Ông vào sinh ra tử với Lê Lợi trong nhiều trận đánh để giành lại giang sơn từ tay nhà Minh, phò tá đắc lực ba đời vua sau đó.
Nguyễn Xí (1396-1465) là khai quốc công thần của triều Hậu Lê, từng phò trợ bốn đời vua là Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi), Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông.
Theo Đại Việt thông sử, ông quê ở xã Thượng Xá, huyện Chân Phúc (nay là xã Nghi Hợp, Nghi Lộc, Nghệ An), cha làm nghề buôn muối. Năm 9 tuổi, sau khi cha mất, Nguyễn Xí cùng anh trai tới Lam Sơn đầu quân cho Lê Lợi và được cho làm gia thần. "Khi tuổi hơi lớn thì vũ dũng hơn người, vua quý như con đẻ", sách viết. Nguyễn Xí sau đó được giao quản lý quân Thiết đột.
Năm 1418, Nguyễn Xí khi ấy 22 tuổi đã tham gia quân khởi nghĩa Lam Sơn, cùng Lê Lợi vào sinh ra tử khi bị quân sĩ nhà Minh vây đánh, phải rút lên núi Chí Linh cầm cự suốt 3 tháng. Ông sau đó lập nhiều công trạng nên được phong làm Đại tướng quân, chỉ huy đội tinh binh và đại thắng ở nhiều trận chiến lớn. "Lúc ấy ông 30 tuổi, cùng Lê Triện hợp sức đánh Thành Sơn hầu Vương Thông nhà Minh ở Ninh Kiều, Tốt Động, đại thắng quân Minh...", Đại Việt thông sử viết.
Trong một trận chiến tiếp viện cho quân bị tướng nhà Minh vây đánh (năm 1427), voi của Nguyễn Xí bị sa lầy nên ông bị bắt giam. Nhân đêm mưa gió, ông dùng kế lừa quân gác ngục, trốn thoát, về yết kiến vua. Vua mừng lắm, sai cầm quân. Ở trận đánh kết thúc khởi nghĩa Lam Sơn, buộc nhà Minh rút về nước, Nguyễn Xí chỉ huy các quân tiếp ứng cho đội quân của Lê Sát, tiếp tục đại thắng.
"Năm 1428, ông được phong là Long Hổ tướng quân Suy trung Bảo chính công thần. Năm 1429 có việc khắc biển công thần, khi bàn công, ông đứng ở hàng thứ 5, được phong là Huyện hầu. Anh ông tên là Biện, bị chết trận hồi mới khởi nghĩa, được tặng tước hầu", sách Đại Việt thông sử viết
."Vua sai Nguyễn Xí nuôi một đàn chó săn gồm hơn 100 con, sớm chiều chia cơm cho chó ăn, ông đều dùng chung làm hiệu để gọi chó về. Bầy chó theo sự điều khiển của ông tiến thoái răm rắp. Nhà vua rất quý trọng, cho là ông có tài làm đại tướng, sai quản đội Thiết đột thứ nhất", sách Đại Việt thông sử viết.
Chính sử không ghi chép cụ thể nhưng nhiều giai thoại nhắc tới sự đóng góp của đội quân đặc biệt này. Khi quân Lam Sơn bị vây hãm tuyệt lương, đàn chó đi săn thú, bắt chim về làm thức ăn cho nghĩa quân. Dưới sự điều khiển của Nguyễn Xí, đàn chó còn chiến đấu và trở thành nỗi kinh hoàng với tướng sĩ nhà Minh.
Có lần Nguyễn Xí cho buộc vào cổ đàn chó những chiếc đạc ngựa rồi đem quân vây trại giặc Minh, vừa cho đánh trống hò reo ầm ĩ, vừa xua chó chạy quanh trại. Quân Minh nghe tiếng đạc ngựa, lại thấy tiếng trống thúc, quân reo tưởng Lam Sơn đến cướp trại nhưng không rõ binh lực thế nào nên không dám ra đánh, chỉ dùng cung nỏ bắn ra như mưa. Nhờ thế, quân đội Lam Sơn thu được hàng vạn mũi tên, còn nhà Minh bị một đêm hoảng loạn.
Kế sách này của Nguyễn Xí được nghĩa quân Lam Sơn và dân chúng hết lời ca ngợi, ví như mưu của Khổng Minh đã dùng người rơm để "mượn tên" của quân Tào trên sông Xích Bích thời Tam Quốc.
Thời vua thứ hai nhà Hậu Lê là Thái Tông, Nguyễn Xí được giữ chức Tham tri chính sự, kiêm Tri từ tụng. Năm 1442, vua Thái Tông đột ngột mất trong vụ án Lệ Chi viên, Nguyễn Xí nhận di chiếu phò trợ Lê Nhân Tông lúc này mới 1 tuổi, nối ngôi. Ông được phong làm Nhập nội đô đốc (năm 1445) và được lệnh đem quân đi đánh Chiêm Thành, nhưng chưa đi.
"Lúc ấy vua còn bé, trong số bọn quyền thần hãnh tiến có kẻ tố cáo tội trạng của ông. Các đại thần cho rằng ông là người có công lao nên phải đem ra đình nghị, rồi bãi chức", sách Đại Việt thông sử chép.
Năm 1448, Nguyễn Xí được khôi phục tước vị, cho làm Thiếu bảo, coi việc quân dân.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép, năm 1459 Lê Nghi Dân là anh cùng cha khác mẹ của Lê Nhân Tông giết vua để tiếm ngôi. Nghi Dân vì tin dùng bọn gian nịnh, giết hại bề tôi cũ, pháp chế của tổ tông đổi thay hết thảy, người oán trời giận.
"Tháng 6, ngày mồng 6 (năm 1460) các đại thần là bọn Nguyễn Xí, Đinh Liệt xướng nghĩa diệt bọn phản nghịch Đồn, Ban. Giáng Nghi Dân xuống trước hầu. Đón Gia Vương lên ngôi hoàng đế. Khi ấy, Nghi Dân cướp ngôi mới được 8 tháng...", sách viết.
Đại Việt thông sử cho hay, Nguyễn Xí là người khởi xướng việc khởi binh, cũng chính ông đã cầm quân tiêu diệt bọn nghịch đảng tay sai của Nghi Dân
Năm 1460, Nguyễn Xí và các đại thần đã tôn con trai Lê Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọc Dao là Lê Tư Thành (tức Lê Thánh Tông) lên ngôi vua, khi ấy 18 tuổi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư miêu tả Thánh Tông bình thường sống kín đáo, không lộ vẻ anh minh, thích đọc sách cổ kim, nghĩa lý thánh hiền, nhưng vẫn được quan lại triều đình đánh giá cao, tin tưởng trở thành bậc kỳ tài giúp nước.
Trong hơn 37 năm trị vì, Lê Thánh Tông đã tạo ra nhiều thành tựu, khiến Đại Việt trở thành quốc gia lớn mạnh trong khu vực, được các nước láng giềng kiêng nể. Đây cũng được đánh giá là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của Đại Việt về mọi mặt kinh tế, chính trị, quân sự, giáo dục, văn hóa, xã hội. Lãnh thổ được mở rộng đáng kể sau nhiều cuộc chiến với các nước xung quanh như Chiêm Thành, Ai Lao, Bồn Man.
Nguyễn Xí dưới thời vua Lê Thánh Tông rất được trọng dụng. Sách Đại Việt thông sử ghi, ông được phong là Khai phủ nghi đồng tam ty, Nhập nội kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự Á quân hầu, giúp việc chính sự. Trong bài nói về Nguyễn Xí, Thánh Tông đã dùng nhiều mỹ từ ca ngợi: "Bề tôi trung ái", "giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi, nghiêm mặt ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều tượng mộ phong thái, bốn bề đều ngưỡng vọng uy danh"...
Năm 1463, vua Lê Thánh Tông ban chức Nhập nội hữu tướng quốc cho Nguyễn Xí rồi sau lại thăng làm Thái úy. Khi ông mất (năm 1465, thọ 69 tuổi), "vua thương xót tặng hàm Thái sư, thuỵ là Nghĩa Vũ".
Năm 1484, Nguyễn Xí được truy tặng thêm là Cương quốc công, phong làm phúc thần, sắc là Hiển Uy Chính nghị Anh liệt Trung trinh đại vương, được lập miếu thờ ở quê nhà Nghi Hợp (Nghi Lộc, Nghệ An)
Phố Nguyễn Xí dài hơn 50m nối giữa phố Đinh Lễ đến Tràng Tiền, thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Thời Pháp thuộc đây là phố Jules Boissière, sau cách mạng tháng tám là phố Chùa Quan Thượng (nơi xưa có chùa Báo ân), rồi được đổi thành tên Nguyễn Xí như ngày nay.
Cùng với phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí nổi tiếng là phố sách với các cửa hàng chất đầy sách cổ khó tìm đến những cuốn mới xuất bản... Tản bộ quanh bờ hồ Hoàn Kiếm rồi ghé vào phố sách Đinh Lễ - Nguyễn Xí ở kế bên đã trở thành thú vui của không ít người Hà Nội và du khách khi đến với thủ đô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét