Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Lên Eo Bù - Chút Mút ăn cải cay Vân Kiều

Bản Eo Bù - Chút Mút nằm ở nơi thâm sơn cùng cốc biên giới Việt - Lào, dưới chân dãy Trường Sơn thuộc xã Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình).
Bà Hồ Thị Thoa (trái) chọn cải mang về từ rẫy để nấu ăn /// Ảnh: Trương Quang Nam
Bà Hồ Thị Thoa (trái) chọn cải mang về từ rẫy để nấu ăn
ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM
Ở đây có loài cây cải cay đến chảy nước mắt, được người Vân Kiều xem là đặc sản.
Không nhiều người biết về loài cải đặc biệt này ở Eo Bù - Chút Mút. Tôi cũng vậy, chuyện “phát hiện” loài cải cay này rất tình cờ. Một lần cùng ăn cơm với tổ công tác biên phòng đóng tại Chút Mút, thấy trên mâm có 2 đĩa cây lạ, hình dáng và màu sắc gần giống cây cải dưới xuôi nhưng cọng lá tròn như thân cây và có màu tím, tôi liền dò hỏi. Các chiến sĩ biên phòng tỏ ra bí hiểm: “Đúng là cây cải, cứ ăn rồi cảm nhận”, nhưng dặn thêm: “Lần đầu chưa quen thì nên ăn ít thôi!”.
Tôi bèn cẩn thận ngắt từng miếng lá nhỏ, nhai thử. Một vị cay nồng gần như mù tạt. Hèn gì chúng được dùng làm rau gia vị ăn kèm hải sản, thịt... Đối với những người thích ăn cay thì loại cải này đúng là khoái khẩu. Cọng cải giòn và cay, chỉ cần ăn hơi nhiều thì cay đến chảy nước mắt. Cây càng còi, độ cay càng dữ dội.
Lên Eo Bù - Chút Mút ăn cải cay Vân Kiều - ảnh 2
Trưởng bản Hồ Văn Bình giới thiệu về cây cải đặc sản ở bản
Đã đi qua nhiều nơi, chưa bao giờ tôi gặp loại cải thú vị như thế...
Anh Hồ Văn Bình, Trưởng bản Eo Bù - Chút Mút, cho hay loại cải cay này mọc tự nhiên trên nương rẫy, nhưng đồng bào Vân Kiều coi như “bảo bối”. Không cần gieo trồng, chăm sóc mà vẫn có nguồn để ăn đều đặn, nhất là những lúc thiếu thốn. Bà con Vân Kiều chỉ việc đi hái về nấu canh hoặc muối chua. Thú vị ở chỗ, khi nấu canh thì cải không còn vị cay nồng như lúc ăn sống.
Để tôi mục sở thị nơi có loại cải đặc biệt này, trưởng bản Bình dẫn tôi băng qua suối Rào Reng, leo dốc đi về phía đỉnh núi. Đến ruộng lúa xanh tốt thì cải xuất hiện. Cải mọc rải rác, xen lẫn với lúa. Sau một lúc tìm nhổ, anh Bình trở lại với một ôm cải tươi tốt trên tay và bật mí: “Nhiều người mang hạt và cây về trồng nhưng nó không cay bằng ở đây, chắc do đất và khí hậu bản địa có chỗ khác lạ nên mới cho ra vị cay như thế”.
Eo Bù - Chút Mút có 61 hộ dân với 254 nhân khẩu. Sống giữa rừng già nên đất sản xuất ở đây rất hiếm, toàn bản chỉ có 3,3 ha ruộng nước và mỗi hộ được khoảng 2,5 sào hoa màu. Đã thế, việc trồng trọt cũng không thuận lợi vì thường bị thú rừng phá hoại. Nhưng có một thứ chả con vật nào dám ăn, đó là cây cải, vì nó... quá cay.
Muốn thưởng thức vị cải cay lạ lẫm ấy, chỉ còn cách lên với bà con Eo Bù - Chút Mút.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét