Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Nữ sĩ thơ Nôm dạy học cho các công chúa nhà Nguyễn

Bà là nữ thi sĩ người Hà Nội, đã được chúa Nguyễn mời vào Huế làm chức quan dạy học cho cung tần, công chúa trong cung. 

Theo cuốn Danh nhân Hà Nội (nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông), bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh (1805-1848), người làng Nghi Tàm, thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận (nay là phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội). Sinh ra trong một gia đình nhà nho nên từ bé Nguyễn Thị Hinh được tiếp xúc với văn chương và sớm bộc lộ năng khiếu văn học. 
Học vấn và tài năng thi ca, đức độ của bà Nguyễn Thị Hinh nổi tiếng đến mức, vua Minh Mạng (có sách ghi là thời vua Tự Đức) mời về kinh đô Huế giữ chức Cung trung giáo tập để dạy học cho các công chúa, cung phi trong hoàng tộc Nguyễn.
Chồng của bà Nguyễn Thị Hinh là cử nhân Hán học tên Lưu Nguyên Ôn, người làng Nguyệt Áng (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Sau khi thi đỗ cử nhân năm 1821, thời vua Minh Mạng, ông được cử làm quan tri huyện Thanh Quan (nay thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) rồi thăng lên làm Thư lại bộ Hình, Viện ngoại lang cho đến khi mất năm 1847.
Tên gọi "bà Huyện Thanh Quan" của Nguyễn Thị Hinh bắt đầu từ năm tháng bà làm vợ quan tri huyện Thanh Quan ấy. Giai thoại nhắc nhiều về những lần bà thăng đường xử án thay cho chồng đang vắng nhà.
Sách Danh nhân Hà Nội ghi lại giai thoại những lần bà Huyện Thanh Quan xử án thay chồng.
"... Một hôm khác, gặp lúc ông huyện Lưu Nguyên Ôn đi vắng, có người phụ nữ tên Nguyễn Thị Đào đưa đơn xin bỏ chồng vì chồng yêu một người khác mà đối xử tệ bạc với mình. Bà huyện liền phê vào đơn 4 câu thơ Nôm:
Phó cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai
Chữ rằng: Xuân bất tái lai
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già
.
Lần khác một ông Cống sĩ mới thi đỗ, đệ đơn xin làm thịt trâu để ăn khao trả nợ miệng. Theo quy định triều đình khi ấy, lúc đang mùa màng cày cấy không được mổ trâu làm ảnh hưởng đến sức kéo của nhà nông. "Nể ông Cống sĩ tân khoa, lại cũng muốn nhân dịp đùa vui bằng văn chương, bà liền cầm bút phê vào đơn hai câu bằng chữ Nôm rằng:
Người ta thì chẳng được đâu
Ừ thì ông Cống làm trau thì làm.
Đánh giá về việc xử án của bà Huyện Thanh Quan, tác giả cuốn Danh nhân Hà Nội viết: "Bà huyện - nhà thơ vừa thông minh, dí dỏm, vừa giàu tấm lòng trắc ẩn, hiểu thấu đáo nhân tình thế thái và có tinh thần nhân văn sâu sắc"
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Qua đèo Ngang là tác phẩm nổi tiếng của bà Huyện Thanh Quan. Bài thơ được ra đời trên đường bà Huyện vào Phú Xuân (Huế), bước tới đèo Ngang (ranh giới giữa tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình) lúc chiều tà, đã tức cảnh thành thơ.
Ngoài tác phẩm này, bà Huyện Thanh Quan còn nhiều bài thơ Nôm được truyền tụng khác như: Thăng Long hoài cổTrấn bắc hành cung... Những áng thơ này đều thể hiện một nỗi niềm nhớ quê hương của nữ sĩ người Hà Nội. 
Ở Hà Nội, phố mang tên bà Huyện Thanh Quan thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình. Phố này dài 244m, rộng 10m, nối từ đầu đường Điện Biên Phủ, cắt ngang phố Chùa Một Cột đến phố Lê Hồng Phong.
Thời Pháp thuộc phố được đánh số 83 (voie N083), năm 1931 được đặt tên là phố Công sứ Mô-ren (rue Re’sident morel), năm 1949 được đổi tên thành Bà Huyện Thanh Quan.
Ở TP HCM, đường Bà Huyện Thanh Quan thuộc quận 3. 

Quỳnh Trang
Nữ sĩ thơ Nôm nào là thầy của các công chúa nhà Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét