Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Khúc Thừa Dụ: đặt nền móng cho nền độc lập của nước Việt sau nghìn năm Bắc thuộc

Là hào trưởng, ông đã khởi binh chống lại nhà Đường, giành quyền quản lý đất nước, kết thúc về cơ bản ách thống trị của phong kiến phương Bắc.

Ảnh minh họa chụp từ clip VTV.
Ảnh minh họa chụp từ clip VTV.
Theo Lịch sử Việt Nam (tập 1, nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2017), Trung Quốc cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10 trở nên rối ren, khởi nghĩa nông dân khắp nơi làm lung lay nền thống trị của nhà Đường. Chính quyền đô hộ ở Giao Châu (tên nước Việt Nam thời kỳ này) cũng suy yếu. Tiếp sau các cuộc khởi nghĩa lớn của Mai Thúc Loan, Phùng Hưng... quan lại địa phương liên tiếp nổi dậy cát cứ khắp nơi.
Trước tình hình đó, đầu năm 905, Khúc Thừa Dụ - một Hào trưởng ở đất Hồng Châu (nay thuộc huyện Ninh Giang, Hải Dương), có "tính khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy tôn", đã khởi binh chống lại nhà Đường, giành quyền quản lý đất nước.  
"Giành lấy chính quyền từ tay phong kiến nước ngoài, Khúc Thừa Dụ đã kết thúc về cơ bản ách thống trị hơn 1.000 năm của phong kiến phương Bắc. Lịch sử ghi nhớ công lao của ông như một trong những người đặt nền móng cho nền độc lập tự chủ của đất nước", sách Lịch sử Việt Nam viết.
Dù không xưng vương xưng đế, Khúc Thừa Dụ vẫn được người đời suy tôn "Khúc Tiên chúa". Sách Lịch sử Việt Nam bình luận: "Tuy mang danh một quan chức nhà Đường (Tiết độ sứ) nhưng trong thực tế và về thực chất, chính quyền Khúc Thừa Dụ là chính quyền tự chủ, đặt cơ sở cho nền độc lập bền lâu của nước ta". 
Năm 906, triều đình nhà Đường buộc phải công nhận chính quyền của Khúc Thừa Dụ và phong ông là Tĩnh Hải quân tiết độ sứ Đồng bình chương sự.
Khúc Thừa Dụ cai quản việc nước được một năm thì qua đời. Con ông là Khúc Hạo ngay sau đó đã nối nghiệp cha, giữ đô ở La Thành (Hà Nội ngày nay).
Tiếp nối sự nghiệp cai quản đất nước, Khúc Hạo đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng, thay thế chế độ của nhà Đường. 
Về hành chính, ông đặt ra các lộ - phủ - châu - giáp - xã, thay cho thế đơn vị hành chính trước đây là châu, huyện, châu cơ mi ở miền núi, hương và xã. Nhằm khắc phục tình trạng phân tán quyền lực vào tay các thủ lĩnh địa phương, Khúc Hạo đã xây dựng chính quyền độc lập, thống nhất từ trung ương đến xã. 
Ở mỗi xã, ông cho đặt có một Chánh lệnh trưởng và Tá lệnh trưởng, mỗi giáp đặt một Quản giáp và Phó tri giáp để giữ việc đánh thuế. Riêng Giáp trưởng được giao trông coi lập sổ hộ khẩu, kê rõ họ tên, quê quán của người khai, để quản lý được hộ khẩu. Chính quyền Khúc Hạo thực hiện "bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch... Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị. Nhân dân đều được yên vui".
Theo sách Lịch sử Việt Nam (2017), thay đổi lớn nhất trong cải cách hành chính của họ Khúc là nắm chính quyền đến tận cấp làng xã. Trong suốt thời Bắc thuộc, chính quyền phương Bắc chỉ cai quản được đến cấp huyện, làng xã vẫn là khu vực tự trị của người Việt, chỉ chịu sự cai trị gián tiếp của chính quyền đô hộ.
"Làng xã của người Việt vẫn tồn tại kiên cường... Chính từ làng mà nhân dân ta đã giành được đất nước. Họ Khúc là đại diện cho những Hào tộc bản địa, tầng lớp lãnh đạo mới của dân Việt, giành lấy quyền quản lý đất nước, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc", sách viết.
Về kinh tế, chính quyền Khúc Hạo thực hiện chính sách "bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch". Trước kia, triều đình phương Bắc mặc sức vơ vét của dân, thu nhiều loại thuế, đánh thuế nặng nên nhân dân căm phẫn. Nay họ Khúc thực hiện chế độ ruộng đất là công hữu, phân chia cho các hộ canh tác và đánh thuế một cách bình quân theo diện tích đất các hộ được phân chia. 
Lực dịch trước đây là một thứ khổ sai triều đình phương Bắc áp dụng khi bắt dân đi mò trai lấy ngọc, săn voi lấy ngà… đã được Khúc Hạo tha bỏ, cùng thuế đinh. "Đó là một sự cởi trói cho dân, có tác dụng to lớn đến việc thu phục nhân dân ổn định xã hội", cố GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện sử học Việt Nam từng đánh giá. 
Cuộc cải cách của họ Khúc đã tạo cơ sở kinh tế, xã hội vững chắc cho nền độc lập, tự chủ của người Việt sau này.
Khúc Hạo lên nắm chính quyền (năm 907) khi nhà Đường đã sụp đổ dưới sự đánh chiếm của nhà Hậu Lương. Lúc này, do phương Bắc còn nhiều biến cố nên Hậu Lương thừa nhận chính quyền của Khúc Hạo, công nhận ông là Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân.
Một năm sau, vua Hậu Lương lại phong cho Tiết độ phó sứ ở Quảng Châu là Lưu Ẩn kiêm giữ chức "Tĩnh Hải quân tiết độ, An Nam đô hộ". Triều đình phương Bắc vẫn âm mưu chiếm lại Việt Nam.
Tuy nhiên, dưới sự cai trị vững vàng của Khúc Hạo, họ Lưu ở Quảng Châu đã không dám nhòm ngó tới phương Nam.
Năm 917, Khúc Hạo mất, con ông là Khúc Thừa Mỹ lên thay. Do sai lầm trong đường lối ngoại giao, Thừa Mỹ chỉ nắm quyền cai quản đất nước được 6 năm thì bị nhà Nam Hán đem quân sang đánh, bắt đem về phương Bắc.
"Thừa Mỹ từng sai sứ sang nhà Lương xin lĩnh Tiết việt, nhân thế nhà Lương cho làm Tiết độ sứ, coi quản Giao Châu... Lưu Cung (vua Nam Hán) nghe nói Thừa Mỹ đã nhận Tiết việt của nhà Lương thì giận lắm. Mùa thu, tháng 7 năm 923, sai tướng giỏi là Lý Khắc Chính đem quân sang đánh, bắt được Thừa Mỹ đem về", sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết. Sau 17 năm giữ nền tự chủ cho nước Việt, họ Khúc đã để mất chính quyền vào tay triều đình phương Bắc. 
Một tướng của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ vốn là thủ lĩnh vùng Ái Châu năm 931 đã dấy binh đánh bại quân Nam Hán, tự xưng Tiết độ sứ. Theo Lịch sử Việt Nam (xuất bản năm 2017), ông sau đó chia tướng thân tín đi trấn trị các châu trong vùng châu thổ Bắc Bộ. Trong những tướng này có Đinh Công Trứ (thân phụ của Đinh Bộ Lĩnh) coi giữ Hoan Châu (Hà Tĩnh ngày nay), Ngô Quyền phong giữ Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay). 
Dương Đình Nghệ năm 937 bị nha tướng là Kiều Công Tiễn giết để đoạt chức Tiết độ sứ. Người này đã bị con rể và là tướng của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền diệt trừ năm 938. Cũng năm này, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra kỷ nguyên hoàn toàn độc lập, tự chủ lâu dài cho đất nước.

Quỳnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét