Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Bà chúa thơ Nôm

Bà là nữ sĩ tài hoa, nổi tiếng có nhiều sáng tác thơ Nôm trào phúng nhưng cuộc đời gặp nhiều bất hạnh.

Tranh minh họa chân dung Hồ Xuân Hương. Tranh: Internet
Tranh minh họa chân dung Hồ Xuân Hương. Tranh: Internet
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sinh vào khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nhưng sinh trưởng ở đất Bắc. Năm sinh và năm mất cũng như tiểu sử về bà không được các tài liệu ghi chép rõ ràng. Bà chỉ thực sự được hậu thế biết đến qua sách Giai nhân dị mặc của học giả Nguyễn Hữu Tiến, xuất bản năm 1916.
Theo sách này, bà Hồ Xuân Hương là con của ông Hồ Phi Diễn và vợ lẽ họ Hà. Nhà bà “trông xuống hồ Tây”, sau lại ra ở “thôn Tiên Thị, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương (bây giờ là phố Nhà Thờ). Khi trưởng thành, bà làm một ngôi nhà nhỏ ở hồ Tây, lấy tên Cổ Nguyệt Đường, là nơi tiếp các bậc tao nhân mặc khách, cùng họ xướng họa, bình thơ.
Hồ Xuân Hương vốn thông minh, sắc sảo, ứng biến nhanh lại rất mực tài hoa, song cuộc đời gặp nhiều éo le. Bao nhiêu nỗi niềm bà gửi hết vào thơ. Nói như Xuân Diệu thì “thơ Hồ Xuân Hương là đời của Xuân Hương, là người của Xuân Hương trong đó. Thơ Xuân Hương là hồn, là xác, là mắt nhìn, tay sờ, chân đi, là nụ cười, nước mắt của Xuân Hương, là cá tính số phận của Xuân Hương”.
Hồ Xuân Hương được nhiều người mệnh danh là bà chúa thơ Nôm không chỉ bởi số lượng tác phẩm mà còn vì nghệ thuật điêu luyện với ý tưởng sâu sắc. Các tác phẩm thơ Nôm của bà hiện còn nhiều bài ở mảng thơ Nôm truyền tụng.
Trong cuốn Hồ Xuân Hương: Con người - Tư tưởng - Tác phẩm, tác giả Hoàng Bích Ngọc khẳng định dòng thơ Nôm đã làm nên tên tuổi Hồ Xuân Hương. "Hồ Xuân Hương yêu ngôn ngữ mẹ đẻ. Và chỉ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ thì nhà thơ mới có thể dùng để truyền bá tư tưởng của mình trong quảng đại quần chúng", tác giả này viết.
Thân em vừa trắng lại vừa tròn/ Bảy nổi ba chìm với nước non/ Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/ Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Bài thơ này được in trong sách giáo khoa lớp 7, chương trình Ngữ văn THCS. Các bản gốc về thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương đều viết câu đầu là Thân em vừa trắng phận thì tròn.
Trong cuốn Phân tích, bình luận tác phẩm học trong nhà trường, tác giả Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng bài thơ Bánh trôi nước không thuộc thể loại thơ thường thấy của Hồ Xuân Hương: thanh mà tục, tục mà thanh. "Một cách kín đáo, tế nhị, nhưng Bánh trôi nước vẫn gợi lên hình ảnh một người con gái mà thân xác đáng yêu và đáng thương có thể cảm giác được bằng thị giác và cả xúc giác nữa".
Cũng trong cuốn này, tác giả Trần Thị Băng Thanh viết: "Trong xã hội rối ren, đen bạc, lừa đảo như cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, trong cuộc đời long đong chìm nổi như chính cuộc đời của Hồ Xuân Hương, giữ được lòng kiên trinh, chung thủy, giữ được bản chất tốt đẹp của mình khó biết bao. Bài thơ có nghĩa đen và nghĩa bóng. Chính tầng nghĩa bóng này đã phản ánh lòng khát khao giữ gìn và vươn tới cái đẹp, cái thiện của Hồ Xuân Hương và những người con gái chịu số phận bất hạnh như bà. Giá trị nhân đạo và hiện đại của bài thơ chính là ở điểm đó”.
Bài thơ Bánh trôi nước cũng đã được phổ nhạc.
hông chỉ sáng tác thơ Nôm, Hồ Xuân Hương còn viết rất nhiều thơ chữ Hán. Cuốn Hồ Xuân Hương: Con người - Tư tưởng - Tác phẩm cho biết các học giả đương thời và học giả Trung Quốc công nhận một Hồ Xuân Hương của thơ chữ Hán và xếp Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ nữ (chữ Hán) hàng đầu Việt Nam.
Thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương chủ yếu là tả cảnh, xướng họa đôi bên, bày tỏ nỗi niềm riêng. Loại thơ này ít động chạm đến người khác. Vì vậy, Hồ Xuân Hương được học giả đương thời đánh giá rất cao về tài thơ chữ Hán.
Hồ Xuân Hương không có điều kiện cho ấn hành các tác phẩm của mình, nhưng ngày nay mọi người vẫn được đọc tác phẩm chữ Hán của bà trong tập thơ tình Lưu hương ký, 11 bài thơ chữ Hán trong 31 bài thơ chép kèm bài Tựa tập Lưu hương ký; thơ chữ Hán Đề vịnh Hạ Long; thơ chữ Hán trong Hương Đình Cổ Nguyệt thi tập, trong Đồ Sơn bát vịnh… với bút pháp vững chãi và điêu luyện.
Theo các tài liệu, Hồ Xuân Hương hai lần lấy chồng nhưng đều không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Người đầu tiên là Tổng Cóc, người thứ hai là ông phủ Vĩnh Tường.
Theo cuốn Kể chuyện Danh nhân Việt Nam, chuyện bắt đầu từ khi Xuân Hương theo cha về Sơn Dương dạy học, nức tiếng là người có tài, giỏi thơ Nôm, lại xinh đẹp duyên dáng nên nhiều người đem lòng ái mộ, trong đó có Tổng Cóc (Tổng Kình) ở làng Giáp, xã Tứ (nay thuộc huyện Lâm Thao, Phú Thọ).
Tổng Cóc rất chuộng thơ ca và cũng có tài làm thơ nên được Hồ Xuân Hương mến mộ. Bà chấp nhận làm vợ lẽ của người này. Tổng Cóc hết mực yêu chiều, làm cả cái chòi để Hồ Xuân Hương làm nơi dạy học và gặp gỡ bầu bạn, thưởng nguyệt, bình thơ.
Tuy nhiên, lối sống mở của Hồ Xuân Hương không tránh khỏi những điều thị phi khiến Tổng Cóc dù phóng khoáng đến đâu cũng không vượt qua được lề thói của làng. Khuyên vợ bớt giao du với bạn thơ không được, vợ chồng xung khắc. Hồ Xuân Hương quyết định bỏ đi, sau đó gửi về làng Giáp bài thơ Khóc Tổng Cóc, cắt đứt mối tình: "Chàng Cóc ơi, chàng Cóc ơi/ Thiếp bén duyên chàng có thế thôi/ Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé/ Ngàn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi".
Sau khi chia tay Tổng Cóc, Hồ Xuân Hương làm lẽ của tri phủ Vĩnh Tường. Hai người rất tâm đầu ý hợp, cùng yêu văn thơ, nhưng chỉ sau 27 tháng thì ông phủ mất. Bà lại làm bài thơ Khóc ông phủ Vĩnh Tường.
Thích phong lưu, Hồ Xuân Hương sau đó chọn cách đi đây đi đó, ngắm nhìn danh lam thắng cảnh, gặp gỡ nhiều khách văn chương. Bà có tình bạn đẹp với nhiều người, trong đó nổi tiếng phải kể đến Chiêu Hổ.
Để vinh danh bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, một số tỉnh, thành đặt tên đường, phố, hồ theo tên của bà.
Ở Hà Nội, đường Hồ Xuân Hương thuộc quận Hai Bà Trưng, nối đường Quang Trung với đường Nguyễn Du.
Ở TP HCM, đường Hồ Xuân Hương thuộc quận 3, nối đường Trương Định với đường Cách mạng tháng Tám. Đường Hồ Xuân Hương còn giao với đường Bà Huyện Thanh Quan, một nữ sĩ nổi tiếng khác của Việt Nam.
Ngoài ra, một số tỉnh, thành khác có đường Hồ Xuân Hương. Đà Lạt còn có hồ mang tên Xuân Hương với ý nghĩa muốn làm sống mãi hình ảnh lãng mạn của bà chúa thơ Nôm.

Dương Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét