(Kiến Thức) - Ngay cả những người sống lâu năm ở Đà Lạt, cũng không mấy ai biết rằng, phía Tây Nam của thành phố này có một quần thể lăng mộ tráng lệ Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào, cha ruột Nam phương Hoàng hậu, vợ Hoàng đế Bảo Đại.
Quốc trượng vua Bảo Đại
Ông Nguyễn Hữu Hào quê huyện Gò Công, nay thuộc tỉnh Tiền Giang, vốn sinh ra trong một gia đình khá giả. Từ nhỏ ông đã được cha mẹ nuôi cho ăn học tử tế ở các trường Tây và có bằng Tú tài. Ông được xem là người nhạy bén với thời cuộc, có kiến thức sâu rộng về hoạt động kinh doanh và chí làm giàu.
Cuộc đời ông chỉ thực sự đổi thay sau khi lấy vợ. Đến tuổi lập gia đình, ông Hào cưới bà Lê Thị Bính. Gia đình bà Bính thuộc diện giàu nhất đất Nam kỳ, là con gái của đại điền chủ huyện sĩ Lê Phát Đạt.
Theo các tài liệu còn lưu lại, chỉ tính riêng quận Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc Cần Thơ), vào năm 1928 gia đình ông Nguyễn Hữu Hào đã có hơn 1.000 mẫu ruộng. Sau khi lập gia đình, được sự hậu thuẫn từ phía nhà vợ, ông Nguyễn Hữu Hào không ngừng mở rộng đất đai, đồn điền trồng lúa, cao su… ở các tỉnh Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và vùng Tây Nguyên, trong đó có Đà Lạt.
Vợ chồng ông Hào sinh được hai người con gái, là Agnès Nguyễn Hữu Hào và cô em là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào (Nguyễn Hữu Thị Lan).
Trưởng nữ Agnès Nguyễn Hữu Hào sau đó được gã cho Nam tước Pierre Didelol, bấy giờ đang giữ chức Khâm mạng Hoàng triều cương thổ (thuộc các tỉnh Tây Nguyên ngày nay). Thứ nữ Mariette Jeannette Nguyễn Hữu Thị Lan là người có nhan sắc hơn người, thông minh, học rộng, có bằng Tú tài toàn phần năm 18 tuổi, thuộc diện nữ giới học cao bậc nhất đất Nam kỳ bấy giờ.
Trước tài sắc toàn diện của Nguyễn Hữu Thị Lan, cô được một số viên chức người Pháp thân cận với hoàng đế Bảo Đại chọn để cho tiếp cận, làm quen với nhà vua.
Ngay lần gặp gỡ đầu tiên, vị Hoàng đế trẻ tuổi đã nhanh chóng say mê sắc đẹp thùy mị của Nguyễn Hữu Thị Lan. Thậm chí, trước khi nhận lời cưới Hoàng đế, Nguyễn Hữu Thị Lan còn ra 4 “điều kiện” với Bảo Đại, trong đó có việc phải phong Hoàng hậu cho cô ngay sau lễ cưới. Đây là điều mà trong các vị vua trước đó dưới triều đại nhà Nguyễn chưa từng có tiền lệ.
Thông thường, việc phong Hoàng hậu chỉ được thực hiện sau khi người đó đã qua đời. Bên cạnh đó, Nguyễn Hữu Thị Lan đề nghị được giữ nguyên đạo Thiên chúa, Bảo Đại vẫn theo đạo Phật và được Tòa thánh La Mã cho phép đặc biệt hai người lấy nhau, giữ hai tôn giáo khác nhau, không ai được bắt buộc ai về tôn giao. Đây cũng là điều chưa từng có tiền lệ.
Ngày 6/2/1934, tại điện Kiến Trung trong Hoàng thành Huế, đã diễn ra lễ cưới của Nguyễn Hữu Thị Lan và vị Hoàng đế cuối cùng của xã hội phong kiến Việt Nam. Sau khi phong Nguyễn Hữu Thị Lan là Nam phương Hoàng hậu, 3 năm sau, ngày 30/7/1937, Bảo Đại phong tước quốc trượng cho cha vợ (ông Nguyễn Hữu Hào) là Long Mỹ Quận công.
Tuy nhiên, chỉ hơn tháng sau, ông Nguyễn Hữu Hào qua đời ở Đà Lạt. Bà Lê Thị Bính cũng được nhà vua phong tước Nhị phẩm phu nhân.
Cao nhân phong thủy chọn vị trí đặt mộ
Sinh thời, ông Nguyễn Hữu Hào rất yêu mến vùng đất cao nguyên này, gia đình ông cũng đã cho người khai khẩn hàng trăm hecta đất, lập nên những trang trại cà phê, chè, rộng lớn tại vùng Xuân Trường, Trạm Hành và trung tâm TP Đà Lạt ngày nay.
Nhiều dinh thự có vị trí đẹp tại Đà Lạt cũng đã được Bảo Đại mua lại từ các quan chức Pháp, trong đó nổi tiếng nhất là dinh I, II và III (nay trở thành điểm tham quan của khách du lịch khi đến Đà Lạt).
Thân phụ Nam Phương Hoàng hậu thể hiện sự giàu có bằng việc mua lại hoặc cho xây dựng những căn biệt thự tráng lệ tại Đà Lạt. Tiêu biểu bậc nhất là căn biệt thự sang trọng, uy nghi trên một quả đồi thông hướng về phía hồ Xuân Hương, nay thuộc đường Hùng Vương, TP Đà Lạt. Sau đó, căn biệt thự này được vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hào tặng con gái Nguyễn Hữu Thị Lan với tên gọi là Cung Nam phương Hoàng hậu. Bây giờ cung biệt thự này thuộc sở hữu của Bảo tàng Lâm Đồng và vẫn còn nhiều đồn đại về một đường hầm thoát hiểm từ căn biệt thự dẫn ra rừng thông phía sau.
Lại nói về Quận công Nguyễn Hữu Hào, những tháng năm cuối đời, vợ chồng ông hầu như chỉ sinh sống ở Đà Lạt mà ít khi trở về quê nhà Gò Công. Mặc dù quê gốc ở Nam bộ nhưng quốc trượng của vua Bảo Đại lại có nguyện vọng sau khi qua đời sẽ được chôn cất tại Đà Lạt.
Bởi vậy, sau một thời gian ông Nguyễn Hữu Hào lâm bệnh, biết khó có thể qua khỏi, ngoài việc gấp rút phong tước Long Mỹ Quận công, Hoàng đế Bảo Đại và Nam phương Hoàng hậu đã mời nhiều cao nhân phong thủy tìm vị trí đặt lăng mộ cho quốc trượng sau khi qua đời.
Đỉnh một quả đồi cao phía Tây Nam, đối diện với thác Cam Ly, nay thuộc phường 5, TP Đà Lạt được Nhà vua và Hoàng hậu lựa chọn.
Ngày 13/9/1937, ông Nguyễn Hữu Hào mất và được Bảo Đại cho an táng theo nghi thức tước Quận công. Tổng thể khu lăng mộ được xây dựng liên tục trong 4 năm, đến ngày 10/9/1941 thì hoàn thành.
Khu lăng mộ Nguyễn Hữu Hào là công trình kiến trúc tráng lệ, uy nghi, tọa lạc tại một vị trí được coi là đắc địa, cao điểm long mạch, cổng trước hướng về trung tâm TP Đà Lạt.
Hoang phế lăng mộ thân phụ Nam Phương Hoàng hậu ở Đà Lạt
(Kiến Thức) - Trải qua hơn 80 năm, đáng tiếc thay, quần thể lăng mộ Quận Công Nguyễn Hữu Hào - thân phụ Nam Phương Hoàng hậu - ngày nay hoang vắng đìu hiu đến chạnh lòng…
Ngày nay, khu lăng mộ ông Nguyễn Hữu Hào - thân phụ Nam Phương Hoàng hậu vẫn là điều bí ẩn, thậm chí xa lạ đối với nhiều người, ngay cả những người đã từng sống lâu năm ở Đà Lạt. Một phần vì khu lăng mộ bị bao phủ, che khuất bởi rừng thông, phần vì nhà chức trách địa phương chưa thực sự quan tâm tới khu di tích lịch sử, văn hóa này.
Hằng ngày, khu lăng mộ đìu hiu lạnh tanh không hương hỏa và có những dấu hiệu bị xuống cấp.
Chuyện kể rằng, sau năm 1975, nhiều người dân sinh sống trong vùng đã vào gỡ lớp đá lát quanh lăng đem về làm đường. Bia đá được cho là của Nam Phương Hoàng hậu tạc để ghi nhớ công ơn Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào cũng bị đào tung. Tuy nhiên, do bia đá quá lớn và nặng nên chỉ bị di chuyển khỏi vị trí ban đầu vài chục mét rồi bỏ đó đến mấy chục năm sau.
Thậm chí, có tin đồn đại rằng đã có người cạy phá lăng Long Mỹ Quận Công để tìm, trộm cắp châu báu? Khoảng sau năm 1990, một doanh nghiệp du lịch, đơn vị được nhà chức trách giao trông coi, quản lý khu khu di tích này đã tiến hành cải tạo, trùng tu và di chuyển tấm bia đá cố định về chỗ cũ.
Tổng thể khu lăng mộ ông Nguyễn Hữu Hào được xây dựng khá bề thế, uy nghi trên đỉnh một quả đồi thông với diện tích khoảng 4ha. Trước cổng lăng, dưới chân đồi thông được dựng 4 trụ biển cao, trên đỉnh gắn hình bông sen và hai con chó ngao cách điệu. Lối lên lăng được xây dựng thành đường thẳng, có độ dốc thoai thoải vừa phải, bao gồm 158 bậc.
Trước khi vào chính lăng, nơi đặt mộ Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào và Nhị phẩm phu nhân Lê Thị Bính, phải qua một sân tế, sau đó dẫn lên sân chầu bằng 13 bậc và xuống bằng một lối khác cũng có 13 bậc. Để vào chính lăng phải tiếp tục qua 20 bậc nữa, đây cũng là lối lên xuống duy nhất.
Mộ ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bính được tạc bằng đá xanh nguyên khối với nhiều hoa văn thể hiện sự quyền uy, giàu có. Hai ngôi mộ được đặt song song, cao hơn mặt nền khoảng 30cm trong một tòa lăng được xây dựng theo lối kiến trúc phản phất dấu ấn cung đình Huế, có mái vòm và cây thánh giá trên đỉnh. Chính giữa hai ngôi mộ là một bàn cúng cũng được tạc bằng đá xanh.
Sau năm 1975, một số người đã kéo tới cạy gỡ, lấy mất mặt bàn bằng đá mà chỉ còn lại hai chân. Sau khi trùng tu, đơn vị chủ quản buộc phải đúc một mặt bàn bằng xi măng để thay thế. Trên khu lăng mộ của ông Nguyễn Hữu Hào hiện còn hai văn bia được tạc trên đá xanh do hai người con gái của ông tạo lập nhằm truy niệm công đức sinh thành của đấng thân sinh.
Bia thứ nhất đặt phía sau lăng, trong nhà bia hình tháp có bốn mái. Bia có chiều cao 2,45m, chiều rộng 1,43m, trán bia dày 26cm, thân bia dày 20cm. Trên văn bia có tất cả 215 chữ. Theo tác giả Hà Đình Nguyên, trên mặt bia này có 5 từ khắc đài là “Hiền khảo”, “Tiên nghiêm”, “Thiên tử”, “Thiên chúa” và “Bảo Đại”. Hai chữ “Thiên tử” được khắc đài cao hơn các chữ khác.
Bia thứ hai có chiều cao 2m, trán bia rộng 1m, dày 26cm, thân bia rộng 80cm, dày 20cm. Nội dung cũng giống như văn bia thứ nhất nhưng khắc theo thể Khải thư, có một vài chữ theo thể Lệ thư, được dựng ở trước sân chầu của lăng mộ. Văn bia này cũng có 215 chữ, khắc theo hàng dọc từ phải sang trái nhưng được phân thành 16 hàng, khắc đài bốn chữ “Hiền khảo”, “Thiên tử”, “Bảo Đại”, “Thiên chúa”.
Ông Hà Đình Nguyên, một người am hiểu về lịch sử dòng tộc Quận công Nguyễn Hữu Hào cho biết, nội dung của hai văn bia này chia làm bốn phần: Phần đầu nói về nơi phát tích của dòng họ ông bà Nguyễn Hữu Hào; Phần thứ hai ghi về phẩm chất đạo đức của ông Nguyễn Hữu Hào và sự vinh hiển vẻ vang của dòng họ Nguyễn;
Phần thứ ba nói về sự kiện vua Bảo Đại ban cho Nguyễn Hữu Hào “Công tước”, ca ngợi vẻ đẹp núi non - nơi xây dựng lăng mộ, ca ngợi nước Chúa là nơi tìm về của trăm đời con cháu họ Nguyễn và tấm lòng ngậm ngùi tiếc thương của con cháu đối với người quá vãng. Phần cuối của hai văn bia đều có ghi rõ ngày, tháng, năm Âm lịch và năm Dương lịch lấy từ năm Thiên Chúa giáng sinh, người lập bia là hai cô con gái của ông Nguyễn Hữu Hào.
Đáng tiếc thay, quần thể lăng mộ Quận Công Nguyễn Hữu Hào ngày nay lạnh tanh hương khói, hoang vắng đìu hiu đến chạnh lòng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét