Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Nội chiến Trịnh - Nguyễn kết thúc thời chúa nào?

Dưới thời chúa Nguyễn này, chiến tranh chấm dứt, bờ cõi Đàng Trong được mở mang, củng cố, người dân yêu mến gọi ông là chúa Hiền

Lăng mộ chúa Hiền ở thôn Hải Cát, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Ảnh: Ngọc Thạnh
Lăng mộ chúa Hiền ở thôn Hải Cát, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Ảnh: Võ Thạnh
Chúa Nguyễn Phúc Tần sinh năm 1620, là con thứ của chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan. Năm 1648, Nguyễn Phúc Tần tham gia vào cuộc chiến thứ tư với họ Trịnh cùng cha, nhưng khi thắng trận trở về thì cũng là lúc chúa Thượng qua đời. Nguyễn Phúc Tần lên thay, trở thành vị chúa thứ tư của chính quyền Đàng Trong, được người dân gọi là chúa Hiền.
Chúa Hiền trị vì từ năm 1648 đến 1687, tổng cộng 40 năm. Vừa lên ngôi, ông đã lo sắm sửa, chuẩn bị lực lượng để tấn công ra Bắc. Đến năm 1655, nhân có tin báo của trấn thủ dinh Bố Chính về việc tướng họ Trịnh ở châu Bắc Bố Chính đem quân sang đánh cướp Nam Bố Chính, chúa Hiền quyết định cử binh ra Bắc đánh nhau với quân Trịnh. Đây là cuộc chiến lâu nhất trong nội chiến Trịnh - Nguyễn, kéo dài 5 năm và do quân Nguyễn chủ động tấn công.
Đến năm 1661, Trịnh Tạc đem vua Lê Thần Tông và đại binh vào đánh quân của chúa Nguyễn, mở ra cuộc chiến lần thứ năm. Nhưng chỉ sau một năm, họ Trịnh phải rút quân.
Năm 1672, họ Trịnh lại rước vua Lê Gia Tông và đem mấy chục nghìn quân vào đóng ở đất Bắc Bố Chính để đánh nhau với quân Nguyễn. Trận này, hai bên giằng co. Đến cuối năm, quân Trịnh rút về, cử người đóng đồn ở các đường trọng yếu châu Bắc Bố Chính, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Từ đó, Nam - Bắc nghỉ binh, chấm dứt việc chiến tranh.
Chiến tranh Trịnh - Nguyễn bề ngoài dường như không phân thắng bại vì cuối cùng hai tập đoàn phong kiến đã phải lấy sông Gianh làm giới tuyến phân chia thành Đàng Trong và Đàng Ngoài. Nhưng theo Lịch sử Việt Nam, nếu đi sâu vào thực chất, họ Trịnh thất bại vì đã không thôn tính được Đàng Trong.
Cuộc chiến này đã gây ra nhiều tổn thất cho nhân dân cả nước. Nó làm kiệt quệ sức người sức của, tàn phá nhiều đồng ruộng xóm làng, giết hại nhiều người dân vô tội, kéo cả nước vào cuộc chiến tranh đẫm máu tương tàn để rồi phân chia đất nước thành hai, gây ngăn cách cho nhân dân hai miền suốt nhiều năm
Năm 1651, vua Chiêm Thành là Po Rome qua đời. Đến năm 1652, Po Nrop hay còn được gọi là Bà Tấm lên ngôi. Sau một năm, Bà Tấm đã đem quân xâm lấn vào đất Phú Yên.
Vừa qua một cuộc chiến lớn với họ Trịnh và đang phải chuẩn bị vào cuộc chiến mới, nhưng chúa Nguyễn Phúc Tần đã phải cử người đem quân đi đánh lấy lại đất Phú Yên, đẩy lùi quân Chiêm Thành về phía nam sông Phan Rang. Bà Tấm phải trốn chạy rồi xui con dâng thư xin hàng, dâng đất Kauthara cho chúa Nguyễn, lấy sông Phan Rang làm giới hạn.
Chúa Nguyễn đã đem phần đất phía đông của sông Phan Rang đến địa đầu Phú Yên lập thành hai phủ Thái Khang (sau là Ninh Hòa) và Diên Ninh (sau là Diên Khánh). Hai phủ này hợp thành dinh Thái Khang (nay là Khánh Hòa).
Miền đất còn lại ở phía tây sông Phan Rang (Bình Thuận ngày nay) vẫn thuộc về Chiêm Thành, nhưng vua Chiêm hàng năm phải chịu tiến cống cho họ Nguyễn.
Về phía Chân Lạp, năm 1658, tình hình vương quốc rối ren, chú cháu anh em tranh quyền đoạt vị, tàn sát lẫn nhau. Hai người đã sang cầu cứu chúa Nguyễn. Cùng với đó, việc vua Chân Lạp bắt đầu cho quân xâm lấn vào biên giới thuộc đất của các chúa Nguyễn đã khiến chúa phải cử quân đi đánh. 
Nước Chân Lạp đã thần phục và trở thành phiên thần của triều đình họ Nguyễn, hàng năm nộp cống thuế và có nghĩa vụ bảo vệ những cư dân người Việt đang sinh sống làm ăn ở Chân Lạp. Sự kiện này ghi nhận dấu mốc quan trọng đầu tiên của triều đình họ Nguyễn trong việc xác lập chủ quyền trên vùng đất Thủy Chân Lạp trong những năm đầu thế kỷ 17.
Hơn thế nữa, đến năm 1679, 3.000 quan quân nhà Minh vào Đàng Trong lánh nạn, xin làm tôi chúa Nguyễn. Sau một cuộc bàn bạc, chúa Hiền cho lực lượng người Hoa này vào đất Đông Phố (tên cổ của Gia Định) thuộc nước Chân Lạp để khai phá đất đai. Chúa Hiền còn cho họ khai phá mở mang vùng đất Biên Hòa (nay thuộc Đồng Nai), Mỹ Tho (Tiền Giang) và các vùng đất kế cận.
Theo sách Đại Nam thực lục tiền biên, chúa Nguyễn Phúc Tần rất chăm lo việc chính trị, không chuộng yến tiệc vui chơi.
Năm 1652, cô gái xuất thân nghề ca hát, quê ở Nghệ An, tên là Thị Thừa, nhan sắc xinh đẹp, được lấy vào cung. Chúa nhân xem sách Quốc ngữ, đến chuyện vua Ngô Phù Sai mất nước vì nàng Tây Thi thì chợt tỉnh ngộ, lập tức sai Thị Thừa mang ngự bào cho Chưởng dinh Nguyễn Phúc Kiều, trong dải áo có giấu bức thư ngầm sai Kiều dìm nước để giết Thị Thừa (có tài liệu ghi là bỏ thuốc độc).
Theo Phủ biên tạp lục, từ đó chúa “chăm việc giảng võ, sửa sang khí giới, chiêu mộ người có đảm, có sức, tập trận voi, luyện thủy quân, mưu đồ tiến lấn ra ngoài bờ cõi”.
Theo Đại Nam thực lục tiền biên, năm 1687 chúa Nguyễn Phúc Tần không được khỏe, cho triệu con thứ là Nguyễn Phúc Thái đến và nói: “Ta bình sinh ra vào gian hiểm để giữ nhà giữ nước. Con nối ngôi phải sửa thêm nhân chính cho yên bờ cõi. Các quan văn võ đều do ta cất dùng, phải đem lòng tin dùng cùng mưu mọi việc, đừng để cho bọn tiểu nhân lẻn vào”.
Chúa cũng triệu các đại thần đến bảo: “Ta với các khanh một chí khí với nhau mà công việc mưu đồ chưa trọn. Nay con ta tuổi còn nhỏ, mong nhờ các khanh đồng tâm giúp đỡ, cho công nghiệp của tổ tông được rõ ràng. Đừng quên lời ấy”.
Chúa Hiền mất, hưởng thọ 68 tuổi. Nguyễn Phúc Thái lên ngôi, trở thành vị chúa thứ năm của chính quyền Đàng Trong, thường được gọi là chúa Nghĩa.
Chúa Nguyễn Phúc Thái sinh năm 1649, khi lên ngôi đã ở tuổi 39. Ông là con trai của chúa Nguyễn Phúc Tần và bà Tống thị. Theo Đại Nam thực lục tiền biên, khi con cả của chúa là Phúc Diễn mất sớm, chúa Nguyễn Phúc Tần cho rằng Phúc Thái hiền đức nên phong tước và định sẵn cho nối ngôi. Chúa lên ngôi đã “rộng hình phạt, nhẹ phú thuế, trăm họ ai cũng vui mừng".
Chúa Nguyễn Phúc Lan đã dời phủ tới làng Kim Long (Hương Trà, Thừa Thiên) vào năm 1636. Thời chúa Nguyễn Phúc Tần, phủ vẫn được đặt tại đây.
Đến năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Thái dời dinh phủ sang làng Phú Xuân (thuộc huyện Hương Trà), lấy núi Bằng Sơn (nay là núi Ngự Bình) làm bình phong, đắp tường thành, xây dựng điện, trước mặt đào hồ lớn, trồng hoa cỏ cây cối, thành quách rất tráng lệ.
Vùng Phú Xuân được đánh giá rộng rãi, bề thế hơn Kim Long, sông Hương trở nên rộng hơn khi chảy ngang qua và nơi đây trở thành kinh đô của triều Nguyễn sau này, được gọi là chính dinh. Chỗ phủ cũ ở làng Kim Long trở thành miếu Thái tông, thờ chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần.
Nguyễn Phúc Thái là chúa Nguyễn có thời gian trị vì ngắn nhất. Lên ngôi năm 1687 thì đến năm 1691, ông ốm nặng qua đời, thọ 43 tuổi.
Lăng chúa Nguyễn Phúc Thái. Ảnh: Võ Thạnh
Lăng chúa Nguyễn Phúc Thái. Ảnh: Võ Thạnh
Lăng của chúa Nguyễn Phúc Thái có tên là Trường Mậu, nằm ở thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay. Lăng ở phía tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông chừng 1,5 km, trên một quả đồi cao. Lăng xoay mặt về hướng bắc, trước mặt có hồ rộng.

Dương Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét