Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Ai được truyền tụng là Tam nguyên Yên Đổ?

Ông đỗ đầu ba kỳ thi Hương, Hội, Đình, làm quan dưới triều Nguyễn, là tác giả của chùm thơ thu nổi tiếng.

Chân dung Nguyễn Khuyến. Ảnh tư liệu
Chân dung Nguyễn Khuyến. Ảnh tư liệu
Nguyễn Khuyến tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự là Miễu Chi, sinh ngày 15/2/1835 tại quê mẹ ở xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, nay thuộc tỉnh Nam Định, nhưng lớn lên và sống chủ yếu ở quê cha, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Xuất thân trong gia đình có bố đỗ ba khóa tú tài, Nguyễn Thắng vốn thông minh và hiếu học. "Tập đọc, một ngày Thắng có thể thuộc đến hai chục trang. Chỉ cần ba ngày là cậu học xong cuốn Tam tự kinh”, sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam viết. Những đêm trăng tỏ, Thắng học dưới ánh trăng. Những buổi trăng lu, cậu mang sách ra bờ ao, nghiêng theo ánh phản chiếu mà học. Những tối không trăng, cậu thu lá vàng rụng ở ngôi miếu đầu thôn, mồi lửa đốt lá để lấy ánh sáng đọc sách.
Nhờ sự thông minh, hiếu học, năm 1864 Nguyễn Khuyến đỗ đầu thi Hương (Giải nguyên) ở trường Nam Định. Năm 1871, ông thi Hội đỗ Hội nguyên và thi Đình đỗ Đình nguyên. Từ đó, người ta gọi ông là Tam nguyên Yên Đổ (người làng Yên Đổ đỗ đầu ba kỳ thi).
Đỗ đầu ba kỳ thi Hương, Hội, Đình nhưng con đường để đi đến vị trị dẫn đầu đó không hề suôn sẻ với Nguyễn Thắng. Năm 17 tuổi, ông đi thi cùng khóa với cha nhưng bị hỏng. Năm 1854, cha bị bệnh mất, cảnh nhà thêm tiêu điều xơ xác, cuộc sống thêm cơ hàn. Nguyễn Thắng, bấy giờ đã trưởng thành, đổi tên thành Nguyễn Khuyến phải phiêu bạt nay đây mai đó, vừa đèn sách tự học, vừa dạy học để đỡ đần thêm cho gia đình.
Theo Kể chuyện danh nhân Việt Nam, chuyện đổi tên thành Nguyễn Khuyến bắt đầu từ việc thi trượt. Sau khi thi Hội không đỗ, Nguyễn Thắng buồn phiền nghĩ lại cảnh đời mình, phần do cảnh nhà túng bấn, phải chạy vạy lo toan cuộc sống nên không đủ thời gian học, phần do sau những lúc vật lộn kiếm ăn, chân tay mệt mỏi, đầu óc rã rời, sự nỗ lực còn chưa cao.
Thắng viết đi viết lại tên mình ra giấy và bỗng thấy sự trùng lặp giữa ý nghĩ vừa rồi với việc chiết tự tên mình. Ông nhận thấy chữ Thắng có chữ "lực" nhưng là chức "lực" nhỏ, gọi là "tiểu lực". Mà tiểu lực, nỗ lực chưa cao thì đỗ làm sao được. Phải nỗ lực hơn nữa, phải "đại lực".
Nghĩ vậy, Nguyễn Thắng soát lại trong đầu xem chữ nào có chữ "lực" lớn. Ông thấy ngay chữ "Khuyến" và nghĩ sẽ đổi tên thành Nguyễn Khuyến, quyết chí nỗ lực học tập sao cho thành đạt mới thôi.
Nguyễn Khuyến quan niệm con người sinh ra ở đời sau khi học hành, đỗ đạt phải ra làm quan để "thờ vua giúp nước".
Theo Kể chuyện danh nhân Việt Nam, sau khi thi đỗ, Nguyễn Khuyến được bổ làm quan. Song thời gian này, thực dân Pháp đánh chiếm, triều đình nhà Nguyễn lần lượt quy hàng. Trước tình thế ấy, ông rất đau lòng, lấy cớ cáo quan về ở ẩn.
Thực dân Pháp chiếm được Nam Kỳ, lần lượt đánh ra Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Để mua chuộc sĩ phu Bắc Kỳ, chúng cho người mời Nguyễn Khuyến ra làm quan trở lại nhưng ông dứt khoát không ra.
Nguyễn Khuyến nổi tiếng thanh liêm, chính trực. Việc ông cáo quan cho thấy sự bất lực vì không thể làm gì để thay đổi thời cuộc và cũng không cam tâm làm tay sai cho Pháp. Sau khi cáo quan, ông thường xuyên thể hiện tinh thần yêu nước và thái độ phản kháng với thực dân Pháp qua các sáng tác thơ ca. 
Nhắc đến Nguyễn Khuyến, người đời thường nhắc tới chùm thơ thu với ba bàiThu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm. Đây là những bài thơ tiêu biểu nhất cho thơ Nôm Nguyễn Khuyến.
Thu vịnh
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ
Song thưa để mặc ánh trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.
Thu ẩm
Năm gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe
Lưng giậu phất phơ, màu khói nhạt
Làn ao long lánh bóng trăng loe
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy
Độ năm ba chén đã say nhè.
Thu điếu
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng, trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Ngoài ba bài thơ thu kể trên, Nguyễn Khuyến còn để lại rất nhiều tác phẩm. Tập thơ Quế Sơn thi tập của ông gồm khoảng 200 bài thơ bằng chữ Hán và 100 bài thơ bằng chữ Nôm với nhiều thể loại. Nguyễn Khuyến viết về con người, cảnh vật và cuộc sống quê hương; chế giễu, đả kích những kẻ tham lam, ích kỷ, cơ hội thời bấy giờ...
Khi thấy mình tuổi già sức yếu, nhiều bạn đồng tuế đồng niên đã chầu tiên tổ, Nguyễn Khuyến lấy giấy bút, viết lại đôi hàng di chúc:
Sống không để tiếng đời ta than
Chết được về quê quán hương thôn,
Mới hay trăm sự vuông tròn
Sống lâu đã trải, chết chôn chờ gì?
Việc tống tang nhung nhăng qua quýt
Cúng cho thầy một ít rượu, hoa.
Để vào mấy chữ trong bia,
Rằng: "Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu".
Ngày rằm tháng giêng Kỷ Dậu (1909), Nguyễn Khuyến ra đi, để lại cho đời một nhân cách cao đẹp và khối lượng tác phẩm lớn có giá trị. Để tưởng nhớ, ngày nay nhiều trường học, đường phố khắp tỉnh thành đặt theo tên của Nguyễn Khuyến.

Dương Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét