Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Sài Gòn chuyện đời của phố: Thành phố mở rộng và đô thị hóa

Trước năm 1954, vẻ hào nhoáng đẹp đẽ của TP.Sài Gòn chỉ tập trung ở các con đường sầm uất như Charner (Nguyễn Huệ), Bonard (Lê Lợi), Catinat (Đồng Khởi)... và một số đường lân cận.
Đường Trương Minh Giảng năm 1970 /// Ảnh: J.B
Đường Trương Minh Giảng năm 1970
ẢNH: J.B
Sài Gòn trở thành một đô thị rộng lớn như sau này chỉ từ năm 1954 trở đi, khi người Pháp rút về nước và thành phố bắt đầu được chỉnh trang.
Từ đó, thành phố này mở rộng ra các hướng và đô thị hóa với tốc độ cực nhanh. Phía đông, nhà cửa đã vượt qua bên kia cầu, tới Tân Thuận Đông, cách trung tâm 5 km, bên kia sông tới Thủ Thiêm, gần đến Giồng Ông Tố cách trung tâm 3 km. Phía bắc, khu đô thị tràn kín toàn bộ Phú Nhuận, lan ra tới Gò Vấp - Hóc Môn. Những khu vực như ngã ba Ông Tạ, Xóm Mới, ngã năm Chuồng Chó, ngã tư Bảy Hiền trước đó vắng vẻ thì tới năm 1963 đã dày đặc nhà cửa. Phía tây, nhà mọc đến Phú Lâm, Phú Định. Phía nam bên kia Kinh Đôi, nhà mọc tới Đông Phú, Bình Đông, Chánh Hưng...
Khu Pétrus Ký (đường Lê Hồng Phong) và bến xe lục tỉnh
Trước 1954 là khu nhà lá xây cất tạm bợ không hàng lối. Trước đó, có đến một cây số những chiếc xe đò đậu sát nhau từ ngã tư Nguyễn Trãi đến gần Trường quốc gia Hành chính (nay là Học viện Hành chính quốc gia). Xe từ ngã sáu chạy về lục tỉnh đã phải len lỏi qua những con đường nhỏ hẹp và đông xe cộ. Sau đó, bến xe ấy được giải tỏa. Từ dự án phóng đường lớn nối từ Trần Hưng Đạo đến đường Trần Quốc Toản (Ba Tháng Hai) để xe cộ có lối thoát đi lục tỉnh thuận tiện và nhanh chóng, bến xe ở ngã sáu Sài Gòn dời về đây. Khu Pétrus Ký trở nên phồn thịnh từ khi có bến xe. Đường vừa làm xong thì nhà cửa hai bên cũng xong. Cho đến thời điểm 1963 thì xe cộ lúc nào cũng ra vô huyên náo, từ 4 - 5 giờ sáng cho đến 12 giờ khuya.
Đường Đồng Khánh (Trần Hưng Đạo B)
Đến thời điểm 1963, đã có rất nhiều nhà mới mọc lên dọc theo đường. Vì là đại lộ chính của Chợ Lớn, các nhà hàng lớn và sang trọng đều được tập trung về đây. Trong số các thương gia Hoa kiều, có khá đông người mới di cư từ những đô thị lớn của Trung Hoa lục địa về nên họ đem theo tất cả các lề lối buôn bán ở những đô thị quốc tế như Thượng Hải, Bắc Kinh... Cách bày biện cửa hàng cũng như hàng hóa, cả bảng hiệu quảng cáo, đều được đổi mới.
Từ 1954, những tòa nhà mới xây có nhà hàng Đồng Khánh, nhà hàng Thủ Đô 7 tầng, Pháp Hoa ngân hàng với một dãy nhà 3 tầng mới cất ở giữa khu đại lộ.
Đường Trần Quốc Toản (Ba Tháng Hai)
Đây là một xa lộ mới mở của vòng đai đô thành để cho xe cộ qua lại, khi muốn vào bên trong thành phố hay từ bến tỏa đi các tỉnh. Đây cũng là con đường để xe đi từ các tỉnh miền Đông thẳng sang các tỉnh miền Tây, không cần ghé qua thành phố, giảm áp lực cho giao thông nội đô lúc đó đã bắt đầu tăng. Đường dài khoảng 5 km từ đầu nối ngã năm Yên Đỗ (Lý Chính Thắng), Hiền Vương (Võ Thị Sáu), Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám), Nguyễn Thượng Hiền thẳng tới Phú Lâm gặp đường Lục Tỉnh (Hùng Vương) để đi về các tỉnh miền Tây. Đường rộng có ba dòng xe đi và ba dòng xe về lúc nào cũng tấp nập xe chạy. Trên đường Trần Quốc Toản đối diện với khu Học viện Quốc gia Hành chánh đương xây cất, nhà dân đã mọc kín, toàn là nhà đẹp và đắt tiền.
Đường Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ)
Đây là con đường tiêu biểu cho sự nỗ lực xây dựng trong giai đoạn chín năm 1954 - 1963. Trước năm 1954, khi chưa phóng con đường này ra tới khu Lăng Cha Cả thuộc ngoại ô thành phố, đây là một con đường nhỏ hẹp băng qua các ruộng lúa, vườn cây, vườn rau. Chỗ sau này là chợ Trương Minh Giảng với khu phố lầu chung quanh là một bãi rác khổng lồ. Cả một dọc dài từ ngã ba đường Trương Tấn Bửu (nay là Trần Quang Diệu) trở đi đã được coi là một vùng quê xa xôi hẻo lánh, không ai muốn bước chân tới sau khi mặt trời lặn. Sau chín năm, dọc hai bên đường gần năm cây số đã thấy toàn là nhà mới cả. Các khu cư xá, tu viện Đa Minh, biệt thự lầu, Trường tiểu học Trương Minh Giảng, dãy phố buôn bán, rạp hát, chiếu bóng... được xây dựng trong vòng bốn năm từ 1959 - 1963.
Khu Ngã Bảy và xóm Bàn Cờ
Khu Ngã Bảy, nơi gặp gỡ của các con đường Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Nguyễn Hoàng (nay là Trần Phú), Cộng Hòa (Nguyễn Văn Cừ), Phạm Viết Chánh, Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai) là đầu mối giáp ranh giữa Sài Gòn và Chợ Lớn, song song với đầu mối khác tại ngã tư Cộng Hòa -Trần Hưng Đạo.
Ngã Bảy là một góc của khu Bàn Cờ, khu đông dân nhất Sài Gòn, với đường ngang dọc vuông vắn như ô bàn cờ. Các con đường mới mở trong khu Bàn Cờ cũng như các con đường phía ngoài như Cao Thắng, Bàn Cờ, Nguyễn Thiện Thuật, Lý Thái Tổ, Đốc Phủ Thạnh (Nguyễn Sơn Hà), Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu)... đều kín nhà, hầu hết là nhà buôn bán.
(Dựa vào tư liệu báo Sáng Dội Miền Nam số 48 tháng 6.1963)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét