Thứ Ba, 20 tháng 2, 2018

Chè kê – ngọt bùi hương vị Tết quê

(NLĐO)- Trong mâm cỗ ngày Tết của người Quảng Trị không thể thiếu món chè kê. Cho đến nay, nét văn hóa ẩm thực này vẫn được nhiều người ở quê tôi gìn giữ với mong muốn một năm mới luôn ấm no, sung túc.

Tôi cũng chẳng biết tục nấu chè kê vào dịp Tết cổ truyền ở quê mình có từ bao giờ nữa. Chỉ nhớ rằng từ lúc còn tấm bé tôi đã đều đặn được thưởng thức món chè kê thơm dịu, ngọt lành mà mạ đã chu đáo nấu cho cả nhà mỗi khi Tết đến xuân sang. Đằng sau những bát chè kê thơm ngon ấy là cả một quá trình kỳ công chuẩn bị. Từ khâu gieo hạt, cấy luống, đến lúc thu hoạch, bóc tách lớp vỏ trấu và cho ra thực phẩm dinh dưỡng, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Chè kê – ngọt bùi hương vị Tết quê - Ảnh 1.
Cây kê được trồng khá phổ biến ở vùng đồng bằng tỉnh Quảng Trị
Theo lịch canh tác ở quê tôi thì thời gian gieo hạt kê thường bắt đầu vào tháng giêng và tầm bốn tháng sau thì kê cho thu hoạch. Bông kê sau khi cắt về, phơi qua vài nắng cho khô rồi tuốt cho rụng hạt. Sau đó rê trước gió nhằm loại những hạt lép rồi mới cho vào túi nilon và để vào chum cất trữ dùng dần.
Đến khi giáp Tết, nhà nào nhà nấy lại đổ kê ra nia phơi qua giữa nắng rồi mới đưa đi xay. Trước đây, khi chưa có máy xay thì mọi người phải cho kê vào cối đá và dùng sức giã cho bong hết lớp vỏ trấu phía ngoài, nhưng vẫn giữ nguyên lớp cám mỏng trên từng hạt kê tròn mẩy. Sau đó, tiếp tục sàng sảy lại cho sạch bụi rồi chọn lựa những hạt có sắc vàng đậm vì loại kê này sẽ dày cơm, khi nấu chè sẽ bung nở và có mùi thơm đặc trưng.
Chè kê – ngọt bùi hương vị Tết quê - Ảnh 2.
Sàng sảy và chọn lựa thật kỹ những hạt kê ngon nhất để dành làm món chè kê
Tuy món chè kê vốn rất quen thuộc ở quê tôi và cách nấu cũng không cầu kì nhưng không phải ai cũng có thể bắt tay vào làm đều cho ra thành phẩm đạt yêu cầu hết. Bởi lẽ chỉ cần sơ ý một chút là phần kê ở đáy nồi sẽ bị cháy sém, không tài nào cứu chữa được. Chính vì thế mà công việc nấu chè thường được khoán cho các bà hoặc các mẹ, các chị vốn giàu kinh nghiệm bếp núc và đã từng nấu món chè kê nhiều lần.  
Theo bí quyết của các "chuyên gia lành nghề", muốn chè kê ngon đúng chuẩn thì trước khi nấu phải ngâm kê trong nước lạnh khoảng hai tiếng đồng hồ cho nở mềm. Đến khi nồi nước trên bếp sôi sùng sục thì vốc từng nắm hạt kê thả vào và dần chuyển sang chế độ nhỏ lửa. 
Chè kê – ngọt bùi hương vị Tết quê - Ảnh 3.
Những hạt kê căng mẩy, bé li ti và tròn vo như viên trứng cá
Khi nồi kê kêu sục sục thì dùng đũa khuấy đều cho đến lúc cảm giác nặng ở tay và hạt kê bung nở như hoa ngâu thì mới cho đường vào rồi lại khuấy tiếp cho đường tan. Chè kê chín, cho gừng tươi xắt lát mỏng cùng vài giọt dầu chuối vào và nhắc nồi chè ra khỏi bếp.
Món chè kê lúc này sẽ có màu vàng sóng sánh trông rất hấp dẫn, kèm với đó là thoang thoảng hương cay của gừng cùng mùi thơm phức của dầu chuối. Cho miếng chè vào miệng, vị bùi và dẻo của những hạt kê li ti, vị ấm nồng của gừng hòa vào nhau tạo nên phong vị riêng biệt.
Chè kê – ngọt bùi hương vị Tết quê - Ảnh 4.
Bát chè kê ngọt bùi có màu vàng sóng sánh trông rất hấp dẫn
Cho dù cuộc sống bây giờ của người dân quê tôi đã khá giả hơn và mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết cũng đa dạng món ăn hơn nhưng món chè kê thân thương, quen thuộc vẫn luôn được chờ đón. Ở món ăn này không chỉ tạo nên hương vị Tết quê ấm cúng và gần gũi mà còn đong trọn hình ảnh tuổi thơ của mình trong đó.
Bài và ảnh: Phạm Quyên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét