Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

Nơi sông Gianh chảy vào đất Quảng

Khám phá “tận cùng” sông Gianh
Đã nhiều lần ngược xuôi trên dòng Gianh nhưng ước muốn được một lần đặt chân đến tận nguồn của con sông quê hương luôn thôi thúc  tôi. Ấp ủ mãi, một ngày chớm xuân 2018, tôi và một vài đồng nghiệp quyết định hành trình khám phá...
Theo bản đồ, sông Gianh bắt nguồn từ khu vực ven núi Cô Pi cao 2.017m thuộc dãy Trường Sơn, chảy qua địa phận các huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch rồi đổ ra biển Đông ở cửa Gianh. Để khám phá tận nơi con sông Gianh khởi nguồn, chúng tôi chọn cách đi xe máy lên xã biên giới Dân Hoá (huyện Minh Hoá), rồi từ đó nhờ người dân bản địa dẫn đường...
 noi song gianh chay vao dat quang hinh anh 1
Thác nước Rụng - nơi “tận nguồn” sông Gianh.  Ảnh: P.P
Dẫn đường cho chúng tôi trong chuyến khám phá này là già Cao Dương và người con trai Cao Hùng (người Mày) ở bản Cà Ai. Già Dương năm nay đã hơn 60 tuổi, nhưng vẫn tráng kiệt như cây lim trong rừng nguyên sinh. Còn Cao Hùng - cậu con trai đi cùng ông mới bước vào tuổi 20, sung sức như một con trâu mộng và có đôi chân nhanh thoăn thoắt như con sóc, đi trên ghè đá mà cứ như chạy trên đường nhựa!
Khi con gà rừng phía núi mới bắt đầu te te gáy, dân bản vẫn đang chìm sâu trong giấc ngủ say nồng, chúng tôi bắt đầu rời bản Cà Ai. Bố con già Dương dẫn chúng tôi men theo con đường mòn nhỏ như sợi chỉ chạy giữa lưng chừng một bên là núi cao, bên kia là vực thẳm với con sông Gianh đang cuộn chảy qua những thác ghềnh…
Đứng bóng, chúng tôi đã đi hết con đường mòn. Dòng sông Gianh chuyển ngoặt theo hướng tây bắc (thực tế là đông nam vì chúng tôi đang đi ngược dòng sông), già Dương bảo, từ đây trở lên sẽ không có đường mòn nữa, chúng ta phải men theo con sông, len lỏi những ghềnh đá mà tìm đường đi. Từng ghè đá to, nhỏ nối tiếp nhau bên bờ sông tạo thành con đường đá khúc khuỷu như thách thức bước chân của chúng tôi. Đến đây lòng sông cũng bắt đầu hẹp dần. Dòng chảy của dòng sông bây giờ cũng chỉ còn những luồng nước len lỏi qua từng khe đá, tạo nên những cái thác nước trắng xoá, đẹp mê lòng.
Một điều thú vị, là cũng từ đoạn sông này, ngay giữa lòng sông xuất hiện cánh rừng lội ken dày. Hàng ngàn cây lội cao vút, thẳng tắp với nước da vàng ươm với tán lá xanh um che kín một khúc sông dài hơn 1km. Già Dương cho hay, về mùa xuân khi cây lội thay lá, sắc lá màu tía đẹp lắm. Vào thời điểm đó, khúc sông này đẹp như một bức tranh thuỷ mặc...
Vượt qua cánh rừng lội, chúng tôi tiếp tục hành trình chinh phục tận nguồn sông Gianh trên những ghè đá giữa lòng sông. Càng lên cao, dòng sông Gianh càng hẹp dần, đến nơi này dòng nước của nó chỉ như một dòng suối nhỏ.Thế nhưng, sức chảy của nó vẫn mãnh liệt vô cùng. Những ghè đá nối tiếp nhau tạo thành những thác nước tuôn trào, trắng xoá, có thể cuốn trôi mọi thứ...
Đến khoảng 4 giờ chiều, khi đã bắt đầu xuống sức, chúng tôi chạm mặt một thác nước cao hàng chục mét. Ngước mặt nhìn lên phía trên là những đỉnh núi mờ sương cao vút chắn ngang. Từ trên đỉnh núi, từng tia nước rơi xuống tạo thành một màn sương trắng xoá như thế giới của các thần tiên trong những câu chuyện cổ tích. Đứng dưới thác nước, già Hồ Dương bảo, đây là thác Nước Rụng, nơi cao nhất của dòng sông Gianh mà người Mày có thể đặt chân đến. Những người Mày khoẻ nhất cũng chưa có ai vượt qua được thác này.
Theo già Dương, sở dĩ nơi này có tên là thác Nước Rụng vì ở đây quanh năm, bất kể mùa đông hay mùa hè thì vẫn có những tia nước từ trên cao rụng xuống. Người Mày cho rằng, những hạt nước đó từ trên trời rụng xuống để tạo nên các con sông, con suối nên các sông suối ở đây mới không bao giờ cạn nước…
 noi song gianh chay vao dat quang hinh anh 2
Bản Tàng Vờng của người Mày ở thượng nguồn sông Gianh.  Ảnh: P.P
Vùng đất của những chiến binh trong truyền thuyết
Thượng nguồn sông Gianh thuộc 2 xã Dân Hóa và Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) là vùng đất sinh sống của khoảng 1.000 người Mày, thuộc nhóm dân tộc Chứt, là hệ gia đình của các tộc người Rục, Sách, Khùa. “Mày” - theo tiếng của tộc người anh em này có nghĩa là đầu nguồn con nước. Theo truyền thuyết của người Mày, họ là anh cả của các tộc người khác, thậm chí cả người Kinh ở dưới xuôi.
Ngày nay, các bản làng của người Mày như Cà Ai, Tà Dong, Tà Vờng, Dộ, Ra Mai… thuộc 2 xã Trọng Hóa và Dân Hóa vẫn là nơi cao nhất, đầu nguồn, nơi khởi phát của những con suối nhỏ đổ ra mà tạo nên dòng sông Gianh lịch sử, dòng sông mang biểu trưng địa lý của vùng đất Quảng Bình.
Chuyện kể rằng: Ngày xưa trời làm lũ lụt, núi non ngập hết, chỉ duy nhất ngọn núi khổng lồ của thần Cu Lôông (người của trời) là không bị ngập. Nước lũ cuốn trôi nhà cửa, cây cối, con người và mọi vật đều chết hết. Trong cơn đại hồng thủy ấy, có hai anh em (một trai, một gái) nhờ lấy cây ó làm bè, trôi dạt đến núi Cu Lôông mà sống sót. Nước rút, hai anh em ở lại núi của thần Cu Lôông làm ăn sinh sống. Có ông Bụt hiện lên khuyên hai anh em lấy nhau để nối dõi loài người nhưng họ không chịu. Một buổi sáng, người em đang quét nhà, người anh ngồi ăn trầu, vô tình vứt bã trầu vào bắp vế em gái. Chỗ bả trầu dính sinh ra một cái trứng, sinh ra ba người con: anh cả là người Mày, em kế là là người Nguồn và em út là người Kinh ngày nay.
“Người Mày của miềng (mình) tin rằng, sự kỳ diệu của miếng bã trầu là nhờ vào tài ba thần núi Cu Lôông. Thần núi Cu Lôông đã sinh tổ tiên người Mày, người Nguồn và cả người Kinh. Và theo sự phân công của thần Cu Lôông, người Mày là anh cả nên phải sống ở miền biên viễn, đầu nguồn nước để bảo vệ lãnh thổ, cũng như bảo vệ nguồn nước - nơi khởi nguồn của sự sống muôn loài” –già Hồ Dương, người dẫn đường cho chúng tôi, kể vậy.
Theo già Dương, để người Mày làm tròn trách nhiệm người anh cả bảo vệ lãnh thổ cương vực của Tổ quốc, thần Cu Lôông đã chỉ cho người Mày cách làm cung tên, các loại vũ khí tự tạo, các công cụ sản xuất và biết dựa vào núi rừng để chiến đấu với giặc dã và sinh tồn. Năm này qua năm khác, đời này qua đời khác, những cuộc chiến kinh thiên động địa đã xảy ra ở miền biên viễn của Tổ quốc, nhưng bao giờ cũng vậy, người Mày với thiên mệnh của những chiến binh hùng mạnh đã luôn dành chiến thắng, giữ vững chắc cương thổ, tạo dựng niềm tin cũng như sự kính nể của các tộc người anh em ở miền xuôi.
Ông  Đinh Thanh Dự (ở xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa) - nhà nghiên cứu văn hóa các tộc người ở Quảng Bình, cho rằng: Theo truyền thuyết, người Mày là những chiến binh rất thiện chiến, họ biết cách bố phòng, cũng như sử dụng vũ khí điêu luyện. Bằng chứng là ngày nay, so với các tộc người khác trong vùng, việc đi săn của người Mày luôn đạt hiệu quả cao hơn nhờ vào sự thông minh trong cách bố trận và tinh xảo của các loại vũ khí mà họ tự tạo ra…
Theo Wikipedia, sông Gianh dài khoảng 160km, cắt qua Quốc lộ 1 ở tây bắc cửa Gianh 5km. Trong lịch sử, sông Gianh được gọi theo tên chữ là Linh Giang. Nếu Đèo Ngang là ranh giới thời Đại Cồ Việt và Chiêm Thành sau khi người Việt giành được độc lập (939) và trước thời kỳ Nam Tiến của người Việt (1069) thì sông Gianh là ranh giới thời Trịnh-Nguyễn phân tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài (1570-1786) với xung đột vũ trang gần nửa thế kỷ (1627-1672). Chiến trường chính là miền Bố Chính (Quảng Bình). 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét