Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Đoàn Thị Điểm: Biệt hiệu 'Hồng hà nữ sĩ

Bà là nữ sĩ nổi tiếng thời Lê trung hưng với tài sắc vẹn toàn, không màng danh lợi, có học trò đỗ đạt cao.

Tranh minh họa: Internet
Bà Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, người làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Hưng Yên).
Theo Đoàn thị thực lục, bà nguyên họ Lê, tổ phụ là Lê Công Nẫm, võ quan triều Lê. Đến đời cha bà Đoàn Thị Điểm là Đoàn Doãn Nghi mới đổi thành họ Đoàn. Việc đổi họ này được cho là do ông Doãn Nghi muốn làm quan văn mà nhà họ Lê toàn quan võ.
Đoàn Thị Điểm là con thứ của ông Đoàn Doãn Nghi. Theo sách Hồng hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, bà Điểm “dung sắc kiều lệ, cử chỉ đoan trang, lời nói văn hoa, sự làm lễ độ”. Bà theo cha và anh trai trau dồi nghiên bút nên sớm nổi danh tài sắc hơn người.
Năm 1720, khi 16 tuổi, bà Đoàn Thị Điểm được Thượng thư Lê Anh Tuấn đưa về làm con nuôi. Thấy bà thông minh, ông định tiến vào cung phủ của chúa Trịnh nhưng bà không chịu, liền trở về cùng anh theo cha tới trường dạy học ở làng Lạc Viên, huyện Yên Dương, tỉnh Kiến An (nay thuộc thành phố Hải Phòng).
Năm bà 25 tuổi, cha mất, bà cùng gia đình của anh dời đến làng Vô Ngại, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). Chẳng bao lâu sau, anh mất (năm 1735), Đoàn Thị Điểm phải vừa làm nghề bốc thuốc do anh trai truyền dạy, vừa dạy học để có tiền nuôi mẹ, giúp đỡ chị dâu nuôi các cháu.
Mặc dù từng từ chối khi được tiến vào cung phủ của chúa Trịnh nhưng bà Đoàn Thị Điểm cũng có thời gian vào cung làm giáo thụ, dạy học cho cung phi. Sau đó, nhân trong nước có loạn, bà xin từ chức rồi về ngụ ở xã Chương Dương, huyện Thượng Phúc (nay là Thường Tín) và tiếp tục bốc thuốc.
Năm 35 tuổi, mặc dù nghề bốc thuốc cũng tạm đủ nuôi gia đình nhưng bà ngẫm nghĩ rằng cái vốn học vấn và văn tài thì chưa có cách gì thi thố được. Bà thường nói “Xem qua các chuyện đàn bà con gái ngày xưa thì thấy không hiếm kẻ có tài hoa, nhưng chưa từng thấy có kẻ dạy học trò đậu đạt”.
Sách Hồng hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm viết: “Dưới thời phong kiến, dù có tài năng uyên bác, người phụ nữ vẫn không được ra khỏi nhà, không được đi thi, không được làm nghề dạy học”.
Nhân thời nhiễu nhương, Đoàn Thị Điểm cho rằng mình đủ tư cách để vượt thói thường nên mở trường học tại nhà, vừa bốc thuốc, vừa truyền đạo thánh hiền (trước bà chỉ dạy học giúp cha và anh). Danh tiếng của bà đã thu phục được lòng người. Con em gần xa nô nức cắp sách đến trường bà Điểm.
Trong số học trò nhỏ của bà về sau có nhiều người thành đạt, như Đào Duy Doãn quê ở xã Chương Dương, đỗ tiến sĩ năm 1763. Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, dường như vào thời trung đại, duy nhất có Đoàn Thị Điểm là nữ mở trường dạy học và trở thành danh sư.
Bà Đoàn Thị Điểm tài sắc vẹn toàn nên có rất nhiều người đến cầu hôn, trong đó có cả người quyền quý, như hai người từng đỗ tiến sĩ là Nhữ Đình Toản và Nguyễn Công Thái. Tuy nhiên, bà đều từ chối.
Ở tuổi 37, khi không còn nghĩ đến hôn nhân nữa, muốn ở vậy suốt đời, bà khiến nhiều người bất ngờ vì quyết định lấy Nguyễn Kiều, một tiến sĩ nổi tiếng hay chữ đã góa vợ. Lý do khiến bà nhận lời phần vì thương xót hoàn cảnh của Nguyễn Kiều, phần vì mẹ bà nhận lời và nhiều học trò tán thành cuộc hôn nhân này.
Lấy Nguyễn Kiều, bà Đoàn Thị Điểm đã có những ngày hạnh phúc, vợ chồng tâm đầu ý hợp, thường xuyên xướng họa với nhau. Tuy nhiên, cưới chưa tròn tháng, Nguyễn Kiều phải đi sứ Trung Quốc ba năm.
Phải chịu cảnh ly biệt, bà Đoàn Thị Điểm buồn rầu thương nhớ chồng nơi đất khách. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định thời gian xa chồng, bà đã dịch tập thơ chữ Hán Chinh phụ ngâm của danh sĩ Đặng Trần Côn sang chữ quốc âm.
Truyền kỳ tân phả (cuốn sách ghi chép những chuyện lạ) là tác phẩm bằng chữ Hán bao gồm nhiều truyện.
Theo Đoàn thị thực lụcTruyền kỳ tân phả có năm truyện là Hải khẩu linh từ (Đền thiêng ở cửa bể), Vân Cát thần nữ (Truyện nữ thần ở Vân Cát), An Ấp liệt nữ (Truyện người liệt nữ ở làng An Ấp), Yến anh đối thoại (Cuộc đối thoại giữa yến và anh), Mai huyễn.
Còn theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Truyền kỳ tân phả gồm sáu truyện là Vân Cát thần nữAn Ấp liệt nữBích câu kỳ ngộHoàng Sơn tiên cụcMai huyễn và Nghĩa khuyển khuất miêu.
Ngoài Chinh phụ ngâm bản chữ quốc âm và Truyền kỳ tân phả, Đoàn Thị Điểm còn sáng tác nhiều bài thơ. Theo Đoàn thị thực lục: “Khi chưa lấy chồng, bà cùng cha và anh xướng họa. Trong khi nhàn nhạ ngâm lên thơ hay, câu đẹp, kể đến hàng chục hàng trăm; di cảo ấy chỉ có nhà quan Thượng thư làng Tiêu Điền Nguyễn Nghiễm là sưu tập đầy đủ hơn cả”.
Sau khi về nhà chồng, bà xướng họa với chồng và cùng chồng xếp đặt thơ văn thành tập. Đó là chưa kể không ít bài văn luyện thi bà đã soạn trong thời gian làm nhà giáo. Phần thơ văn nói trên đến nay chưa tìm thấy.
Sau khi Nguyễn Kiều về nước, năm 1748, ông được cử đi làm Tham thị ở trấn Nghệ An. Đoàn Thị Điểm phải theo chồng. Trên đường đi, bà bị cảm nặng, dù đã chạy chữa nhưng không qua khỏi, cuối cùng mất ở Nghệ An, hưởng thọ 43 tuổi.
Thương cảm người bạn đời vắn số, Nguyễn Kiều đã viết bài văn tế hết lời ca tụng tài và đức hạnh của bà. Trong đó có câu “Đào chưa quả, đã vội khô/ Quế đang thơm mà đã rũ/ Rừng sâu, bể rộng. Nàng hỡi đi đâu? Ngọc nát, châu chìm, lòng tôi quặn nhớ”.
Ngày nay, nhiều tỉnh thành lấy tên bà đặt cho trường học, đường phố để tưởng nhớ.

Dương Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét