Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2018

Chuyện ít biết về lễ cưới của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương

"Lần đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn có một người phụ nữ xuất hiện giữa triều đình" - vua Bảo Đại mô tả về lễ cưới của ông và hoàng hậu Nam Phương.

Cuốn sách Nam Phương - hoàng hậu cuối cùng của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang vừa ra mắt độc giả chứa đựng nhiều tư liệu còn ít được biết đến về con người và cuộc đời hoàng hậu Nam Phương.
Được sự đồng ý của NXB Thế giới và Saigon Books, Zing.vn trích đăng một số phần trong cuốn sách, chia sẻ với độc giả cái nhìn đa chiều về hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Việt Nam:
Không thuyết phục được Bảo Đại, triều đình và bà Từ Cung đành chấp thuận, đồng ý để Bảo Đại lấy con gái của Nguyễn Hữu Hào. Lễ cưới đã diễn ra ngày 20/3/1934. Năm đó Bảo Đại 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan 20 tuổi. Trong triều đình lúc đó duy chỉ có một mình cụ Nguyễn Hữu Bài, Thượng thư Bộ Lại kiêm Viện trưởng Cơ mật Viện đồng tình với nhà vua vì ông cũng là người theo đạo Công giáo.
Và cũng vì có sự bất đồng trong triều đình, Hoàng tộc nên đám cưới đã có vài trục trặc khi rước dâu. Theo lời kể của một nhân chứng khi đó là nhà báo lão thành Hoàng Phố, thì trước khi lễ rước dâu diễn ra, một buổi tiệc thân mật đã được tổ chức tại biệt thự Nguyễn Hữu Hào với sự tham gia của khoảng mười người. Trong bữa tiệc, cô Nguyễn Hữu Thị Lan đi mời rượu và bánh trái từng người.
Mấy hôm sau, đoàn rước dâu đưa cô dâu của Hoàng đế đến đèo Hải Vân, các quan từ Huế vào đón tiếp nhưng cũng chẳng có bao nhiêu người. Báo chí thời đó nói nói sở dĩ họ đằng trai (phía Hoàng tộc) chỉ có lèo tèo vài người vào đèo Hải Vân đón nhà gái vì trong Hoàng tộc không ai chịu đi đón dâu nên bị trễ mất một ngày, làm họ nhà gái phải chờ ở giữa đèo Hải Vân.
Rồi hai họ cũng gặp nhau giữa đèo và đoàn xe nhập làm một để trực chỉ về Huế. Tới Huế, họ nhà gái được mời vào trong cung Trú Tất nghỉ để chờ đến ngày 20/3 mới cử hành hôn lễ.
 Nam Phương hoàng hậu trong lễ phục triều điều.
Buổi sáng mưa xuân thật đẹp, hôn lễ được cử hành. Tại cung Trú Tất, Nguyễn Hữu Thị Lan mặc áo thụng gấm đỏ thêu vàng, đội khăn màu thiên thanh quấn nhiều vành, đi bên cạnh Thị Lan là bà chị ruột đã lấy chồng - một võ quan Pháp. Hai người cùng bước lên xe hơi để vào Đại nội, ở đó Bảo Đại đang chờ cô dâu tới để làm lễ hợp cẩn trình diện Hoàng tộc, các quan trong triều và Khâm sứ Pháp.
Cũng theo cuốn hồi ký Le Dragon d’Annam (Con rồng An Nam) của Bảo Đại thì:
“Lễ cưới được tổ chức trước sự hiện diện của đình thần và đại diện nước Pháp. Đây là một lễ cưới đổi mới, trước kia, chưa từng có trong cung đình. Tôi cũng quyết định, sau khi cưới, sẽ tấn phong cho vợ tôi làm Hoàng hậu - danh hiệu mà trước đó chỉ phong cho thái hậu sau khi hoàng đế qua đời".
Bốn ngày sau lễ đại hôn mới kết thúc và sau đó Nguyễn Hữu Thị Lan được Bảo Đại tuyên bố lập làm Hoàng hậu, ban cho danh hiệu là Nam Phương.
Ngày mùng 10/2 (tức 24/3/1934) lễ tấn phong hoàng hậu được diễn ra rất trọng thể ở điện Dưỡng Tâm. Và nhà vua đã ban đạo dụ để phong cho Hoàng hậu tước vị Nam Phương Hoàng hậu. Bảo Đại giải thích thêm trong hồi ký về hai chữ “Nam Phương” như sau:
“Tôi đã chọn tên trị vì cho bà hoàng hậu mới, từ đó gọi là Nam Phương -Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền Nam (perfume). Và, tôi ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng - màu dành riêng cho Hoàng đế".
Tất nhiên, điều chúng ta cần biết nhất là lễ cưới đã diễn ra như thế nào? Về điều này, Bảo Đại không quên và ông đã kể lại như sau:
“Lễ cưới được tổ chức ngay trong phòng tiếp tân của điện Cần Chánh. Cũng giống như lễ đăng quang, triều thần đứng sắp hàng dọc theo một tấm thảm đỏ và vàng dành riêng cho Hoàng đế. Lần đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn có một người phụ nữ xuất hiện giữa triều đình.
Nam Phương mặc áo rộng thùng thình, chân đi hài mũi cong, đầu đội vương miện có đính vàng ngọc châu báu óng ánh. Nàng đi một mình đến giữa tấm thảm, tất cả triều thần cúi chào. Với một vẻ đẹp tuyệt vời, nàng đi thẳng vào các phòng lớn, tôi đang ngồi chờ nàng trên một cái ngai thấp ở đó. Nàng đến đứng trước mặt tôi, cúi đầu chào tôi ba lần rồi ngồi ở cái chái bên phải của tôi.
Buổi lễ ngắn ngủi chấm dứt. Hoàng hậu đã bên tôi. Chúng tôi sánh vai nhau bước đi trong tiếng nhạc mừng, qua Tử Cấm Thành vào điện Kiến Trung - nơi ở và làm việc chính của chúng tôi.”
Về cuộc hôn nhân này, năm 1983, cụ Phạm Khắc Hòe, cựu Ngự tiền Văn phòng Đổng lý của Bảo Đại, đã viết trong hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc một đoạn nói về cuộc hôn nhân của Bảo Đại như sau:
“… Trong cuộc kết hôn giữa Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan, lý trí nặng hơn tình cảm nhiều. Cô Lan lấy Bảo Đại chủ yếu là để lên ngôi Hoàng hậu, Bảo Đại lấy cô Lan chủ yếu là để đào mỏ. Về mặt tình cảm nếu có thì cũng chỉ là bề ngoài: Hai người đều mạnh khỏe, yêu thể thao và quen sống lối phương Tây. Còn về tính tình, tâm tư thì hầu như trái ngược nhau.
Bảo Đại nông cạn, ngây thơ, nhu nhược, thích ăn chơi hơn là quyền bính. Ông ta có thể phục thiện nhưng rất dễ bị bọn cơ hội lợi dụng. Trái lại, Nam Phương là người kín đáo, trầm tĩnh, sâu sắc, có cá tính, có đầu óc suy nghĩ, thích đọc sách, nghiên cứu hơn là ăn chơi… thích uy quyền và có nhiều tham vọng chính trị!".
 Nhiều người cho rằng cuộc hôn nhân giữa vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương mang nhiều tính lý trí hơn là tình cảm.
Tham vọng của Nam Phương là khi có con trai sẽ phong làm Thái tử để nối ngôi và quyền bính sẽ do bà Thái hậu là Nam Phương “thi thố tài năng”, làm vừa lòng mẫu quốc Pháp, vừa lòng Tòa thánh La Mã hằng mong đợi nước Việt Nam tương lai sẽ có một ông vua có đạo Công giáo.
Và mặc dầu, khi vợ chồng Charles viết thư xin phép Tòa thánh cho Nam Phương được kết hôn với Bảo Đại và mỗi người giữ đạo riêng, nhưng Giáo hoàng Pius XI đã không chấp nhận. Việc đã lỡ rồi, nên đám cưới của Bảo Đại với Thị Lan vẫn cứ tiến hành.
Vì vậy Giáo hoàng đã rút phép thông công (phạt vạ) không cho Nam Phương xưng tội và rước lễ như trước khi lấy Bảo Đại. Sau lễ cưới, Bảo Đại nghe theo lời của vợ chồng Charles là nên tặng huy chương cho mấy Giám mục người Pháp, người Ý và Khâm sứ Tòa thánh ở Huế để lấy lòng Tòa thánh thì tương lai sẽ được Tòa thánh tha phạt vạ bà Nam Phương.
Và quả đúng như vậy. Khi Giáo hoàng Pius XI qua đời ngày 10/2/1939 và ngày 2/3/1939, Giáo hoàng Pius XII lên kế vị nên đã xét lại và chấp nhận cho Bảo Đại được giữ đạo Phật, còn Nam Phương được giữ đạo Công giáo, nhưng các con khi sinh ra phải được rửa tội để nhập đạo Công giáo theo người mẹ là bà Nam Phương. Vì thế, sau đó hai vợ chồng Bảo Đại và Nam Phương đã sang La Mã xin yết kiến để cảm ơn Giáo hoàng Pius XII.
Sau này, có người hỏi bà Nam Phương tại sao bà lại lấy một ông vua không cùng đạo rồi sau đó còn năm thê bảy thiếp, không kém gì các tiên đế, bà Nam Phương trả lời: “Việc này do Chúa định, tôi biết nói làm sao được".

Cung An Định và nỗi lòng hoàng hậu Nam Phương

Cung An Định ở Huế là nơi mà hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam đã nhiều lần rơi nước mắt.

Cuốn sách Nam Phương - hoàng hậu cuối cùng của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang vừa ra mắt độc giả chứa đựng nhiều tư liệu còn ít được biết đến về con người và cuộc đời Nam Phương hoàng hậu.
Được sự đồng ý của NXB Thế giới và Saigon Books, Zing.vn trích đăng một số phần trong cuốn sách, chia sẻ với độc giả cái nhìn đa chiều về hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Sông An Cựu dài hơn 30 cây số, là một chi lưu nổi danh của sông Hương, đã mang theo dòng chảy của mình những tố chất “di truyền” về tâm cảnh lẫn màu nước từ dòng sông mẹ. Vì thế cần nói về sông Hương trước.
Tính từ nguồn ra biển, sông Hương chỉ dài khoảng 100 cây số, nhưng “kích thước lịch sử” của con sông này lại lớn hơn rất nhiều lần con số ấy bởi các biến cố lịch sử trọng đại xảy ra ở đôi bờ. Về vị trí phong thủy, sông Hương được chọn làm Minh đường của Kinh thành Huế, là nơi “trăm dòng hợp phái, vạn nhánh quy về” (bách xuyên hợp phái – vạn hác triều tông) như Vua Thiệu Trị ca ngợi. Có thể tham khảo thêm sách địa lý của Tả Ao tiên sinh: “Trường thủy sở dẫn, trường sơn sở tòng, chân thị đại quý chi địa” (Nước dài dẫn lối, núi dài chạy theo, thực là đất đại quý).
Học giả Cao Trung bình luận: “Khi nước chảy chiều nào thì sơn mạch đi chiều đó nên gọi là nước dài dẫn lối. Đó là điều kiện nước tốt. Nếu có dãy núi dài dài đi theo nước dài nữa là điều kiện tốt thứ hai. Nếu huyệt kết ở núi dài theo sông dài và sông dài dẫn núi dài thì chắc là cho huyệt kết lớn. Trái lại chỉ có một dòng nước nhỏ dẫn lối và một chi sơn nhỏ đi theo thì chỉ là tiểu địa". Đã có những đất đại quý được các nhà địa lý chọn xây lăng mộ cho các vua Nguyễn.
Cũng có ngọn đồi thiêng của vương triều như đồi Hà Khê, hoặc núi Ngọc Trản bên dòng sông Hương. Ngay cả màu nước sông Hương cũng được Quốc sử quán triều Nguyễn nhắc đến: “Hồi đầu quốc triều ta, nước sông Hương đã chuyển sang màu đỏ và đục ngầu trong biến cố năm Giáp Ngọ 1774” – là năm tướng Hoàng Ngũ Phúc từ phía Bắc kéo quân Trịnh tràn vào đánh chiếm Thuận Hóa, đẩy chúa Nguyễn chạy lánh về đất phương Nam.
Rồi cũng dòng Hương giang ấy lại xanh trong tuyệt vời vào “mùa hè năm Tân Dậu 1801 lúc đại binh (của Chúa Nguyễn Phúc Ánh) tái chiếm lại thành đô – thiên hạ đều cho nước sông đổi màu là điềm thái bình vậy” (Đại Nam nhất thống chí).
Cung An Định, nơi có nhiều gắn bó với Nam Phương hoàng hậu. 
Trên đoạn chảy qua khu vực kinh thành về phía hữu ngạn (bờ nam sông Hương) có sông An Cựu, được hình thành sau những chuyến Vua Gia Long xa giá đến vùng Thanh Thủy xem xét địa thế, đoán định về phong thủy và triệu các vị phụ lão địa phương đến hỏi việc lợi hại khi đào sông mới. Ai nấy đều đồng tình. Vua sai đào sông dẫn nước tưới cho hàng ngàn vạn mẫu ruộng đất bị ngập mặn năm 1814 (Gia Long thứ 13) và làm đập ngăn nước mặn ở cửa Thần Phù.
Nhờ thế mà vùng đất nam sông Hương khởi sắc, thuận lợi cho việc gieo cấy, trồng trọt. Chính vì kết quả như vậy nên sau này Vua Minh Mạng đặt tên sông là Lợi Nông và sai khắc hình ảnh của sông vào Cửu đỉnh (Chương đỉnh). Tuy vậy, dân chúng kinh thành Huế vẫn quen gọi tên cũ của sông là An Cựu.
Cung An Định nằm bên bờ sông An Cựu ấy – một nhánh của sông Hương với màu nước có “một chút gì trúc trắc”, tựa những mối tình chợt đổi màu theo nắng mưa, mà ca dao ghi lại:
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong
Vì thầy mẹ bên anh lắng đục tìm trong
Nên duyên chàng nợ thiếp cứ long đong rứa hoài…
Được xây bên một dòng sông như thế, nên cung An Định dường như cũng “đẫm buồn” theo và là nơi Nam Phương hoàng hậu đã nhiều lần rơi nước mắt.
Người chứng kiến những giọt lệ đầu tiên của Nam Phương là ông Phạm Khắc Hòe, trong câu chuyện được kể dưới đây. Nguyên sau ngày đọc Chiếu thoái vị vào trưa 30/8/1945, cựu hoàng Bảo Đại nhận được công điện từ Hà Nội gửi vào mời ông làm Cố vấn tối cao cho chính phủ Hồ Chí Minh, ông nhận lời và sắp xếp ra Hà Nội.
Vào 6 giờ sáng 2/9, ông Phạm Khắc Hòe cùng Bộ trưởng Lê Văn Hiến đến cung An Định: “Xe chúng tôi đã vào đậu ngay trước phòng khách mà trong cung vẫn tối mò mò, im phăng phắc – chỉ nghe có tiếng gõ mõ niệm Phật từ trên lầu vọng xuống". Lát sau Hoàng hậu Nam Phương trong sắc phục màu xanh da trời, từ trong nhà đi ra cùng con trai là Bảo Long và ba con gái là Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung. Cựu hoàng Bảo Đại “tới hôn vợ, hôn các con với những lời âu yếm bằng tiếng Pháp, đây là lần đầu tiên trong đời mình, ông Vĩnh Thụy đi xa mà không ai tiễn đưa ngoài vợ con".
Nam Phương với sắc mặt buồn “đưa tay trái lên cổ sửa lại sợi dây vàng đeo thánh giá lấp trong áo, tay phải cầm mùi xoa lau nước mắt” trong tiếng mõ tụng kinh của bà Từ Cung (mẹ Bảo Đại) từ “trên lầu vọng xuống đều đều buồn bã”. Cựu hoàng “khóe mắt hơi ướt, nhưng miệng vẫn mỉm cười, bế Phương Dung lên hôn một lần nữa, rồi bỗng nói to: Thôi đi". Bà Nam Phương mở to mắt “nhìn theo như muốn níu ông chồng lại, nhưng ông này không quay lại”…
Bà Nam Phương và các con. 
Ra đến Hà Nội, cựu hoàng ở tại biệt thự dành riêng cho Cố vấn Chính phủ số 51 đại lộ Gambetta, tức số 51 Trần Hưng Đạo sau này. Chính ở đó, khoảng 10 ngày sau, khi ông Phạm Khắc Hòe đến thăm vào một đêm trăng đẹp, bỗng thấy “trên đầu cầu thang có một người đàn bà đang bước rất nhanh".
Ông chạy theo, nhưng lên đến gác thì “chỉ còn phảng phất mùi nước hoa” của người đàn bà đó – vũ nữ Lý Lệ Hà. Những lần sau cũng vậy, mỗi khi ghé lại biệt thự của cựu hoàng, lần nào ông Hòe cũng gặp những người hào nhoáng đi ra đi vào trong phòng khách và từ đó vọng ra “tiếng mạt chược lọc cọc, tiếng cười nói ầm ĩ, có cả tiếng đàn bà” nữa.
Vào một buổi trời vừa sập tối, bất ngờ Bảo Đại tự lái xe đến chỗ ở của ông Hòe nói: “Hôm ra đi, tui chỉ mang theo có một nghìn bạc, nay tiêu hết cả rồi. Tui muốn nhờ ông về Huế đưa cái thư này cho Ngài Hoàng (tức Hoàng hậu Nam Phương) lấy một ít tiền đưa ra cho tui”.
Cầm thư về Huế, ông Hòe đến trước cung An Định vào 8 giờ rưỡi sáng mà “tòa nhà này vẫn không có một cánh cửa nào mở, sân ngập lá rụng, tường mốc rêu xanh, tôi bấm chuông và lên tiếng gọi mấy lần, trong nhà vẫn im phăng phắc, không ai trả lời".
Định quay về, ông chợt thấy Hoàng hậu Nam Phương từ phía Bến Ngự xuống… Vào phòng khách, bà Nam Phương mở bức thư viết bằng chữ Pháp trên ba trang giấy màu xanh ra xem. Xong, bà ngẩng đầu lên “nhìn tôi với hai giọt nước trong suốt trong đôi mắt, môi bà run run như muốn nói một điều gì (…) Bà đứng vụt dậy, trào nước mắt ra…”.
Chiều hôm sau, ông Hòe quay lại cung An Định lúc 16 giờ, bà Nam Phương đã có mặt chờ sẵn ở phòng khách với “bộ mặt buồn thiu, nhưng vẫn cố làm ra vẻ bình tĩnh” – để rồi vào câu chuyện ngay sau đôi lời hỏi han: “Tôi muốn ông cho biết tất cả sự thật về việc ông Vĩnh Thụy mê con Lý.” Ông Hòe trả lời rất tiếc là mình không biết rõ chuyện ấy, chỉ nghe người ta nói cựu hoàng “có mèo tên là cô Lý”.
Bà Nam Phương chăm chú hỏi: “Ông có biết con Lý nhiều không? Và con ấy người như thế nào?” Ông Hòe đáp chưa thấy mặt bao giờ, song nghe đồn cô ấy đẹp. Tiếng “đẹp” làm hoàng hậu “đỏ mặt lên ngay”. Sau đó, dù cảm thấy khó xử, ông Hòe cũng đề xuất với Hoàng hậu Nam Phương rằng bà nên đưa con cái và bà Từ Cung ra sống ở Hà Nội cùng Cố vấn Vĩnh Thụy để hạn chế vấn đề trai gái của cựu hoàng. Bà không trả lời ông Hòe ngay.
Qua lần gặp gỡ ấy, ông Hòe nhận định: “Tôi thấy bà biết rất rõ mọi mặt sinh hoạt của ông Vĩnh Thụy ở Hà Nội – điều ấy bà Vĩnh Thụy chỉ có thể đạt được qua một mạng lưới săn tin và thông tin thành thạo và trung thành với bà. Tất nhiên, những tin tức càng cụ thể bao nhiêu, càng làm cho bà đau khổ, uất ức bấy nhiêu.”
Cung An Dinh va noi long hoang hau Nam Phuong hinh anh 3
Bà Nam Phương trong một chuyến đi cùng triều đình.
Trong lần gặp tiếp theo, Nam Phương đã rút hai tờ bạc Ngân hàng Đông Dương loại 500 đồng giơ lên cho ông Hòe thấy rồi “bỏ trở lại vào giữa những tờ giấy màu hồng đặc sệt chữ Pháp dán lại” đưa cho ông Hòe. Bà cũng nhắc đến đề xuất của ông Hòe ở lần gặp trước: “Ông Hòe này! Tôi cũng muốn ra Hà Nội để vợ chồng, con cái cùng ở với nhau cho hạnh phúc. Nhưng tôi ngại hai điều: một là sẽ làm tốn kém thêm cho Nhà nước trong lúc Chính phủ đang còn nghèo, lo trăm chuyện; hai là làm cho Hoàng đế đang vui sướng trở thành đau khổ, gò bó. Thôi! Tôi đành chịu đựng riêng một mình để cho người ta vui sướng.”
Chẳng biết hoàng hậu viết gì trong thư gửi cho Cố vấn Vĩnh Thụy. Sau khi thư đến tay cựu hoàng, thì ngày 16/3/1946 (khoảng sáu tháng sau khi ra Hà Nội), cựu hoàng sang Trung Quốc, sau đó qua Hồng Kông cùng người đẹp Lý Lệ Hà – để lại Hoàng hậu Nam Phương với nỗi lòng chua xót ở cung An Định xa vời…
Biết rõ mối quan hệ thắm thiết của chồng mình với cô Lý, Hoàng hậu với tư thế của một “người chị” đã viết một bức thư gởi “em Hà” mà hơn 50 năm sau Lý Lệ Hà vẫn còn giữ, với nội dung như sau: “Em Lý Lệ Hà thân quý! Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng ở Hồng Kông. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị, Nam Phương".

Những ngày cuối đời trên đất Pháp của Nam Phương hoàng hậu

Khi hay tin Nam Phương hoàng hậu qua đời, vua Bảo Đại đã mua một chiếc quan tài bằng gỗ sồi, loại gỗ quý giá nhất của người Pháp để an táng người vợ hiền thục, nhân từ và đạo đức.

Năm 1949, Bảo Đại trở về Việt Nam ngồi ghế Quốc trưởng, nhưng Nam Phương hoàng hậu vẫn ở bên Pháp. Những ngày nghỉ lễ, bà Nam Phương thường đi dạo phố cùng các con để mua đồ chơi hoặc đi coi phim với Hoàng tử Bảo Thắng, Công chúa Phương Dung – hai người con nhỏ nhất.
Tại Pháp, ban đầu bà Nam Phương ở lâu đài Thorenc tại Cannes. Ở đây, bà cho các con gái nhập học trường Couvent des Oiseaux, ngôi trường trước đó bà đã theo học tới khi về lấy chồng.
Cũng có những lúc Bảo Đại về Pháp, bà Nam Phương cùng đi với Bảo Đại tới sòng bài để xem ông chơi baccarat hoặc roulette cho vui. Những lần có bà cùng đi, nếu được bạc thì Bảo Đại tặng hết cho bà để sắm sửa quần áo. Hoàng hậu rất ưa thời trang của hãng Christian Dior và Balmin. Bà là một người sành điệu trong cách ăn mặc và màu tím nhạt là màu bà ưa thích nhất. Có lẽ vì cuộc đời của bà buồn nhiều hơn vui nên bà đã chọn màu tím chăng?
Hằng ngày, hoạt động của bà là chăm lo cho các con, đọc sách báo hoặc ra vườn trồng hoa, tỉa lá. Buổi tối bà thích chơi dương cầm cho các con nghe. Bà cũng là người ưa mỹ thuật. Trong phòng bà, người ta thấy treo những bức họa của Renoir, Buffet. Bà không thích tranh lập thể của Picasso vì tâm hồn bà không hợp với trường phái hội họa này cũng như trường phái siêu thực.
Bà rất thích nuôi chó. Trong nhà bà có cả một đàn chó, trong đó có một con thuộc giống Saint Berard, loại chó to như con cọp, chuyên dùng vào việc tìm người mất tích trong rừng khi đi trượt tuyết. Về thể thao bà có thể chơi bóng bàn, quần vợt và golf nhưng không giỏi lắm.
 Bà Nam Phương và các con những ngày đầu sang Pháp.
Sau năm 1955, Bảo Đại trở thành phế đế nên ông buồn bỏ nhà đi “giang hồ” và để bà Nam Phương ở nhà một mình với mấy người con. Khi đó các con bà đã lớn, mỗi người đi làm một nơi.
Những năm sau này, bà Nam Phương rời lâu đài Thorenc để về sống ở lâu đài Domain de la Perche ở Chabrignac thuộc vùng Trung Tây nước Pháp, cách Paris chừng 400-500 cây số. Nơi này có một trang trại lớn của riêng bà Nam Phương mà trước đây gia đình bà (ông bà Nguyễn Hữu Hào) đã mua cho. Nhà của bà ở cách biệt với những nhà dân ở vùng này, vì là làng quê nên mọi người ít có dịp giao thiệp với nhau.
Về đời sống vật chất thì bà Nam Phương không lúc nào thiếu thốn khi sống ở xứ người. Tài sản riêng do gia đình Nguyễn Hữu Hào mua cho bà gồm một chung cư lớn tại Neuilly và một chung cư ở đại lộ Opera. Ngoài ra bà còn nhiều nhà đất ở bên xứ Maroc, Congo… Tất cả những bất động sản này bà đã chia cho các con mỗi người một phần riêng và chỉ giữ lại trang trại ở Chabrignac, gồm 160 mẫu đất với một đàn bò gần trăm con và một vườn hồng lúc nào cũng nở hoa rất đẹp.
Những người dân ở gần nhà bà Nam Phương cho biết rất ít khi thấy Bảo Đại trở về đây thăm vợ con. Họa hoằn lắm một năm mới có 1-2 lần ông ghé về rồi lại đi ngay. Chỉ duy nhất trong dịp đám cưới Công chúa Phương Liên, ông có về để cùng bà Nam Phương đứng chủ hôn cho con gái rồi mấy ngày sau lại biến mất.
 Bà Nam Phương hiện đại và sang trọng trong hình tượng người phụ nữ hiện đại.
Thấy Bảo Đại đã có tuổi mà vẫn còn mải miết ăn chơi nên bà Nam Phương đã chọn một nơi yên tĩnh để sống những ngày cuối đời được thanh thản. Đã có lần bà ngỏ ý được trở về Việt Nam, để khi qua đời được an táng bên cạnh mộ thân sinh và thân mẫu ở Đà Lạt. Nhưng Bảo Đại và các con của bà phản đối không cho bà về.
Những năm cuối đời, bà Nam Phương ít đi ra ngoài và gặp gỡ mọi người. Cũng có đôi khi bà Nam Phương đi Paris để thăm các con đang học và làm ăn ở đó. Ngược lại, những dịp hè thì các con bà cũng về đây thăm mẹ và ở lại chơi ít ngày cho bà khỏi buồn. Thời gian này bà bị bệnh tim nặng, thường xuyên bị khó thở.
Vào khoảng 5 giờ chiều ngày 15/9/1963, bà Nam Phương cảm thấy mệt bèn cho người nhà đi mời bác sĩ đến thăm mạch. Sau khi chẩn khám, bác sĩ cho biết bà bị viêm họng nhẹ, chỉ uống thuốc vài hôm là khỏi. Nhưng không ngờ là bác sĩ vừa rời khỏi nhà chừng vài tiếng đồng hồ thì bà cảm thấy khó thở. Người hầu bà bèn nhờ một người Pháp hàng xóm đi mời một bác sĩ khác, nhưng người bác sĩ thứ hai chưa đến kịp thì Nam Phương hoàng hậu qua đời ngay trong đêm đó khi vừa tròn 49 tuổi.
Lúc bà lâm chung, ngoài hai người giúp việc thì không có người ruột thịt nào bên cạnh. Các con bà lúc đó đang đi học hoặc làm việc tại Paris, còn Bảo Đại thì đang sống tại miền Nam nước Pháp.
Khi được tin bà Nam Phương tạ thế, Bảo Đại trở về ngay và đã mua một chiếc quan tài bằng gỗ sồi, loại gỗ quý giá nhất của người Pháp để an táng người vợ hiền thục, nhân từ và đạo đức mà cho tới tận cuối đời cũng không hề bị ai chê trách hay than phiền. Ngay cả ông Bảo Đại cũng chưa bao giờ dám trách vợ về việc trai gái, vì kể từ ngày ly thân với Bảo Đại, bà Nam Phương không có bất kỳ nhân tình nào, dù là đi khiêu vũ hay đi tắm biển với một người đàn ông khác cũng không. Có lẽ bà Nam Phương được sinh ra trong một gia đình nề nếp nên bà giữ đạo rất nghiêm khắc, ngay cả với các con.
Đám tang của bà Nam Phương được cử hành theo nghi thức đạo Công giáo và diễn ra rất đơn giản. Những người dự đám tang vỏn vẹn chỉ có Bảo Đại, các hoàng tử, công chúa và một số bạn bè thân thiết của gia đình. Tại địa phương có vị Tỉnh trưởng và dân biểu nơi bà Nam Phương cư ngụ tới chia buồn và dự tang lễ.
Đặc biệt, trong tang lễ còn có có sự tham dự của Công chúa Như Lý, con gái của vua Hàm Nghi. Công chúa Như Lý cũng ở gần nơi bà Nam Phương cư ngụ, nhưng tiếc là hai người chưa từng gặp nhau lần nào cho đến khi bà Nam Phương qua đời.
Mộ Nam Phương hoàng hậu tại nghĩa trang Công giáo ở Chabrignac (Pháp). 
Linh cữu của bà Nam Phương được an táng ngay nghĩa trang Công giáo tại Chabrignac. Trên mộ của bà có tấm bia ghi những dòng chữ: Ici Repose l’Imperatrice Nam Phuong Nee Jeanne Mariette Nguyen Huu Hao 14.11.1913 – 15.9.1963.
Và mặt sau bia mộ có viết dòng chữ Hán: “Đại Nam Nam Phương Hoàng hậu chi lăng.”
Nghe nói, trước đây mấy năm, mộ của bà Nam Phương đã bị kẻ lạ mặt lợi dụng đêm tối vào đào nhiều lỗ để tìm của cải vàng bạc châu báu xem bà có mang theo không. Và chúng có lấy được gì thì không ai biết rõ, chỉ có gia đình con, cháu bà mới biết mà thôi.
Thật buồn cho số phận bà Nam Phương, lúc trẻ thật hạnh phúc và sung sướng về vật chất cũng như danh vọng. Vậy mà cuối đời bà đã mất trong sự cô đơn lạnh lẽo nơi xứ người ở cái tuổi còn khá trẻ. Bà Nam Phương Hoàng hậu sinh năm 1913 và mất năm 1963, khi vừa được 49 tuổi, cái tuổi theo người Việt gọi là tuổi xui, như dân gian thường nói: “Bốn chín chưa qua năm ba đã tới.”
Tuy nhiên, với vẻ đẹp phúc hậu và tấm lòng nhân từ của mình, dù bà Nam Phương Hoàng hậu mất đã lâu nhưng những câu chuyện về cuộc đời của bà sẽ vẫn còn được người đời nhắc tới.

Nam Phương hoàng hậu: Cuối cùng còn lại là tình yêu

Vào buổi chiều tối ngày 15/9/1963, tại lâu đài Domain de la Perche, thuộc làng Chabrignac, vùng Trung Tây nước Pháp, Nam Phương hoàng hậu lặng lẽ qua đời. Năm ấy bà mới 49 tuổi.

Lúc Nam Phương hoàng hậu mất, bên cạnh không có một người thân thiết nào, ngoài hai phụ nữ giúp việc. Căn bệnh tim mãn tính, thêm với trận cảm nắng tưởng chừng xoàng xĩnh, nhưng khiến bà không chống đỡ nổi trong khi chờ bác sĩ tới.
Một cái chết ít ai ngờ tới, hay đó chính là định mệnh của vị hoàng hậu cuối cùng triều Nguyễn, cũng là hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam. Một cuộc đời tưởng chừng thanh nhàn, êm ấm, nhưng cũng không ít sóng gió, hắt hiu và ra đi trong cô độc.
Nam Phương hoàng hậu. 
Nam Phương hoàng hậu là thứ nữ của ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình, tức là cháu ngoại của đại phú hào Lê Phát Đạt, tục gọi là ông Huyện Sỹ. Theo tục lấy tên cha, bà có tên là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào, và tên thánh là Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan.
Tuy sinh ra ở Gò Công (Tiền Giang), nhưng hai chị em bà được gia đình cho lên Sài Gòn ăn học, sống trong căn biệt thự sang trọng trên đường Nguyễn Du, nơi cách nhà thờ Huyện Sỹ chỉ vài phút đi bộ. Gọi là nhà thờ Huyện Sỹ vì nhà thờ này được ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu hiến tặng rất nhiều tiền để xây dựng. Nay nhà thờ này vẫn còn. Và là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng của Sài Gòn hôm nay.
Thuở nhỏ ở Gò Công, rồi cùng chị lên Sài Gòn ăn học, Nguyễn Hữu Thị Lan lúc nào cũng là một người thiếu nữ đằm thắm, ngoan hiền. Có thể nói cả thời trẻ cô chăm chú chuyện học hành. Năm 12 tuổi thì được gia đình gửi sang Pháp học trường nữ sinh danh tiếng Couvent des Oiseaux (Paris). Tháng 9/1932, sau khi thi đậu tú tài toàn phần, Nguyễn Hữu Thị Lan về nước trên con tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime.
Có tài liệu nói vua Bảo Đại cũng đi trên chuyến tàu đó, rồi tình cờ hai người gặp nhau. Nhưng cũng có nguồn tin cho rằng thực ra hai người đã biết nhau từ ngày còn học bên Pháp, chuyến trở về là một cơ duyên để thêm gắn kết, thắm tình. Cũng có nguồn tin cho rằng hai người gặp nhau tại Đà Lạt trong một dạ tiệc tại khách sạn La Palace do Toàn quyền Đông Dương tổ chức.
Không rõ sương mù Đà Lạt hay sương mù ký ức đã phủ lên cuộc tình của họ, chỉ biết rằng họ từng là những kẻ yêu trước khi thành chồng vợ.
Đọc cuốn Nam Phương hoàng hậu cuối cùng của Lý Nhân Phan Thứ Lang mới được phát hành, chúng ta cũng có thể thấy được rằng, vào thời ấy, những câu chuyện tình yêu của những người nổi tiếng, không phải lúc nào cũng ồn ào một cách chủ ý. Đặc biệt là với nữ giới.
Chậm rãi giữa những trang sách, chúng ta dễ nhận thấy “tâm trạng khi yêu” của Bảo Đại, còn về phía Nguyễn Hữu Thị Lan, chỉ có thể thấy những đường nét mờ ảo, ẩn khuất. Dường như, chưa bao giờ bà Nam Phương nói rõ tình yêu của mình với Bảo Đại, mà qua những ý tứ hé mở, chúng ta thấy đấy như là một định mệnh. Như chính lời bà nói, về sau này: “Việc này là do Chúa định, tôi biết làm sao được” (!)
Việc này, tức là việc bà đồng ý làm vợ vua Bảo Đại, khi hai người khác đạo, khi vị vua trẻ nổi tiếng là ham chơi và đào hoa. Và, mặc cho những ngăn cản, định kiến từ gia đình nhà trai, một đám cưới theo nghi thức mới cũng được cử hành vào ngày 20/3/1934 tại Điện Dưỡng Tâm (Tử Cấm Thành – Huế).
Năm đó, Bảo Đại 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan vừa 20 tuổi. Theo Lý Nhân Phan Thứ Lang thì những nguồn tin cũng như những tài liệu mà ông nắm được, cho biết Nguyễn Hữu Thị Lan đã chủ động đặt những thỏa thuận, mà chưa từng có trong cung đình.
Thứ nhất là giải tán tam cung lục viện, không còn chuyện năm thê bảy thiếp nữa. Thứ hai, hoàng đế phải tấn phong hoàng hậu sau khi cưới, chứ không phải được phong sau khi hoàng đế qua đời như xưa cũ. Thứ ba, con trai sinh ra phải được phong là thái tử. Đó là những thay đổi theo tinh thần văn minh, là ý thức mới của một người Tây học.
Tuy nhiên, có thể thấy việc tấn phong hoàng hậu, trước hết là tâm nguyện của Bảo Đại. Lúc này, ông còn rất yêu vợ và muốn làm một việc “chưa từng có trong triều đình”. Nam Phương hoàng hậu, tức “Hương thơm miền Nam” là danh hiệu mà Bảo Đại dành tặng cho người vợ của mình với biết bao cảm xúc thương yêu, tôn trọng.
Tuy đã dẹp bỏ “tam cung lục viện”, không còn cảnh “năm thê bảy thiếp”, nhưng Bảo Đại vẫn “thói đa tình”, sểnh ra khỏi nhà là có tình nhân.
Bảo Đại là vị vua nổi tiếng đào hoa.
Cuộc tình công khai và nổi tiếng nhất của Bảo Đại sau khi có với Nam Phương hoàng hậu mấy mặt con, là cuộc tình với vũ nữ Lý Lệ Hà. Đây là thời gian mà Bảo Đại được mời ra Hà Nội trong vai trò Cố vấn tối cao của Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Đọc Nam Phương hoàng hậu cuối cùng, chúng ta thấy được những cảm xúc rất thật của một người phụ nữ khi biết chồng mình ngoại tình. Chúng ta như run rẩy theo những cảm xúc của bà.
Và, chúng ta thấy thương yêu, kính trọng bà nhiều hơn, khi đọc những dòng bà viết cho “tình địch”: “Em Lý Lệ Hà thân quý! Chị ở xa đức cựu hoàng mấy dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng chăm sóc cựu hoàng ở Hồng Kông. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị, Nam Phương”.
Nội dung bức thư được cho là viết vào tháng 3/1946 khi Bảo Đại sang Trung Quốc rồi sang Hong Kong cùng Lý Lệ Hà. “Chị trọn kiếp nhớ ơn em”, có lẽ cũng là trọn kiếp không quên chuyện này (!)
Bà Nam Phương cùng các con khi mới sang Pháp. 
Nam Phương hoàng hậu cuối cùng, là điều mà Nam Phương có nghĩ tới chăng? Có lẽ là bà chưa từng nghĩ đến. Đầu tiên hay là cuối cùng thì bà cũng chỉ có một người yêu, một người chồng là ông Vĩnh Thụy, tức Bảo Đại.
Là một hoàng hậu, bà từng nghĩ là do Chúa định. Là một người vợ, sau Cách mạng tháng Tám, bà từng định ra Hà Nội cùng chồng, nhưng rồi ngại chính phủ lo phiền, ngại chồng bị gò bó, bà cam chịu một mình cùng các con ở cung An Định. Là một người từng đứng giữa ngã ba đường, bà vẫn một lòng lo lắng cho con, nghĩ tới tương lai của chúng. Là những tháng ngày cô độc ở nước Pháp, mà vẫn giữ hình ảnh đẹp với một tinh thần sống đẹp.
Hình ảnh của Nam Phương hoàng hậu, thật đúng với tinh thần câu thơ mà thi sĩ Tản Đà đã phóng bút tặng bà vào năm 1938.
“Cung duy mẫu đức nghi thiên hạ
Lạc đồ tiên nhân giáng tự trần”
(Đức độ của quốc mẫu thực xứng đáng làm gương cho thiên hạ
Vui mừng được thấy tiên đã giáng xuống cõi trần)
Như thế đó, Nam Phương hoàng hậu, qua hết thảy những đắng cay, cuối cùng còn lại là cái đẹp và tình yêu chân thành.
Trích sách "Nam Phương - hoàng hậu cuối cùng"/Zing



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét