bộ máy quan chức giống ở các nơi khác.
Đến đây, chính quyền họ Nguyễn đã "mở rộng đất được nghìn dặm" và tăng dân số được "hơn bốn vạn hộ". Sau khi ổn định về mặt tổ chức hành chính, những dân xiêu dạt từ Bố Chính trở vào nam được đưa đến ở và canh tác cho đông đúc rồi tiếp tục thiết lập xã, thôn, phường, ấp, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương, định lệnh thuế tô dung, làm sổ đinh điền. Chúa lấy người Thanh (Trung Quốc) buôn bán ở Trấn Biên lập làm xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn lập thành xã Minh Hương. Từ đó người Thanh ở đây buôn bán đều trở thành cư dân thuộc chính quyền các chúa Nguyễn.
Với việc kiện toàn nhiều mặt như trên, vùng đất Gia Định cho đến cuối thế kỷ 17 thực sự trở thành một đơn vị hành chính quan trọng của chính quyền các chúa Nguyễn, đồng thời cũng trở thành trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa quan trọng của cả vùng đất Nam Bộ. Trước đó, Gia Định thuộc Chân Lạp. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, Chân Lạp thần phục họ Nguyễn nên chúa đã cho người đến vùng đất này khai phá.
Ngoài Gia Định, chính quyền chúa Nguyễn còn có được vùng đất Hà Tiên của Chân Lạp vào năm 1708 do Mạc Cửu, người khai phá vùng đất này đến xin chúa Nguyễn được làm Tổng binh trấn Hà Tiên.
Chúa Nguyễn Phúc Chu là cư sĩ Phật giáo mộ đạo, có nhiều công lao trong việc trùng tu chùa chiền và hỗ trợ truyền bá Phật pháp trong nước. Ông rất quan tâm việc xây dựng, tu bổ chùa miếu.
Năm 1710, chúa cho đúc chuông chùa Thiên Mụ, làm bài minh khắc vào chuông. Bốn năm sau, chúa cho trùng tu chùa Thiên Mụ. Sách Đại Nam thực lục tiền biên viết: “Chúa thân chế bài văn bia để ghi, sai người sang nước Thanh mua kinh Đại tạng cùng luật và luận hơn nghìn bộ để ở tự viện. Đằng trước chùa kề sông, dựng đài câu. Chúa thường ra chơi. Bấy giờ nhà sư ở Chiết Tây tên là Đại Sán, vì thiền mà được yêu dùng, sau về Quảng Đôn, lấy những gỗ quý chúa ban cho mà dựng chùa Trường Thọ".
Năm 1716, chúa còn cho sửa chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch. Năm 1721, chúa cho dựng thêm chùa Hoàng Giác ở xã Hiền Sĩ (huyện Phong Điền) và cũng ban cho chiếu biểu vàng…
Song song với việc phát triển đạo Phật, thời bấy giờ, các chúa Nguyễn cấm đoán việc giảng đạo Thiên Chúa. Theo sách Lịch sử Việt Nam, chúa Nguyễn Phúc Chu từng ra lệnh đuổi giáo sĩ và cấm dân gian theo đạo Thiên Chúa, nhưng lệnh ban ra không thi hành nghiêm ngặt.
Không chỉ có công lớn trong việc mở mang bờ cõi, phát triển Phật giáo, chúa Nguyễn Phúc Chu còn quan tâm đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục thi cử.
Năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu cho mở hai khoa thi vào tháng 3 và 8. Khoa thi tháng 3 lấy đỗ 60 người, quy định: "Người đỗ Giám sinh được bổ Văn chức và Tri huyện, Sinh đồ được bổ Huấn đạo, Nhiêu học được bổ Lễ sinh, Hoa văn được bổ vào ty Tướng thần lại và ty Lệnh sử, Thám phỏng được bổ vào ty Xá sai".
Cũng vào năm 1695, tháng 8 chúa Nguyễn Phúc Chu bắt đầu tổ chức kỳ thi Văn chức và Tam ty ở sân phủ dành riêng cho quan lại gọi là Đình thí (thi Đình).
Thi Văn chức gồm kỳ thi đệ nhất thi tứ lục, đệ nhị thi thơ phú, đệ tam thi văn sách giống như khoa thi Chính đồ. Còn thi Tam ty thì về công việc của từng ty. Ví dụ, ty Xá sai hỏi về số tiền thóc xuất nhập và việc ngục tụng xử quyết trong một năm… Việc thi cử này mới dừng lại ở việc khảo thí quan lại đang làm việc chứ chưa mang tính chất đào tạo tuyển dụng quan lại mới.
Thời điểm Nam Bắc nghỉ binh được hơn 30 năm, trong cõi yên ổn, trăm họ giàu có đông đúc, người ta gọi là đời thái bình thì chúa Nguyễn Phúc Chu qua đời, ở ngôi 34 năm, thọ 51 tuổi.
Theo Đại Nam thực lục tiền biên, ông có 146 người con. Hoàng tử cả là Nguyễn Phúc Chú (có tài liệu viết là Nguyễn Phúc Thụ) được nối ngôi. Lên ngôi ở tuổi 29, ông được người đời gọi là chúa Ninh, chúa thứ bảy của chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong.
Trong thời gian trị vì, chúa Nguyễn Phúc Chú ban bố các điều khuyên răn dân chúng siêng năng cày cấy, cấm nạn rượu chè, cờ bạc. Chúa định lại quan chế, cử quan lại giữ gìn và mở mang các xứ. Dưới thời chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú, Chân Lạp vào cướp Gia Định nhưng nhanh chóng bị đánh dẹp, miền Nam tương đối ổn định và phát triển.
Ở ngôi được 13 năm, đến năm 1738, chúa Nguyễn Phúc Chú qua đời, thọ 43 tuổi. Chúa được đánh giá có công trong việc thiết lập đơn vị hành chính mới, giữ gìn và mở mang vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.
Lăng của chúa Nguyễn Phúc Chú ở Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Ảnh: Võ Thạnh
Lăng của chúa Nguyễn Phúc Chú ở Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Ảnh: Võ Thạnh
Lăng chúa Nguyễn Phúc Chú có tên là Trường Phong, nằm ở thôn Định Môn, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lăng ở bên cạnh khe Trường Phong, cách bờ sông Hương gần 2 km, xoay mặt về hướng chính bắc.

Dương Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét