Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Nhà văn viết nhiều tiểu thuyết nhất Nam Bộ

Là nhà văn tiên phong của Nam Bộ đầu thế kỷ 20, ông để lại gia tài tác phẩm đồ sộ với đủ thể loại, nhất là tiểu thuyết.

Nhà văn nào viết nhiều tiểu thuyết nhất Nam Bộ?

Hồ Biểu Chánh (1884-1958) tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên - là nhà văn tiên phong của Nam Bộ đầu thế kỷ 20. Ông lấy họ và tên tự của mình ghép lại để viết văn.
Hồ Biểu Chánh viết văn từ năm 1910, có sở trường văn xuôi tự sự. Gần 20 năm sau đó ông cho xuất bản 18 quyển tiểu thuyết và nhiều kịch bản. Đề tài trong phần lớn tác phẩm của ông là cuộc sống Nam Bộ từ nông thôn đến thành thị những năm đầu thế kỷ 20 với những xáo trộn do cuộc đấu tranh giữa mới và cũ.
Một số tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh.
Một số tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh.
Được đánh giá có đóng góp lớn vào sự hình thành thể loại tiểu thuyết trên chặng đường phôi thai, Hồ Biểu Chánh để lại khối lượng sáng tác khổng lồ với 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 12 vở hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu - phê bình.
Ông được xem là nhà văn có nhiều tiểu thuyết nhất Nam Bộ.
Hồ Biểu Chánh sinh trưởng trong gia đình nghèo, đông con ở làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay là Tiền Giang). Lúc nhỏ Hồ Biểu Chánh theo học chữ nho, sau đó lại chuyển sang học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Sau khi thi đậu bằng thành chung năm 1905, ông làm thông ngôn và cuối đời được thăng đến chức Ðốc phủ sứ. Cuối năm 1946, Hồ Biểu Chánh bắt đầu cuộc sống hưu nhàn, dành trọn những năm tháng còn lại cho sự nghiệp văn chương.
Tiến sĩ văn học Võ Văn Nhơn ví Hồ Biểu Chánh là một Balzac của Nam Bộ, "không chỉ là một tiểu thuyết gia, một sử gia trong thời hiện tại mà còn là người góp phần khai sáng nền văn học hiện đại và cách tân thể loại tiểu thuyết".
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng thì nhận định: "Tác phẩm của Hồ Biểu Chánh không thuộc hệ thống cách mạng, nhưng về tính nhân văn thì chắc chắn không thể nào bị phủ nhận. Chừng đó thôi đã đáng trân trọng rồi, không phải nhiều nhà văn đương đại với chúng ta có sức sống mãnh liệt và lâu dài như vậy".
Con nhà nghèo là tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh xuất bản năm 1930, được xây dựng với hai tuyến nhân vật là giới điền chủ quyền thế và giới tá điền bị trị, trong một xã hội thuở giao thời giữa phong kiến và Tây hóa.
Cô Tư Lựu con nhà tá điền, bố mẹ mất sớm, có hai người anh là cai tuần Bưởi và Ba Cam. Cai tuần Bưởi là tá điền của bà Cai Hiếu và vợ chồng cậu Hai Nghĩa, còn Ba Cam làm tài xế xe hơi cho một ông thầy kiện ở Sài Gòn.
Bìa tác phẩm tái bản của nhà văn Hồ Biểu Chánh.
Bìa tác phẩm tái bản của nhà văn Hồ Biểu Chánh.
Cha mẹ mất đi, Tư Lựu ở chung với cai tuần Bưởi. Năm 17 tuổi, cô trổ mã, đẹp gái và rất có duyên. Nhân lúc cai tuần Bưởi đi làm ăn xa, ông Hai Nghĩa con bà cai Hiếu hám sắc đã hãm hiếp cô. Vì đã có vợ con nên khi biết Tư Lựu có thai, Hai Nghĩa đã bỏ rơi cô. Tư Lựu sinh con, đặt tên là thằng Hai.
Cả Hai Nghĩa và bà cai Hiếu đều không nhận máu mủ. Sợ mang tiếng xấu trong vùng nên họ tước hết ruộng mà cai tuần Bưởi đang thuê, trục xuất cả gia đình anh ra khỏi vùng đất của bà cai Hiếu.
Tư Lựu sau đó được anh Cu, một nông dân chất phác thương số phận hẩm hiu nên cưới làm vợ và nhận làm cha đứa trẻ.
Anh thứ của Tư Lựu là Ba Cam đã kiếm việc cho vợ chồng cô Lựu ở Sài Gòn một thời gian ngắn, rồi dắt vợ chồng cô xuống Bạc Liêu làm tá điền. Nhờ chăm chỉ làm ăn, vợ chồng Tư Lựu dần có vốn, rồi làm chủ mấy chục mẫu ruộng, không còn làm tá điền nữa.
Họ nuôi dạy thằng Hai nên người. Thằng bé thông minh, học giỏi, đậu bằng Kinh Lý năm 25 tuổi, sau đó được bổ làm quan Kinh Lý. Quan Kinh Lý được bổ về công tác tại xã Vĩnh Lợi thuộc tỉnh Gò Công. Anh được nhiều hương chức quý mến vì còn trẻ mà chức cao, lương hậu, điển trai, thanh liêm trong công việc.
Biết quan Kinh Lý còn độc thân, hương chức nào cũng muốn làm mai cho anh. Tình cờ, quan Kinh Lý bị gài vào mối với cô Thục - con gái út của vợ chồng ông Hai Nghĩa. Hai bên gặp gỡ và đem lòng yêu thương nhau, rồi tính tới chuyện hôn nhân. Quan Kinh Lý gửi thư về mời cha mẹ lên lo liệu cho mình.
Việc cưới xin bị đổ bể vì qua sự tiết lộ của cai tuần Bưởi và cha, quan Kinh Lý biết rõ gốc rễ của mình. Nếu lấy cô Thục làm vợ thì hôn nhân sẽ là loạn luân. Câu chuyện chấm dứt khi quan Kinh Lý nhận công tác mới tại Bạc Liêu
Gần 20 tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh được chuyển thể thành phim: Con nhà nghèo, Khóc thầmNợ đờiChúa tàu Kim QuyCay đắng mùi đời..., nhận được sự yêu mến từ khán giả.
Tiểu thuyết Ông Cử của Hồ Biểu Chánh là tác phẩm gần nhất mới được chuyển thể thành phim truyền hình với tên gọi Thế thái nhân tình. Câu chuyện phản ánh bức tranh xã hội, con người Nam Bộ những năm 1930-1940.
Truyện kể về ông cai tổng Ngô Minh Tâm, vì thương ả đào và quá tin vợ nên bị phá sản. Vợ ly dị và lập gia đình với một người khác. Ông buồn rầu, bỏ quê lên một xóm lao động ở Sài Gòn sống và tìm cách giúp đỡ những người sống xung quanh. Vì vậy ông rất được họ tôn trọng, gọi là Ông Cử.
Mười năm sau khi con gái của ông lớn lên, học xong và muốn lập gia đình, cô cần một giấy cho phép đính hôn của ông. Ông Cử có điều kiện gặp lại vợ cũ, con gái đã trưởng thành và chàng rể tương lai.
Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh thường có cốt truyện đơn giản, triết lý chủ đạo là thiện thắng ác, ở hiền gặp lành, rất Nam Bộ từ giọng văn đến miêu tả con người. Khi ông mất, hai nhà thơ Đông Hồ và Mộng Tuyết đã lấy tên những tác phẩm tiêu biểu của ông sáng tác thành hai câu đối độc đáo đến phúng viếng:
Cay đắng mùi đời, Con nhà nghèo, Con nhà giàu, tiểu thuyết viết sáu mươi ba thiên, Vì nghĩa vì tình, Ngọn cỏ gió đùa, Tỉnh mộng, mấy Ai làm được?
Cang thường nặng gánh, cơn Khóc thầm, cơn Cười gượng, thanh cần trải bảy mươi bốn tuổi, Thiệt gia gia thiệt, Vườn văn xưa ghé mắt, Đoạn tình còn Ở theo thời.

Mạnh Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét