Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Hải Thượng Lãn Ông

Ông là một trong những danh y của Việt Nam. Các tác phẩm ông để lại là tài sản quý của ngành y học cổ truyền dân tộc.

Tranh vẽ chân dung Hải Thượng Lãn Ông. 
Tranh vẽ chân dung Hải Thượng Lãn Ông. 
Hải Thượng Lãn Ông là biệt hiệu của Lê Hữu Trác, một thầy thuốc nổi tiếng, tinh thông y học, dịch lý, văn chương.
Lê Hữu Trác sinh năm 1720 trong một gia đình quan lại ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, phần lớn cuộc đời ông gắn bó với quê mẹ ở thôn Bầu Thượng, xã Tĩnh Diễm, huyện Hương Sơn, trấn Nghệ An (nay thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
Hải Thượng Lãn Ông có nghĩa là "ông già lười ở Hải Thượng". Nhiều người cho rằng Hải Thượng được ghép từ chữ đầu trong tên trấn (Hải Dương) và tên phủ (Thượng Hồng) hoặc chữ trong tên thôn Bầu Thượng, nơi Lê Hữu Trác ở lâu nhất. Còn "ông lười" ngụ ý chỉ sự lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khởi sự ràng buộc danh lợi, tự do nghiên cứu theo đam mê.
Dòng tộc của Lê Hữu Trác vốn có truyền thống khoa bảng. Nhiều người trong gia đình ông đỗ tiến sĩ và làm quan to. Cha ông là Lê Hữu Mưu làm đến chức Thị lang Bộ Công triều vua Lê Dụ Tông, khi mất được truy tặng hàm Thượng thư (năm 1739). Khi đó, Lê Hữu Trác mới 19 tuổi. Ông phải rời kinh thành về quê nhà, vừa chăm nom gia đình, vừa chăm chỉ đèn sách. Cũng giống như hầu hết sĩ tử thời bấy giờ, ông lấy khoa cử làm bước đường quan lộ, mong rạng danh cho dòng tộc.
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước rối ren, có nhiều biến động, bị chia cắt, dân tình đói khổ, các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi nên ngoài dùi mài kinh sử, Lê Hữu Trác còn nghiên cứu thêm cả binh thư và võ nghệ.
Theo cuốn Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Lê Hữu Trác sau đó đã sung vào đội quân của chúa Trịnh, lập được ít nhiều công trạng. Song, cũng chính thời gian ấy, ông nhận ra chiến tranh chỉ mang lại đau thương mất mát, mà người lãnh chịu hậu quả chính là dân nghèo. Điều này khiến ông chán nản, chỉ muốn xin ra khỏi quân đội. Ông đã nhiều lần từ chối các đề bạt.
Năm 1746, nhân khi người anh trai ở Hương Sơn mất, ông lấy cớ phải nuôi mẹ già, cháu nhỏ thay anh rồi xin ra khỏi quân đội. Từ đây ông bắt đầu một cuộc sống mới với nghề thầy thuốc.
Trong thời gian ở đội quân của chúa Trịnh, Lê Hữu Trác đã không khỏe. Đến khi về quê, "trăm việc đổ dồn vào mình, sức ngày một yếu" (Lê Hữu Trác viết trong lời tựa một cuốn sách), lại sớm khuya đèn sách không chịu nghỉ ngơi, sau mắc cảm nặng, chạy chữa khắp nơi đến hai năm vẫn không sao dứt bệnh. Sau, nhờ lương y Trần Độc, bậc lão nho, học rộng biết nhiều tận tình thuốc thang, bệnh của ông thuyên giảm rồi khỏi hẳn.
Theo Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Lê Hữu Trác ở trong nhà Trần Độc hơn một năm để chữa bệnh. Trong thời gian đó, nhân lúc rảnh rỗi, ông thường hỏi Trần Độc về nghề thuốc và chuyên tâm đọc một số sách y học. Trần Độc thấy vậy cũng dốc lòng mang những hiểu biết về y học của mình truyền cho Hữu Trác. Vốn là người thông minh, học rộng, chẳng bao lâu ông đã hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê với nghề y. Từ đó, ông quyết định theo đuổi nghề thuốc.
Sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được tập hợp trong bộ Y tông tâm lĩnh (Những lĩnh hội tâm huyết trong ngành y). Bộ sách này gồm 28 tập, 66 cuốn về cả y đức, y lý, y thuật, dược…
Bộ sách Y tông tâm lĩnh (Hải Thượng y tông tâm lĩnh) được xem như bách khoa toàn thư về y học của thế kỷ 18 và cũng là bộ sách y học xuất sắc thời phong kiến. Bộ sách chứng tỏ tầm vóc lớn lao của Lê Hữu Trác bởi ông biết kết hợp truyền thống dân tộc với kinh nghiệm thực tiễn.
Đặc biệt, bộ sách cho thấy Lê Hữu Trác đã tiếp thu có phê phán, chọn lọc những tinh hoa y học nước ngoài rồi vận dụng vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam.
Lê Hữu Trác từng trăn trở "Mình lao tâm, tiêu tứ về đường y học đã 30 năm nay mới viết được bộ Tâm lĩnh, không dám truyền thụ cho riêng ai, chỉ muốn đem ra công bố cho mọi người cùng biết. Nhưng việc thì nặng, sức lại mỏng, khó mà làm được".
Lê Hữu Trác đúc kết cả sự nghiệp của mình vào cuốn Y tông tâm lĩnh nhưng cho đến khi 61 tuổi, nó vẫn chỉ được dạy cho một số trò theo học chứ chưa được in ra. Vì thế, năm 1781, sức khỏe đã giảm, đường xá xa xôi, ông vẫn theo lệnh chúa Trịnh ra Thăng Long, một phần để chữa bệnh cho chúa, một phần hy vọng được in bộ sách.
Khi đến kinh thành, Lê Hữu Trác được lệnh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Nhờ hiểu sâu y lý, ông được Trịnh Sâm khen, ban thưởng cho hai mươi suất lính hầu, bổng lộc ngang với chức quan Kiểm soát Bộ Hộ. Chúa yêu cầu ở trong phủ nhưng ông thường giả ốm không vào chầu, sau lại viện cớ tuổi già, mắt hoa, tai điếc để được trọ ở ngoài.
Ngự y trong phủ ghen tị với Lê Hữu Trác, không chịu sắc thuốc theo đơn của ông nên thế tử Trịnh Cán mãi không khỏi bệnh. Ông thừa biết điều đó, nhưng không hề thắc mắc vì muốn sớm được trở về quê, thoát khỏi vòng danh lợi. Lúc này, bộ sách Y tông tâm lĩnh vẫn chưa được in.
Sau khi Trịnh Sâm chết, Trịnh Cán lên thay nhưng ốm đau dai dẳng. Nhân có người tiến cử một lương y mới, Lê Hữu Trác liền lấy cớ người nhà ốm nặng để rời kinh. Ngày 2/11/1782, ông về đến Hương Sơn.
Năm 1791, Lê Hữu Trác mất, sách của ông vẫn chưa được in. Mãi đến năm 1866 (75 năm sau ngày mất), sách mới được in và truyền lại cho hậu thế.
Trở về quê năm 1782 thì đúng một năm sau, Lê Hữu Trác viết xong tác phẩm Thượng kinh ký sự bằng chữ Hán. Đây là tập bút ký đặc sắc của ông, kể lại hành trình lên kinh chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán.
Ngòi bút của Lê Hữu Trác được đánh giá là kín đáo mà tinh tế. Sách Kể chuyện Danh nhân Việt Nam viết: Ông có vẻ không phê phán một cái gì, song những sự việc mà ông vạch ra một cách chân xác tự nó đã có một ý nghĩa phê phán sâu sắc. Hình ảnh phủ chúa hiện lên xa hoa, cầu kỳ, song những con người trong đó, từ chúa đến đám quan lại… tất cả như vô nghĩa và đầy bệnh tật. Không thấy người nào có năng lực và bản lĩnh. Họ đi đứng trịnh trọng, nói năng kiểu cách, cái gì cũng có vẻ biết nhưng không biết cái gì đến nơi đến chốn.
Tập bút ký cũng phác họa chân dung Lê Hữu Trác rất rõ ràng. Ông trung thực, luôn xa lánh xã hội quan tước, thờ ơ với danh lợi, khinh ghét những kẻ ăn trên ngồi chốc nhưng cũng rất chân thành trong tình cảm với bằng hữu, người thân, với những người bệnh nghèo nơi thôn dã mà ông hết lòng cứu chữa.
Lê Hữu Trác qua đời vào năm 1791 tại quê mẹ ở thôn Bầu Thượng, xã Tĩnh Diễm, huyện Hương Sơn, thọ 71 tuổi. Ông là đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam. Ông đã kế thừa xuất sắc sự nghiệp "Nam dược trị Nam nhân" của Tuệ Tĩnh thiền sư. Các tác phẩm ông để lại đã trở thành nguồn tư liệu quý giá cho ngành y học cổ truyền dân tộc.
Để vinh danh Lê Hữu Trác, nhiều đường, phố khắp Việt Nam được đặt theo biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông của ông như ở TP HCM, Hà Tĩnh, Hưng Yên…

Dương Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét