Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Lê Lai và Lê Lợi có mối quan hệ như thế nào

“Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”, câu thành ngữ đã quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết về mối quan hệ giữa hai nhân vật này. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Lê Lai (sống ở thế kỷ 15), là con của Lê Kiều, người thôn Dựng Tú, sách Đức Giang, huyện Lương Giang (nay là thôn Thành Sơn, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Ông là danh tướng trung dũng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo.
Sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn viết: “Lê Lai tính cương trực, dung mạo khác thường, chí khí cao cả lẫm liệt, lo việc hậu cận cho Lê Lợi rất chu đáo, công lao rõ rệt”.
Lê Lợi sinh năm 1385, là con thứ ba của Lê Khoáng và bà Trịnh Thị Ngọc Thương. Ông sinh tại làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương (nay là xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Trưởng thành trong thời kỳ nhà Minh đô hộ nước Việt, Lê Lợi đã tổ chức cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống lại quân Minh.
Năm 1416, Lê Lai là một trong 18 vị tướng thân cận đã tổ chức hội thề, nguyện sống chết cùng Lê Lợi. Ông được trao chức Tổng quản phủ Đô tổng quản, tước Quan Nội hầu.
Theo Đại Việt thông sử, năm 1418 Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại đất Lam Sơn (Thanh Hóa), nhưng do tướng ít, quân thiếu nên bị tướng nhà Minh vây đánh. Lê Lợi chạy thoát, về đóng ở vùng héo lánh. Giặc chia quân chặn giữ những nơi hiểm yếu khiến đội quân Lam Sơn rơi vào tình thế nguy khốn. 
Lê Lợi lúc đó đã hỏi các tướng rằng: “Ai dám đổi áo, thay ta đem quân ra đánh giặc, xưng danh hiệu của ta bắt chước như Kỷ Tín đời Hán, để cho ta giấu tiếng, nghi binh, tập hợp tướng sĩ, mưu tính cuộc nổi dậy về sau”. Các tướng không ai dám hưởng ứng. Riêng Lê Lai xin đi và nhắn rằng sau khi lấy được nước, Lê Lợi hãy nhớ đến công lao của ông và khiến con cháu muôn đời nhớ đến.
Lê Lai cải trang thành chúa Lam Sơn, lĩnh 500 quân và hai voi chiến xông ra tập kích quân Minh. Giặc tưởng nhầm ông là Lê Lợi đã dồn lực đánh, bắt. Đội nghĩa quân cảm tử cùng Lê Lai chiến đấu dũng cảm, nhưng vẫn bị thất bại. Lê Lai bị bắt rồi bị hành hình. Quân Minh sau đó rút toàn bộ lực lượng về thành Tây Đô. Nhờ cơ hội đó, Lê Lợi và nghĩa quân được giải vây, tiếp tục chuẩn bị điều kiện cần thiết để chiến đấu.
Cảm động trước lòng trung nghĩa của Lê Lai, Lê Lợi đã ngầm sai người đi tìm di hài ông đem về mai táng tại Lam Sơn. Khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi năm 1428, Lê Lợi lúc này là vua Lê Thái Tổ, đã phong cho Lê Lai làm đệ nhất công thần, tặng là “Suy trung Đồng đức Hiệp mưu Bảo chính Lũng Nhai công thần”. Vua sau đó sai Nguyễn Trãi viết hai bản lời thề ước trước và lời thề của vua nhớ công Lê Lai, để vào trong hòm vàng, phong tiếp cho công thần xả thân cứu mình hàm Thái úy.
Đền thờ Lê Lai được lập tại quê nhà của ông ở xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc, Thanh Hóa).
Suốt những năm ở ngôi vua, Lê Lợi (tức Lê Thái Tổ) luôn nhớ ơn vị tướng ngày trước đã hy sinh thân mình cứu ông thoát nạn, lập được giang sơn. Đến lúc sắp chết, Lê Lợi vẫn dặn con cháu rằng, ông có được ngày hôm nay là nhờ Lê Lai, do đó phải làm giỗ Lê Lai trước, để vị tướng này được hưởng lễ trước vua.
Ngày 22/8/1433, Lê Lợi mất, các vua nối ngôi theo lời dặn của ông đã cúng Lê Lai vào ngày 21/8. Từ đó dân gian có câu: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi.
Năm 1484, Lê Thánh Tông (vị vua thứ năm của triều Hậu Lê) đã truy tặng Lê Lai là “Thái úy Phúc quốc công”, sau lại gia phong là Trung Túc Vương.
Tài liệu của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, phần nhân vật lịch sử, có nói về Lê Lai và những người con của ông. Theo đó, Lê Lai có ba người con trai là Lê Lư, Lê Lộ và Lê Lâm, đều theo cha gia nhập nghĩa quân của Lê Lợi đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh.
Con trai trưởng Lê Lư trong khi vây thành Nghệ An (năm 1425) đã chiến đấu và hy sinh để ngăn không cho quân địch liên lạc với các đồn khác. Lê Lư sau đó được Lê Lợi truy tặng Thiếu úy (năm 1428), tặng là Kiến Tiết hầu (năm 1484) và vua Lê Thánh Tông gia tặng Kiến quận công.
Người con thứ Lê Lộ, trong trận đánh ở sách Ba Lẫm, ải Kinh Lộng (năm 1421) đã dẫn phục binh đánh bại tướng giặc là Trần Trí, được vua thăng chức Tả trung quân tổng đốc chư quân sự. Năm 1424, Lê Lộ tiếp tục lập công khi theo vua đi đánh ở châu Trà Lân và Bồ Lạp, được thăng là Thái bảo. 
Tháng 10 cùng năm, trong một trận chiến chống giặc Minh, Lộ đã bị trúng tên rồi qua đời. “Do công lao chiến thắng trong nhiều trận nên đến năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Lê Lộ được truy tặng Thái úy. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông tặng cho ông là Chiêu Công hầu, sau lại gia tặng ông là Chiêu quận công”, tài liệu của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa viết.
Người con út là Lê Lâm sau cuộc chiến chống quân Minh đã được Lê Lợi trao chức Thủ quân thiết đột (năm 1428). Lê Lâm xếp vào hạng thứ ba trong hàng công thần, được trao hàm Trung Lương đại phu Câu kiềm vệ tướng quân, tước Thượng Trí tự Suy trung Đồng đức Hiệp mưu Bảo chính công thần. 
Năm 1430, theo lệnh vua, Lâm đem quân đi dẹp giặc Ai Lao sang quấy phá bờ cõi, đuổi quân giặc đến động Hồng Di thì bị trúng chông độc rồi chết. Ông được truy tặng là Thiếu úy, sau là Thái úy Trung quốc công, thụy là Uy Vũ.
Theo Từ điển đường phố Hà Nội (nhà xuất bản Hà Nội, 2010), Lê Lai là con phố dài 408m, rộng 8m thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Phố này nối từ đường Trần Quang Khải đến phố Đinh Tiên Hoàng (giáp hồ Hoàn Kiếm), chạy cắt ngang qua ngã sáu Lý Thái Tổ - Ngô Quyền, cạnh vườn hoa Chí Linh cũ (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ), qua trước trụ sở HĐND và UBND thành phố Hà Nội.
Phố Lê Lai thuộc huyện Thọ Xương cũ. Thời Pháp thuộc, đây là hai phố rue Dopminé và rue Bonhour có từ năm 1919, đến năm 1945 đổi tên thành phố Lục Tỉnh. Năm 1951 hai phố này gộp lại thành phố Lê Lai.

Quỳnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét